Kinh tế 2023 và áp lực lạm phát

Trên thực tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Tuy vậy, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát là rất lớn, áp lực lạm phát luôn chực chờ, thì càng cần phải thận trọng hơn trong điều hành.

Chính phủ Việt Nam, có thể nói, đã rất thành công trong điều hành giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Đây chính là năm mà lạm phát “càn quét” kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở khu vực châu Âu và Mỹ.

Một vài ví dụ cụ thể: lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 11/2022 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021; lạm phát của Mỹ tăng 7,1% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2022 của Thái Lan tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc tăng 5%; Indonesia tăng 5,4%; Trung Quốc tăng 1,6%; Nhật Bản tăng 3,8%… Cao hơn năm 2021, thậm chí là kỷ lục trong vài chục năm qua là điều được các chuyên gia nhắc đến rất nhiều khi nói về lạm phát trên toàn cầu năm 2022.

Nhưng ngược dòng thế giới, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức 3,15%, dù trong suốt cả năm, nền kinh tế luôn phấp phỏng lo lạm phát cao quay trở lại. Đó là một thành tựu quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được nhiều định chế tài chính nước ngoài đánh giá cao.

Tuy vậy, khi năm 2023 chỉ còn cách năm 2022 một bước chân, thì nỗi ám ảnh lạm phát đã quay trở lại.

Dù về số liệu thống kê, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân chỉ tăng 3,15%, nhưng chính những người tiêu dùng mới thấy “hơi nóng” của lạm phát lớn thế nào, khi giá cả hàng hóa ngoài chợ, trong siêu thị không ngừng tăng.

Doanh nghiệp càng thấy “nóng” hơn, thậm chí là “nóng rát”, khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh trong năm vừa qua. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số Giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất trong năm 2022 tăng 6,79% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,88%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,53%; dùng cho xây dựng tăng 6,96%…

Thậm chí, nếu chỉ nhìn vào số liệu CPI, cũng có những điều cần phải lo. Bởi lẽ, dù tính bình quân, CPI năm 2022 của Việt Nam chỉ tăng 3,15%, nhưng so với tháng 12 năm trước, CPI vẫn tăng 4,55% – một mức khá cao. Trong đó, riêng CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước.

Và dù Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung, khi CPI tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước đi chăng nữa, thì cũng vẫn cao hơn lạm phát của Nhật Bản và Trung Quốc.

Xu hướng tăng giá này cho thấy, áp lực lạm phát trong năm 2023 là hiện hữu. Hơn thế, còn rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường, lạm phát trong năm tới. Đầu tiên là việc giá cả nhiều mặt hàng đang tăng cao, có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn, nhất là khi hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch cận kề.

Không những thế, điều quan trọng là bước sang năm 2023, một số biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm một số loại phí, lệ phí, giảm thuế môi trường, xăng dầu, các chính sách hỗ trợ người lao động… sẽ kết thúc. Nếu không tiếp tục được gia hạn, sẽ tác động ngay tới CPI.

Chưa kể, việc tăng lương, rồi điều chỉnh giá một số sản phẩm, dịch vụ mà Nhà nước quản lý, như giá điện, học phí…, vốn đang được trì hoãn, nếu được thực thi trong năm 2023 cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI của cả nước.

Dù áp lực lạm phát toàn cầu năm 2023 được dự báo không căng thẳng như năm 2022, nhưng ở trong nước, rất nhiều yếu tố có thể tác động đến lạm phát. Trong đó, bao gồm cả việc gói đầu tư công lên tới hơn 700.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm tới. Việc một ngân khoản lớn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội phải hoàn tất giải ngân trong năm 2023 cũng sẽ đổ một lượng tiền lớn vào nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà khi quyết nghị các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 2023, Quốc hội đã bấm nút thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%, thay vì dưới 4% như năm 2022. Chỉ điều đó cũng cho thấy, nỗi lo lạm phát lớn chừng nào.

Nếu không thận trọng trong điều hành, “bóng ma” lạm phát sẽ ám ảnh nền kinh tế.