Luôn có cơ hội M&A từ trong khủng hoảng

Đánh giá này được ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 – Kích hoạt những cơ hội mới do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 23/11.

Theo ông Dominic Scriven, 30 năm qua, thế giới đã có nhiều phát triển tích cực như kết thúc chiến tranh lạnh, Nhật Bản, Mỹ đưa ra các hiệp định về bình ổn tiền tệ, đồng tiền, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chính sách tiền tệ và quản lý tiền tệ của Mỹ luôn giữ lạm phát của nước này rất thấp, gần như bằng 0,…

“Những điều này đã tạo ra nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, tôi không nghĩ ba thập kỷ tới sẽ sáng sủa như giai đoạn vừa qua”, ông Dominic nói.

Điều này cũng được thể hiện rõ ở thị trường M&A Việt Nam. Thực tế, từ con số 11 tỷ USD của năm 2021, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam chỉ đạt 5,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay. Số lượng “deal” cũng giảm xuống từ khoảng 700 thương vụ xuống còn khoảng 350. Giá trị các thương vụ cũng thấp hơn, từ trung bình 31 triệu USD/thương vụ năm 2021 xuống còn 16,5 triệu USD năm 2022.

Những năm trước, có những thương vụ trị giá hàng tỷ USD, nhưng năm 2022, không có thương vụ nào như thế.

Cũng theo ông Dominic, nguồn tiền trên thế giới hiện đang khan hiếm, chính sách tiền tệ chặt hơn, hiện lạm phát phải siết lại. Nhưng tiền ở Việt Nam lại hiếm vì Nhà nước luôn thận trọng, không in tiền nhiều.

“Quỹ của chúng tôi vay trên thị trường quốc tế bằng tiền đô. Tỷ giá, lãi suất 4% cách đây 22 năm và năm nay thì sẽ là lãi suất 9%, các điều kiện cũng ngặt nghèo hơn. Tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng cũng không thuận lợi. Sẽ khó để kiếm vốn hơn và và chúng ta sẽ phải nghĩ về các cấu trúc, cơ cấu khác nhau cho huy động vốn”, ông Dominic cho hay.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 - Kích hoạt những cơ hội mới. Ảnh: Lê Toàn.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 – Kích hoạt những cơ hội mới. Ảnh: Lê Toàn.

Tuy nhiên, trong khủng khoảng sẽ luôn có cơ hội. Theo ông Dominic, thị trường Việt Nam cũng đang có những tín hiệu đáng mừng.

Ông Dominic cho biết: “Hiện đầu tư ở Việt Nam khá đa dạng. Có những giao dịch giữa các công ty Việt Nam với công ty Việt Nam. Đây là xu hướng tuyệt vời. Bởi vì cùng là người Việt thì hiểu nhau hơn, giao dịch sẽ dễ hơn, chi phí cho rủi ro trong các giao dịch mua bán, sáp nhập giữa Việt Nam và Việt Nam sẽ thấp hơn. Giai đoạn hội nhập sau sáp nhập cũng sẽ đơn giản hơn nhiều”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thích ứng tốt và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những xu thế mới về công nghệ, cơ chế thương mại, đổi mới sáng tạo,… sẽ tạo ra những cơ hội mới, giúp nền kinh tế Đông Nam Á, Châu Á rỗi dậy.

“Chúng ta đã nói về khu vực kinh tế Đông Nam Á trong nhiều năm, khu vực này trong những thập kỉ trước khá yên lặng, nhưng sắp tới đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới và sẽ có nhiều cơ hội nữa. Và đến năm 2030 sẽ có 1 tỷ người có độ tuổi trên 65, tức là có sự thay đổi về nhân chủng học, điều này sẽ mở ra những cơ hội khác. Có những cơ hội lại đến từ vấn đề, như trách nhiệm về môi trường xã hội và và quản trị ESG chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển các công nghệ mới để cải thiện năng lực thích ứng của chúng ta”, ông Dominic chia sẻ.

Theo ông, những gì Việt Nam cần làm là cải thiện những điểm có thể để đón nhận làn sóng mới.

Cụ thể, cần nâng cao năng lực của cơ quan nhà nước. Trong 2 năm qua, có tới 15.000 công chức, viên chức nghỉ việc. Đây là thực trạng đáng quan ngại, bởi tốc độ hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân thì rất nhanh và cơ quan nhà nước cần phải bắt kịp tốc độ này, đặc biệt ở các lĩnh vực mới như số hóa, các lĩnh vực chịu tác động của biến đổi khí hậu, bản quyền sở hữu trí tuệ,… là các lĩnh vực cần bộ máy thực thi mạnh mẽ, được trang bị tốt.

Bên cạnh đó, có thể cải thiện hệ thống trọng tài để giải quyết tranh chấp về môi trường kinh doanh quốc tế. Chúng ta có Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), rất quan trọng đối với môi trường kinh doanh. Với trung tâm này, chúng ta có thể có thể can thiệp và dễ dàng cải thiện năng lực cũng như mức độ hấp dẫn của của dịch vụ VIAC.

Các công ty kế toán, kiểm toán cũng cần nâng chuẩn của mình lên, sử dụng cái hệ thống báo cáo, cái báo cáo tài chính quốc tế và hệ thống kế toán theo kiểu Mỹ, như ESAS, ASRS để đáp ứng xu thế hội nhập.

Ngoài ra, cần tạo cơ chế chuyển tiền giữa nước ngoài và Việt Nam thuận lợi cho các công ty hoạt động, kinh doanh ở nước ngoài, quan tâm đúng mực vấn đề VISA đối với du khách và người nước ngoài,…

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chú ý giảm thiểu rủi ro cho đối tác tài chính của mình. Có thể có những cấu trúc theo kiểu gọi vốn và một nửa là vốn chủ sở hữu, tức là cổ phần và một nửa đó là vốn nợ chẳng hạn hoặc có thể có dạng gọi là tài chính, cấu trúc theo dạng có điều kiện.

Ngoài ra còn có các phương pháp phi tài chính để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. Ví dụ như quản trị tốt hơn, quản lý rủi ro mạnh hơn, đa dạng hóa về rủi ro, đảm bảo tính minh bạch trong cung cấp thông tin, tính trách nhiệm và tăng cường tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp được nhận đầu tư. Đó là những biện pháp phi tài chính nhưng giúp cho các công ty có thể tăng cường xác suất của mình trong việc thu hút vốn đầu tư.