Kiến nghị loạt giải pháp gỡ khó cho công tác quy hoạch

.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh.

Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn, lập đồng thời các quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn… hàng loạt giải pháp được Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị với Quốc hội để gỡ khó cho công tác quy hoạch. 

Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều 25/4.

Đây là chuyên đề sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ ba (khai mạc ngày 23/5 tới).

Để hoàn thành báo cáo có dung lượng 66 trang phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận hôm nay, Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với nhiều bộ ngành, địa phương.

“Đặc biệt, ngày 21/4/2022, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới”, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới

Khái quát một số kết quả đạt được, Phó trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.

Cụ thể hơn, ông Thanh cho biết, đến nay, đã có quy hoạch sử dụng đất quốc gia ,4 quy hoạch ngành quốc gia, 1 quy hoạch vùng, 1 quy hoạch tỉnh được phê duyệt; 1 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 4 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 14 quy hoạch ngành quốc gia, 16 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định theo quy định.

Đáng chú ý, về quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Thanh thông tin, trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương lập quy hoạch này. Hiện nay, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổng thể quốc gia đã hoàn thành nội dung “Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của quốc gia và Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia”, đã tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Đối với dự thảo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các buổi hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện. Theo dự kiến tiến độ, tháng 10/ 2022, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4(tháng 10/2022).

Đoàn giám sát đánh giá, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chậm, chưa đạt được yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ.

Hiện nay, Chính phủ đang phấn đấu đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 119/NQ-CP, theo đó “chậm nhất là ngày 31/12/2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch”.

Nhưng, từ nay đến ngày 31/12/2022 chỉ còn 8 tháng, có những quy hoạch chưa xác định xong tư vấn, do vậy, khả năng không hoàn thành các quy hoạch theo tiến độ là rất cao. Đặc biệt, có thể có trường hợp các quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau và ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đã được triển khai theo quy hoạch cấp dưới, Đoàn giám sát lo ngại.

Kiến nghị cho phép chỉ định thầu

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác lập quy hoạch, ông Thanh cho biết Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này sẽ gồm các giải pháp triển khai ngay và cả giải pháp dài hạn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.

Theo đó, giải pháp cần triển khai ngay có việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn. Cho phép lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này….

Về các giải pháp trong dài hạn, Đoàn Giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này để để xuất đưa vào trong chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.