Làm rõ việc cân đối nguồn vốn để thông tuyến đường Hồ Chí Minh

.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra.

Tiếp tục kỳ họp thứ ba, sáng 24/5 Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ ba việc Giao Chính phủ triển khai hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe trong giai đoạn 2021 – 2025.

Nội dung tiếp theo giao Chính phủ là triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 theo quy hoạch, phù hợp nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư, trong đó có đoạn cổ Tiết – Chợ Bến.

Báo cáo thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn  với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Dự án đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, gồm 3 đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới – Ngã ba Trung Sơn); Cổ Tiết – Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng – Chợ Bến); (Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai Dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Về nguồn vốn, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỷ đồng. Đến năm 2020, đã bố trí 62.316 tỷ đồng  (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 43.728 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng).

Giai đoạn 2021 – 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (4.677 tỷ đồng cho dự án chuyển tiếp, 4.686 tỷ đồng khởi công mới 02 dự án thành phần, 7.343 tỷ đồng thanh toán dự án La Sơn – Túy Loan đầu tư theo hình thức BT).

Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn; trong đó 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư để nối thông tuyến có tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng.

Uỷ ban thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu. Cụ thể là làm rõ việc cân đối vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 có tính đến các dự án thành phần: đoạn Đoan Hùng – Phú Thọ 1.600 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ địa phương), các dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông 776 tỷ đồng và thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản 51 tỷ đồng cho dự án kết nối Kon Tum – Pleiku.

Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất về số liệu. Vì, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Theo Báo cáo số 8353/BC-BKHĐT ngày 30/11/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số nguồn vốn đã phân bổ cho Dự án là 110.227 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước là 91.639 tỷ đồng, vốn BOT là 18.588 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án.

Vấn đề cần làm rõ tiếp theo là thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025;  đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến.

Về nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời báo cáo, đánh giá, làm rõ việc cân đối nguồn vốn 4.450 tỷ đồng kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 triển khai 02 dự án thành phần đoạn Chợ Chu – Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận.

Cơ quan thẩm tra cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ trong việc tận dụng Quốc lộ 32 và 21 thay thế khi đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến chưa được đầu tư, để phát huy hiệu quả toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ngay chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.