Lâm Đồng xác định hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận đánh giá, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là Nghị quyết mang tính “hoa tiêu” để phát triển vùng Tây Nguyên trong các thập niên đến.

Đối với Lâm Đồng, 20 năm qua, kinh tế của tỉnh Lâm Đồng phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, một số chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, GRDP chiếm gần 30% trong toàn vùng Tây Nguyên, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. “Hay nói cách khác, phát triển kinh tế ở Lâm Đồng đồng bộ với ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh”, ông Quận nói.

Lâm Đồng là tỉnh không có biên giới, không có biển, nằm sâu trong nội địa vùng Tây Nguyên. Với vai trò là một cực tăng trưởng, là khu vực động lực phát triển vùng Tây Nguyên. Vì thế, Lâm Đồng xác định phát triển hạ tầng giao thông là nút thắt cần tháo gỡ để phát triển của tỉnh và Tây Nguyên. Đây được xem là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế – xã hội, cốt lõi của các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo ông Quận, Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng về kết cầu hạ tầng giao thông đồng bộ đến năm đến 2025, định hướng đến 2030 đã xác định tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng, liên khu vực, quyết tâm đưa vào hoàn thành, khai thác vào năm 2026, như cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km (đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài 73,6km), Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Liên Khương; Dự án Khôi phục cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm. Nhìn chung Lâm Đồng từng bước hình thành mạng lưới giao thông nội thị tỉnh, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa…

Lâm Đồng cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát tiển kinh tế tuần hoàn, hướng đến chuyển dịch mạnh mẽ từ công nghiệp sang nông nghiệp, cân đối lại tỷ trọng giữa kinh tế công nghiệp và nông nghiệp trong cán cân kinh tế của tỉnh. Hiện tại, tỉnh đang tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích phát triển lực lượng nông dân là thanh niên có trình độ chuyên môn, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tấc trong nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các dự án nông nghiệp hữu cơ, quan tâm ưu đãi, hỗ trợ chính sách theo quy định, cải cách thủ tục hành chính.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng cho biết, Lâm Đồng đang chú trọng thị trường trong nước; phát triển chăn nuôi tập trung; các loại cây trồng mang tính đặc hữu; đặc biệt là hình thành vùng sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý như rau, hoa Đà Lạt; cà phê Bảo Lộc; sầu riêng Đạ Huoai… 

Lâm Đồng cũng chủ động hợp tác quốc tế nông nghiệp, khai thác thị trường quốc tế mới, nhất là các quốc gia chưa tiếp cận sản phẩm của tỉnh trong thời gian vừa qua. 

“Lâm Đồng cũng thu hút đầu tư vào các khu vực trọng tâm, trọng điểm, như Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Khu vực này hiện có 37 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang tổ chức lập đồ án, điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch khu chức năng. Kế đến là khu vực Đan Kia – Suối Vàng đang phê duyệt quy hoạch phân khu 1/200, để làm cơ sở thu hút đầu tư và hiện đã có nhà đầu tư quan tâm”, ông Quận chia sẻ.

Đồng thời, Lâm Đồng cũng thu hút đầu tư có chọn lọc vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với 2 dự án điện gió lớn, tương ứng tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ chủ động quảng bá, hợp tác về du lịch, về các giải pháp, hạn chế tác động của phát triển kinh tế làm biến đổi khí hậu….

Lâm Đồng mở rộng không đô thị theo hướng xây dựng các đô thị vệ tinh đặc trưng, như là nhà trong vườn, vườn trong phố, hạn chế tối đa tác động đến đất rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng….; hoàn thành thực hiện trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh do Thủ tướng Chính phát động, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng ở Tây Nguyên lên 47% trong năm 2030.