Mở hướng phát triển cho vùng Tây Nguyên

Vùng đất Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới để phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: TP. Buôn Ma Thuột, thủ phủ tỉnh Đắk Lắk

Điểm tựa bền vững

Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Chính phủ ban hành ngay trước Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và xúc tiến đầu tư vùng.

Với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 23 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mang tới vận hội phát triển mới cho vùng đất Tây Nguyên.

“Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Tây Nguyên, mở ra cơ hội mới cho vùng đất phên giậu phía Tây của Tổ quốc, nóc nhà của Đông Dương”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói.

Trên thực tế, thấu hiểu Tây Nguyên chính là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển vùng đất này. Nghị quyết số 10-NQ/TW là một ví dụ điển hình.

Nhờ thực thi hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TW, Tây Nguyên đã có bước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian qua. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp 14 lần năm 2002. GRDP bình quân của toàn vùng trong giai đoạn 2002-2019 đã đạt 8,22%/năm. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên GRDP của vùng chỉ tăng 3,66%, tính chung giai đoạn 2002-2020, GRDP của vùng tăng bình quân 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế của cả nước.

Trong thời gian qua, Tây Nguyên cũng đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế – xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội, dù đạt 48,38 triệu đồng vào năm 2020 theo giá hiện hành, gấp 10,6 lần năm 2002.

“Những hạn chế, bất cập này, nếu được khắc phục, kết hợp với tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là dư địa, là cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Nghị quyết số 23-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng bám sát mục tiêu này. Theo đó, hàng loạt chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%…

Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Câu hỏi đặt ra là, làm sao để biến thách thức thành cơ hội, biến kế hoạch thành hiện thực?

Chìa khóa là liên kết vùng

Có nhiều lý do khiến dù được quan tâm, nhưng Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” của cả nước. Do điều kiện lãnh thổ đồi núi, cao nguyên, chia cắt phức tạp; xa các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ còn khó khăn; do quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ… Mặt khác, chính là các quy hoạch chất lượng còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ; các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng chưa được ban hành kịp thời. Đặc biệt, liên kết nội vùng còn thiếu và yếu.

Hơn 1 tháng trước, khi Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, điều này cũng đã được đề cập. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, để Tây Nguyên có thể phát triển, cần đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng.

“Phải phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ; lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển vùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Cũng theo Tổng Bí thư, cần đẩy nhanh kết nối vùng Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và các nước ASEAN.

Nghĩa là, muốn Tây Nguyên phát triển, phải đặt Tây Nguyên trong một mối liên kết rộng lớn hơn, không chỉ trong nội vùng, mà còn liên vùng, với cả nước và hợp tác quốc tế. Trong Chương trình hành động của Chính phủ, vấn đề liên kết vùng cũng đã được đặt ra và được coi là một trong những nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu cho sự phát triển của Tây Nguyên.

Lãnh đạo các địa phương cũng thấu hiểu điều này. Chính vì thế, khi đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho rằng, cần sớm thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo điều phối hiệu quả các hoạt động liên kết vùng.

Ông Trung cũng đã đề xuất cần sớm nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên. Tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Trần Đức Thuận cũng nhấn mạnh, để Tây Nguyên có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không nhằm tăng cường tính liên kết trong vùng, trong nước và quốc tế.

Được biết, trong kế hoạch sắp tới, hàng loạt dự án giao thông kết nối sẽ được tập trung đầu tư, xây dựng, hoàn thành trước năm 2030. Đó là các tuyến đường Quy Nhơn – Pleiku, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa – Chơn Thành, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương. Cùng với đó là mở rộng, nâng cấp sân bay Liên Khương lên cấp 4E, mở rộng và nâng cấp sân bay Pleiku lên cấp 4C, mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột…

Không chỉ là phát triển hạ tầng giao thông, liên kết xúc tiến đầu tư nội vùng, liên vùng cũng là giải pháp vô cùng quan trọng.

Mấu chốt là huy động nguồn lực

Các kế hoạch, mục tiêu, giải pháp được đặt ra cụ thể, nhưng sẽ không thể hiện thực hóa nếu thiếu nguồn lực để thực hiện. Bởi thế, dễ hiểu vì sao cùng với mục đích tổ chức Hội nghị để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn phối hợp để tổ chức xúc tiến đầu tư vùng.

“Việc này là để kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ, triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên”, Thứ trưởng Trần Duy Đông lý giải.

Vùng Tây Nguyên, do kinh tế – xã hội chưa phát triển, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên lâu nay vẫn luôn là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư, kể cả là đầu tư nước ngoài hay trong nước.

Số liệu thống kê cho thấy, tuy tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng dần được tăng lên, nhưng Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng có tổng vốn đầu tư bình quân và tỷ trọng vốn/GRDP thấp nhất cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 16,1%/năm (năm 2020 có tốc độ tăng trưởng vốn cao nhất là 25,3%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2006-2010 đạt 140.500 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư của cả nước; giai đoạn 2011-2020 đạt 694.300 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Đáng chú ý, trong cả giai đoạn 2002-2020, Tây Nguyên chỉ thu hút được 130 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn 1,03 tỷ USD, chiếm 0,4% số dự án và 0,3% tổng vốn đầu tư so với cả nước.

Nguồn lực đầu tư trong nước có hạn, thu hút đầu tư nước ngoài thiếu vắng dự án động lực và nhà đầu tư chiến lược, khiến kinh tế – xã hội Tây Nguyên khó có thể bứt phá. Tuy vậy, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra, không phải chỉ vì có “điểm tựa” là Nghị quyết 23-NQ/TW, mà còn một bản quy hoạch vùng đang được xây dựng. Một khi không gian phát triển mới của toàn vùng được phân bổ lại một cách hợp lý, thêm các cơ chế, chính sách thuận lợi và thông thoáng, cơ hội để Tây Nguyên thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội là rất lớn.

Thông tin cho biết, dự kiến tại Hội nghị sẽ có một loạt dự án đầu tư được ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, thậm chí là trao chứng nhận đầu tư. Đây đều là các dự án có ý nghĩa đối với sự phát triển của các tỉnh Tây Nguyên.

Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng

…Bộ Chính trị yêu cầu, cần phải nhận thức rõ: vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là của các địa phương trong vùng và vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ.

…Đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng. Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ; lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển vùng. Đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia và các nước ASEAN. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết và điều phối để phát triển vùng có hiệu lực. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, trong đó nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá…

(Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 14/10/2022)