Kỳ vọng lớn từ công trình động lực mới của ngành giao thông

Tinh thần “máu lửa” sẽ được thể hiện trên các công trường đường cao tốc trong thời gian tới. Trong ảnh: Thi công Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông  giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Những “ngọn cờ” mới

Mặc dù đã trực tiếp ký tới cả trăm hợp đồng lớn nhỏ trong suốt hơn 40 năm gắn bó với nghề cầu đường, nhưng ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành vẫn không giấu được xúc động khi cùng một đơn vị ký hợp đồng nhận thầu Gói thầu XL02, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (gọi tắt là Dự án cao tốc Bắc – Nam) giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Bùng – Vạn Ninh hôm 24/12/2022.

Việc được trao Gói thầu XL02 (quy mô lên tới 5.400 tỷ đồng) có thể giúp Công ty Phương Thành có được một quỹ công việc đáng kể trong 2 năm tới. Quá trình tuyển chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu được chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án 6 – thực hiện khắt khe cũng là sự ghi nhận rất lớn đối với sự trưởng thành của đơn vị mà hơn 15 năm trước vẫn còn là một công ty cổ phần với vỏn vẻn 40 nhân sự, chuyên làm đường giao thông cấp thấp.

Từ một doanh nghiệp không tên tuổi, Phương Thành đã trở thành nhà thầu quốc tế khi liên tiếp trúng thầu thi công nhiều gói thầu lớn sử dụng vốn ODA đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp, như: gói thầu A5, A7 Cao tốc Nội Bài – Lào Cai; các gói thầu Quốc lộ 1 tại Thanh Hóa, Khánh Hòa; các tuyến đường cao tốc trọng điểm: Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… Công ty Phương Thành còn là nhà đầu tư có “vai vế” tại Việt Nam với 2 tuyến cao tốc trọng yếu là Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hạ Long – Vân Đồn.

Tuy nhiên, sản lượng trung bình mỗi gói thầu mà đơn vị này từng đảm nhận chỉ khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc được tin tưởng giao một gói thầu xây dựng đường cao tốc có quy mô lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiến độ (thi công 24 tháng) cũng là bước tiến dài của Công ty Phương Thành.

“Bên cạnh việc thỏa mãn nhiều tiêu chí xét thầu của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), Công ty Phương Thành còn được điểm cộng nhờ kết quả thi công rất tích cực tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 cho biết.

Không riêng Công ty Phương Thành, tại Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến khởi công vào ngày 1/2/2023, dấu ấn của nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông ngày một rõ nét. Những tên tuổi như Tập đoàn Đèo Cả, Ligico16, Sơn Hải, Trung Chính, Vinaconex, Cienco4, Thăng Long, Trường Thịnh… sẽ lần lượt được trao những gói thầu xây lắp lớn, thậm chí có những gói thầu quy mô lên tới 8.000 tỷ đồng – tương đương 1 dự án đường cao tốc được triển khai trong giai đoạn trước đây.

Để được xem xét chỉ định thầu, các nhà thầu xây lắp phải đáp ứng 5 điều kiện: có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét (tương ứng với cấp công trình cầu, hầm…); phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét; nguồn lực tài chính phải đáp ứng yêu cầu; doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất phải tương đương với giá gói thầu đang xét.

Ngoài ra, Bộ GTVT còn yêu cầu nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu để triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ; trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu, thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.

Theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đây là những yêu cầu rất khắt khe, nhưng lại giúp các nhà thầu tư nhân sớm trưởng thành vượt bậc trong nghề xây dựng cầu đường, thậm chí là “bàn đạp” để vươn ra thị trường xây dựng khu vực.

“Những nhà đầu tư tư nhân mới như Đèo Cả, Sơn Hải, Phương Thành; hay các tổng công ty đại chúng có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước như Cienco4, Vinaconex… đang là những ngọn cờ trong nhiệm vụ xây dựng các công trình hạ tầng lớn, mở những đại lộ giúp đất nước phú cường”, ông Trần Chủng nhận xét.

Tinh thần “máu lửa” trên công trường

Không chỉ các doanh nghiệp xây dựng, mà bản thân các cơ quan quản lý đầu tư, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư 12 dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc – Nam  giai đoạn 2021 – 2025 cũng đang tự nâng tầm bản thân để có thể thiết lập kỷ lục hoàn thành thi công đại dự án trong vòng 24 tháng.

Kể từ khi Quốc hội chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, đơn vị chủ công của Bộ GTVT trong việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư là Cục Quản lý xây dựng và 7 ban quản lý dự án chuyên ngành đường bộ đã bước vào cuộc đua nước rút để sớm khởi động công trình trên thực địa.

Các đơn vị này “sáng đèn” suốt đêm, hàng trăm cán bộ, kỹ sư đã ăn ngủ tại trụ sở để kịp thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; xây dựng các tiêu chí chỉ định thầu; sau đó là duyệt dự toán các gói thầu xây lắp.

“Đây là những công việc vừa đòi hỏi tiến độ, vừa phải đảm bảo độ chính xác cao, bởi 1 sai sót nhỏ cũng có thể làm đội chi phí 1 gói thầu cả trăm tỷ đồng”, một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng cho biết.

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 có tổng chiều 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).

Tổng mức đầu tư Dự án lên tới 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Nếu được triển khai đúng kế hoạch, công trình gồm khối lượng công việc khổng lồ, là một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước trong ít năm tới.

“Tuy nhiên, do Dự án trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Đến thời điểm này, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực cao độ, các chủ đầu tư, tư vấn và cơ quan tham mưu của Bộ GTVT cơ bản kết thúc toàn bộ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đúng kế hoạch, lập nên một kỷ lục chưa từng có trong ngành GTVT.

Trước đây, bình quân 1 dự án nhóm A sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư có tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và khởi công khoảng 2 năm. Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm, độ phức tạp kỹ thuật cao, nhưng thời gian triển khai được rút ngắn chỉ còn một nửa, khắc phục được tình trạng chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị đầu tư vốn tồn tại ở nhiều dự án giao thông trước đó.

Để đảm bảo siêu dự án được hoàn thành vào năm 2025, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP, giao nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án. Trong đó, có việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Rút kinh nghiệm từ Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, để hỗ trợ các đơn vị thi công có thể vào cuộc ngay, Bộ GTVT kiến nghị và được Chính phủ cho phép rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ Khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Bên cạnh các giải pháp nói trên, với tư cách là đơn vị đầu tàu về giải ngân trên cả nước, tinh thần máu lửa sẽ được thể hiện trên các công trường đường cao tốc của ngành GTVT như chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ là làm ngày, làm đêm, làm hết việc, chứ không hết giờ. Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân phục vụ, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường”, ông Huy cam kết.

Những mốc tiến độ chuẩn bị Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025

Từ ngày 15/3/2022: Bộ GTVT bắt đầu bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Đến ngày 30/4/2022, đã bàn giao 60%, đến ngày 30/6/2022 bàn giao 100% cọc giải phóng mặt bằng.

Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của 12 dự án thành phần trước ngày 17/6/2022.

Ngày 25/5/2022: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ngày 13/7/2022: Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần.

12 gói thầu khởi công trong năm 2022: chủ đầu tư đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán từ tháng 11/2022; đã lựa chọn nhà thầu xây lắp, thương thảo, ký hợp đồng trong tháng 12/2022.

13 gói thầu còn lại: Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước tết Quý Mão (yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP: thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023).