“Mắt xích” yếu kém trong giải ngân đầu tư công ở TP.HCM

Ảnh minh họa

Liên tục đốc thúc, kết quả vẫn là 0%

Trong tháng 4/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp tục ký 3 văn bản để đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, cho thấy sự sốt ruột của người đứng đầu chính quyền Thành phố khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công rất ì ạch. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết quý I/2023, Thành phố mới giải ngân được 1.608 tỷ đồng, đạt 4% so với kế hoạch.

Đáng chú ý, trong danh sách 61 đơn vị, thì có đến 25 chủ đầu tư không giải ngân được đồng nào trong quý I/2023. Trong số này có rất nhiều cơ quan như UBND quận 4, 7, 8, Tân Phú, Quận ủy quận 1… Ngoài ra, còn có 9 bệnh viện cũng có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Bên cạnh các đơn vị giải ngân 0 đồng, còn có 5 chủ đầu tư chỉ có tỷ lệ giải ngân đạt 1%. Đáng chú ý trong số này là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM. Đây là đơn vị được giao vốn đầu tư công lớn nhất của Thành phố, với số vốn được giao năm 2023 là 19.985 tỷ đồng, nhưng hết quý I mới chỉ giải ngân được 181.939 tỷ đồng (đạt 1%). Các ban quản lý khác, như Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, vốn được giao năm 2023 là 3.667 tỷ đồng, hết quý I mới giải ngân được 3%. UBND TP. Thủ Đức vốn được giao 1.551 tỷ đồng, hết quý I mới giải ngân được 1%.

Với tình hình giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, ông Phan Văn Mãi đã phê bình các đơn vị và bản thân ông cũng nhận trách nhiệm.

“Giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM chậm, trách nhiệm thuộc về UBND TP.HCM và của tôi là Chủ tịch. Thành phố sẽ nỗ lực từng ngày để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023”, ông Phan Văn Mãi thẳng thắn.

Cần thay “mắt xích” yếu kém

Dù đã liên tục đốc thúc bằng văn bản, thậm chí là phê bình đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhưng kết quả vẫn chưa được cải thiện. Chính vì vậy, trong động thái mới nhất, Thành ủy TP.HCM đã quyết định thành lập 13 tổ công tác, phân công lãnh đạo Thành ủy trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại 38 công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong quý II, Thành phố tập trung giải quyết các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục; tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án. Mục tiêu đề ra đến hết quý II giải ngân đạt 35%, hết quý III giải ngân đạt 58%, hết quý IV đạt 91%, đến tháng 1/2024 đạt ít nhất 95%. Có thể nói, những quý còn lại của năm được coi như những trận chung kết để thực hiện các mục tiêu như lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã phát biểu tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2023.

Việc có thắng được các trận chung kết đó hay không còn phụ thuộc vào cách làm và đặc biệt phải thay thế các “mắt xích” yếu kém. Có thể thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay tại TP.HCM nằm ở yếu tố con người. Tại một số dự án giao thông trọng điểm như mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng nút giao An Phú, dù đã có vốn, có mặt bằng, nhưng tình hình thi công vẫn rất chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp.

Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công TP.HCM ban hành hồi đầu năm cũng nêu rõ “những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực trong quản lý đầu tư công, làm trì trệ tiến độ sẽ bị thay thế và có chế tài xử lý nghiêm khắc”. Thế nhưng, đến nay dù có rất nhiều đơn vị giải ngân 0%, nhưng vẫn chưa thấy Thành phố công bố thay thế hoặc xử lý những cán bộ, công chức tại các đơn vị giải ngân 0%.

Để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm, ông Lê Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pacific Group góp ý, trước tiên, Thành phố cần tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc tiến độ ở các dự án hạ tầng có vốn đầu tư lớn. Điều quan trọng nhất là lãnh đạo Thành phố nên ra công trường “mắt thấy tai nghe” để nắm tình hình và họp giải quyết vướng mắc ngay tại công trường, thay vì ngồi ở phòng họp. Khi dự án có tiến độ thì khối lượng giải ngân sẽ lớn và đạt mục tiêu đề ra.

“Trước kia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm dự án đường dây 500 kV chỉ trong 2 năm là xong. Cách làm hiệu quả nhất là kiểm tra thực tế và giải quyết vướng mắc ngay tại công trường”, ông Minh nêu quan điểm.

Do vậy, để đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công 95% trong năm nay, TP.HCM cần phải xử lý những “mắt xích” yếu nhất. Nếu không có giải pháp quyết liệt và kịp thời trong những tháng còn lại thì có thể sẽ lặp lại kết quả giải ngân như năm 2022.