Kinh nghiệm quản lý, phát triển KCN, KKT vùng đồng bằng sông Hồng

Hội thảo có sự tham dự của Bộ Kế hoạch Đầu tư và đại diện các KCN, KKT của 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Trong Nghị định 35 ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, có khu dịch vụ lưu trú (không rõ có cần phải quy hoạch trong 1 khu riêng biệt hay không). Đặc biệt, trong Nghị định 35 này có nói rất nhiều về KCN sinh thái. Hải Phòng hiện có KCN DEEP C được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) chọn thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

“Trong 11 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng nên có 1 cơ chế để trao đổi thông tin, sàng lọc thông tin để xúc tiến đầu tư. Thời gian gần đây, các nhà đầu tư đến khảo sát không phải ở một địa phương mà đi rất nhiều địa phương cùng một lúc. Ban Thường vụ TP.Hải Phòng đã có rất nhiều cuộc làm việc với Ban Thường vụ các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… để có thêm thông tin tiếp cận với nhà đầu tư tốt nhất”, ông Kiên nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện các KCN, KKT của 11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã thảo luận về những điểm mới trong Nghị định 35. Đây được coi là bước đột phá về cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khơi thông phát triển các KCN, KKT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 35, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Hiện nay, quy hoạch phát triển khu công nghiệp trong Nghị định 82 năm 2018 của Chính phủ hiện được thay thế bằng Phương hướng phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch vùng và Phương án phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh. Song, trên thực tế, hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng mới phê duyệt nhiệm vụ ngày 19/4/2022 (theo Quyết định số 492 của Thủ tướng Chính phủ); quy hoạch cấp các tỉnh hiện chưa được thẩm định, phê duyệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt các khu công nghiệp chưa có trong Quy hoạch phát triển khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây. Nghị định cũng 35 quy định về việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN mua, thuê, thuê mua nhà ở để cho người lao động thuê, mua lại, thuê lại; nhưng Luật Nhà ở lại chỉ quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua cho đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân, không có đối tượng là tổ chức. Do đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có cơ hội tiếp cận theo hình thức này để bố trí nhà ở cho công nhân, lao động.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội nêu thực tế tại địa phương: “Liên quan đến nhà ở công nhân, người lao động, với Hà Nội hiện nay nội dung này cũng là một khó khăn. Trước đây, nhà ở cho công nhân, người lao động tại Hà Nọi gần như là không có; chỉ duy nhất khu Thăng Long là có nhà ở công nhân, người lao động mà trước đây TP.Hà Nội đầu tư nhà ở xã hội, đáp ứng về cơ bản là khoảng 60.000 lao động ở. Tuy nhiên, các khu cũ gần như là không có quỹ đất. Hiện, Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành trong đó có BQL rà soát, xây dựng các nhà ở, thiết chế văn hoá cho người lao động theo đúng quy định của Nghị định 35; đã thành lập và có một chương trình phát triển riêng về nhà ở xã hội cho người lao động gắn với quy hoạch của khu vực có phát triển công nghiệp. về cơ bản sẽ giải quyết được bài toán cho người lao động”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội nêu ý kiến thực tế tại địa phương
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội nêu ý kiến thực tế tại địa phương. Ảnh: Thanh Sơn

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý các KCN Hải Dương cho biết: Hải Dương được Chính phủ quy hoạch 24 KCN, hiện có 11 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 84%. Nhưng hiện nay, chúng tôi có 6 KCN đang triển khai, GPMB, thi công hạ tầng. trong 6 KCN này, tính ra là các KCN đã được thành lập thì tỷ lệ lấp đầy mới được hơn 50%, chưa đủ 60% nên có 2 KCN đang trình Thủ tướng chuyển sang hình thức đặc thù. Như vậy, chưa rõ về tiêu chí nên các doanh nghiệp còn đang loay hoay.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương nêu ý kiến tại Hội thảo
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương nêu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

“Đối với KCN hiện có 2 vấn đề tôi cho là nóng là nhà ở cho công nhân (luật nhà ở có vướng mắc) và vấn đề môi trường. Từ năm 2018, luật chuyển giao công nghệ có giá trị. Như vậy, khi thẩm định về công nghệ xử lý nước thải, lúc đó yêu cầu phải có. Còn trước đó, công nghệ tuỳ các doanh nghiệp lựa chọn. Với 11 KCN đang hoạt động thì về mặt lý mà nói thì xây dựng phải theo quy hoạch. Tuy nhiên, khi Bộ phê duyệt quy hoạch, ví dụ 1 KCN khoảng độ 4.000m3/năm/ngày, nhưng hiện tại các KCN xây khi kiểm toán ra chỉ xây bằng 1/2 hoặc 2/3, cuối cùng nước thải cũng không đủ để cho họ sử dụng. Nếu đúng luật thì doanh nghiệp phải xây đủ, đồng bộ với quy hoạch. Thực chất trước nay chúng ta chỉ quan tâm đến công nghệ xử lý là gì nhưng nhân lực vận hành và chi phí thường xuyên để vận hành thì lại không quan tâm. Đôi lúc chỉ ít chi phí đưa vào mua hoá chất hoặc lơ mơ trong việc vận hành thì sẽ xảy ra vấn đề về môi trường. Và tương lai, càng ngày nó sẽ càng xảy ra nhiều hơn. Và đây là việc không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được”, ông Tuấn chia sẻ quan điểm.

Bên cạnh đó, các đại biểu khác cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong phát triển KCN, KKT, đặc biệt là phát triển KCN sinh thái, thu hút đầu tư trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài thu hẹp, song thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta trong 11 tháng năm 2022 đạt trên 25 tỷ USD. Trong đó, riêng khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm tới 33% số dự án và trên 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; vùng đồng bằng sông Hồng cũng có 3 lọt vào top 10 tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.

“Tình hình kinh tế thế giới thời gian tới dự báo còn nhiều khó khăn, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng cần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ nhau để phát triển và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Chung nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ghi nhận những kiến nghị của các đơn vị trong quá trình góp ý cho việc sửa đổi quy định của pháp luật về nhà ở cho người lao động. Đồng thời, sẽ có đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với việc bố trí quỹ đất và cơ chế liên quan đến việc cho phép doanh nghiệp có thể mua nhà cho người lao động để phục vụ trực tiếp cho việc cư trú của người lao động.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu. Ảnh: Thanh Sơn

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang rất cố gắng trong quá tình xây dựng dự thảo của Nghị định 35, cũng đã làm việc với các bộ, ngành liên quan rất vất vả, đặc biệt là với Bộ Lao động và Thương binh xã hội. Còn với một số dịa phương cũng đã kiện toàn lại cơ cấu tổ chức và ban hành lại quyết định thành lập các ban quản lý theo quy định mới của Nghị định 35, trong đó có quy định rõ về thẩm quyền của mình đối với môi trường, lao động. Theo quy định mới, một số ban chưa hoàn thành đề nghị rà soát, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức theo quy định mới”, bà Hiếu nhấn mạnh.