Lo khiếu kiện, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục phát triển 6.564 MW điện mặt trời

Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (ảnh PECC2)
Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (Ảnh PECC2)

Trong báo cáo rà soát một số nội dung của Dự thảo Quy hoạch điện VIII tháng 7/2022, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư (bao gồm cả những dự án đã hoàn thành thi công) trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.428,42 MW.

Đây là các dự án điện mặt trời nằm trong số 51 dự án/hoặc một phần dự án điện mặt trời có với tổng công suất 6.564,67 MW đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhưng chưa vào vận hành trước ngày 1/1/2021 và hiện đang chơi vơi vì chưa có chính sách tiếp theo cho loại hình này.

Trong số này có Dự án Thiên Tân 1.2 (80 MW) đã vận hành thương mại (COD) được 48,23 MWp; Thiên Tân 1.3 (32 MW) đã hoàn thành, nhưng chưa được công nhận COD; Thiên Tân 1.4 (80 MW) hoàn thành vào 30/6/2021. Toàn bộ công trình chưa có báo cáo hoàn thành thi công xây dựng gửi cơ quan chức năng theo quy định.

Các dự án còn lại đã đầu tư xong gồm có Phù Mỹ (Phù Mỹ 1 công suất 64,75 MW, vận hành ngày 30/12/2020; Phù Mỹ 3 công suất 23,75 MW vận hành ngày 24/12/2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tại Văn bản số 932/TTg-CN ngày 23/7/2018 và được UBND tỉnh Bình Định cấp chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư và đã có kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình vào tháng 6/2022.

Đối với dự án điện mặt trời Phước Minh, công suất 450 MW, đã được xây dựng xong, phần chưa có giá điện hiện là 172,12 MW. Công trình cũng chưa có thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình của cơ quan chức năng.

5 dự án/phần dự án đã hoàn thành thi công này có tổng công suất 452,62 MW này có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 11.800 tỷ đồng.

Với các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư (tính đến hết ngày 25/6/2022) có tổng công suất 1.975,8 MW được Bộ Công thương cho hay là chi phí đã đầu tư chưa đủ cơ sở/số liệu để xác định.

Ngoài ra, còn có 27 dự án/hoặc một phần dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư có tổng công suất lên tới 4.136,25 MW.

Việc bổ sung các dự án điện mặt trời này vào Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng cũng được Bộ Công thương đưa ra các lập luận để giải thích.

Theo đó, về mặt quy hoạch, các dự án đã được thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng các quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT.

Trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương tổ chức thẩm định để cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tự chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.

Chủ đầu tư các dự án này cũng đã triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phù hợp với các quy định về đầu tư, xây dựng tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật liên quan khác.

Đa số các dự án đã có nhà đầu tư đang trong quá trình triển khai, chưa gửi báo cáo hoàn thành xây dựng công trình và chưa có số liệu quyết toán về tổng mức đầu tư, do đó chưa đủ cơ sở để xác nhận chi phí các nhà đầu tư đã thực hiện và chưa thể đánh giá được mức độ thiệt hại khi không tiếp tục triển khai các dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư cho giai đoạn đến năm 2030.

Ngoài 2.428,42 MW được đề xuất bổ sung vào giai đoạn đến năm 2030, các dự án điện mặt trời chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW được đề nghị xem xét giãn sang giai đoạn sau năm 2030 để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống.

Lý do là bởi nếu đưa vào giai đoạn trước năm 2030 sẽ làm cho tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao (khoảng 26% tổng công suất toàn hệ thống), ảnh hưởng đến khả năng vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện và ảnh hưởng đến vận hành kinh tế các nguồn thủy điện, nhiệt điện và bao tiêu khí hiện có.