Lựa kịch bản chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Nút giao cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với Quốc lộ 51 là điểm khởi đầu của cao tốc Dầu Giây – Tân Phú.

Độ hấp dẫn cao

“Chúng tôi vừa trình Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức PPP”, ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết.

Được biết, Ban Quản lý dự án Thăng Long được Bộ GTVT giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trên. Sở dĩ đơn vị này phải tiến hành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư là bởi đây là điều bắt buộc tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Cụ thể, Điều 25, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP yêu cầu, công tác khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay phải được thực hiện trong thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP và là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Thực hiện quy định trên, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có Thông báo số 4812/BQLDATL-KHTH ngày 30/11/2022 gửi các nhà đầu tư để thực hiện cuộc khảo sát bắt buộc này. Thông báo nội dung này bằng tiếng Việt, tiếng Anh đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT và trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trong các nội dung khảo sát, đáng chú ý là việc Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị các nhà đầu tư, bên cho vay có ý kiến về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) theo chủ trương đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022; đánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của Dự án, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư.

Ngoài ra, các nhà đầu tư, bên cho vay sẽ có ý kiến đánh giá về tiến độ triển khai thực hiện Dự án; những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; nguồn cung cấp vật liệu để triển khai công trình…

Tại văn bản báo cáo Bộ GTVT giữa tuần trước, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, đã nhận hồ sơ quan tâm của 3 nhà đầu tư trong và ngoài nước gồm: China Harbour Engineering Company Limited (Trung Quốc); Công ty cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh – Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp DIC.

Với kết quả khảo sát trên, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị Bộ GTVT xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Xuất hiệu yếu tố ngoại

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, đề xuất lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế cho Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) dựa trên quy định tại Điều 34, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP về việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án PPP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế trong trường hợp có dưới 6 nhà đầu tư quan tâm; trong đó có ít nhất 1 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm.

Tuy nhiên, bên khảo sát cho biết, quyết định cuối cùng về hình thức lựa chọn nhà đầu tư sẽ thuộc về Bộ GTVT. Sau đó, điều khoản này sẽ được đưa vào Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) như là một trong những nội dung quan trọng nhất.

Cần phải nói thêm rằng, vì nhiều lý do, hiện chưa có bất kỳ dự án hạ tầng giao thông được triển khai theo hình thức PPP tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, Dự án đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, theo Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022, Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) là phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với mục tiêu xây dựng 60,1 km cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Địa điểm thực hiện tại tỉnh Đồng Nai.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 8.365,65 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.065,651 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

“Dự án Đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn I) là một trong số ít các công trình giao thông triển khai theo hình thức PPP được chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương”, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết.

Một số thông số tài chính quan trọng tại Dự án

– Dự kiến khung giá, phí sản phẩm, dịch vụ sử dụng đường bộ: mức giá khởi điểm dự kiến khoảng 1.700 đồng/xe nhóm 1/km. Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe, trong đó hệ số xe nhóm 2 là 1,3 lần, xe nhóm 3 là 1,7 lần, xe nhóm 4 là 2,7 lần và xe nhóm 5 là 3,8 lần.

– Tỷ suất lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu khoảng 11,77%/năm. Mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở tham khảo lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng thương mại.

– Thời gian thu phí hoàn vốn: sơ bộ khoảng 21 năm (20 năm 3 tháng).