Lo nguồn vật liệu cho cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Tái diễn nguy cơ thiếu vật liệu

Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) không giấu được sự lo lắng về những khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông). Điều này được thể hiện rõ trong Công văn số 4884/BGTVT-CQLXD gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuối tuần trước.

Vật liệu xây dựng thông thường có nhiều loại, nhưng đối với công tác thi công nền đường, thì đất đắp đạt tiêu chuẩn và đá xây dựng được ví như “máu”; quyết định tiến độ, chất lượng và chi phí đầu tư của toàn bộ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Trong Công văn số 4884, Bộ GTVT cho biết, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa là 17,37 triệu m3 đá; 9,04 triệu m3 cát; 45,56 triệu m3 đất đắp. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng nhu cầu cát đắp của 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau khoảng 18,07 triệu m3.

Bài toán khó về nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được cảnh báo ngay từ bước lập dự án, bởi dự án này cần khối lượng vật liệu khổng lồ. Hơn nữa, thời điểm triển khai xây dựng công trình còn trùng với giai đoạn cả nước đồng loạt thi công nhiều dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai có quy mô xây dựng rất lớn.

Đây cũng là lý do Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung vật liệu cho Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khẩn trương tổ chức lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án.

Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của đơn vị tư vấn lập Dự án, 10 dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có 102 mỏ đá, 114 mỏ cát, 109 mỏ đất đắp. Đối với 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau, có 24 mỏ cát.

Đáng nói là, dù các dự án thành phần đang thi công đồng loạt, nhưng công tác thi công nền đường hầu như chưa được triển khai, do các nhà thầu chưa được giao mỏ vật liệu vì vướng mắc nhiều thủ tục liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành – đơn vị thi công Gói thầu XL02 (đoạn Km600+700 – Km624+228,79) Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Vũng Áng – Bùng, đường găng tiến độ tại công trình đang nằm ở hàng chục vị trí phải xử lý nền đất yếu có tổng chiều dài gần 5 km.

Ngay sau khi Dự án thành phần Vũng Áng – Bùng được khởi công vào ngày 1/1/2023, Phương Thành đã dồn một lượng lớn thiết bị và nhân lực vào công trường để vừa tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, vừa tiến hành bóc hữu cơ trên toàn bộ công địa dài hơn 24 km.

“Chúng tôi đang rất cần cát xây dựng để thi công cọc cát và đắp gia tải trong 1 – 2 tháng tới, bởi nếu không hoàn thành công tác quan trọng này trước tháng 9/2023, sẽ ảnh hưởng lớn tới mục tiêu hoàn thành gói thầu vào cuối tháng 10/2025”, ông Khôi cho biết.

Tại Quảng Bình, cát xây dựng không phải là vấn đề lớn khi có tới 39 mỏ đã được địa phương cấp phép với trữ lượng lên tới khoảng 5,4 triệu m3. Vấn đề là, dù được tăng công suất lên gấp đôi theo cơ chế đặc thù, thì nguồn cung cát xây dựng vẫn đang là thách thức rất lớn.

Hiện tổng công suất khai thác được cấp phép tại các mỏ này chỉ ở mức 200.000 m3/năm, trong khi nhu cầu cát xây dựng cho toàn bộ Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, gồm các đoạn Vũng Áng – Bùng và Bùng – Vạn Ninh, lên tới gần 1 triệu m3 cát và được “nén” lại trong vòng 7 – 8 tháng.

Vấn nạn chung

Cũng giống như Gói thầu XL02, tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp, cát tiêu chuẩn cũng đang là vấn nạn tại Dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả – nhà thầu chủ lực tại Dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn cho biết, dự án thành phần này cần tối thiểu khoảng 12,6 triệu m3 đất đắp và 1,3 triệu m3 cát.

Thời gian vừa qua, các nhà thầu đã chủ động thực hiện công tác khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ lên các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

“Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu mới, nhưng đến nay, các địa phương vẫn rất lúng túng trong việc xác định rõ thẩm quyền đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ này. Đối với các mỏ thương mại, một số chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng”, đại diện nhà thầu Đèo Cả cho biết.

Một khó khăn nữa đối với các nhà thầu thi công Dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là trình tự, thủ tục cấp phép mỏ chưa có sự thống nhất giữa các địa phương.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Khoáng sản. Theo đó, không thực hiện rút gọn theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (đã khởi công và sắp khởi công). Địa phương chỉ hỗ trợ rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục, khiến quy trình cấp phép mỏ phải mất từ 60 đến 90 ngày.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định lại hướng dẫn rút ngắn thủ tục một phần, theo Văn bản số 1411/BTNMT-KSBN ngày 18/3/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn cơ chế đặc thù trong việc cung cấp đất san lấp cho tuyến đường cao tốc Bắc – Nam theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Dù vậy, theo quy trình này, thời gian cấp phép khai thác vật liệu cũng phải mất 47 ngày.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, việc thu hồi đất các khu mỏ vật liệu theo Văn bản số 1711/BTNMT-KSVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phù hợp với điểm đ, khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai (2013), nên địa phương không thực hiện giải phóng mặt bằng, mà giao nhà thầu tự thỏa thuận với người dân thực hiện. Điều này dẫn đến việc người dân đưa ra chi phí đền bù cao hơn quy định của Nhà nước (cao gấp 2 – 3 lần), trong khi quy định tại hợp đồng là mức đền bù bằng đơn giá của Nhà nước, nên các nhà thầu không thực hiện được.

“Bên cạnh đó, trong trường hợp người dân không đồng ý nhận tiền đền bù, giao đất phục vụ khai thác vật liệu, thì cũng không có cơ sở để địa phương tổ chức cưỡng chế/bảo vệ thi công”, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết.

Thừa nhận khó khăn mà các nhà thầu nêu, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25/11/2022, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc hạng mục của Dự án.

Tuy nhiên, quá trình rà soát trình tự, thủ tục triển khai, Bộ GTVT thấy rằng, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của dự án không phải là hạng mục của Dự án, nên không thể thực hiện thu hồi đất như hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nếu chiểu theo Luật Đất đai, các mỏ vật liệu đều phải thực hiện thông qua hình thức chuyển quyền sử dụng đất, sau đó địa phương tổ chức thu hồi và cho nhà thầu thuê lại để khai thác. Theo cơ chế này, giá chuyển nhượng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc thỏa thuận của người đang sử dụng đất với nhà thầu, việc chuyển nhượng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do đó Nhà nước không thể kiểm soát được chi phí dẫn đến nguy cơ tăng giá, ép giá hoặc thỏa thuận không thành công sẽ không có mỏ để khai thác, dẫn đến thiếu vật liệu.

Để giải quyết vấn đề trên, tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu… đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, nhiều sở, ban, ngành tại các địa phương chưa thực sự vào cuộc và cũng không có chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ đất không hợp tác.

Được biết, tại Công văn số 4884, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ Dự án đối với 2 loại mỏ: đất đắp và cát xây dựng. Các bước phải thực hiện từ thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xác nhận đăng ký khối lượng khái thác… nhằm đảm bảo tất cả các địa phương đều thực hiện thống nhất.

“Chúng tôi cũng mong sớm nhận được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để thực hiện các thủ tục về đất đai (giải phóng mặt bằng, nhượng quyền sử dụng đất; giá chuyển nhượng) đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; chế tài với trường hợp chủ sở hữu không phối hợp thực hiện”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.