Một vài ý kiến về hợp nhất các bộ

-I-

Trong quá trình thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, cải cách nền hành chính quốc gia luôn được coi là một trong những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW với mục tiêu tổng quát là “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”. Ngày 3/2/2018, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Công cuộc cải cách đồng bộ hệ thống kinh tế - xã hội theo hướng đổi mới sáng tạo, nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế số đòi hỏi phải có Tổng tham mưu trưởng kinh tế - xã hội chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Trong ảnh: Gian trưng bày tại Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019.
Công cuộc cải cách đồng bộ hệ thống kinh tế – xã hội theo hướng đổi mới sáng tạo, nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế số đòi hỏi phải có Tổng tham mưu trưởng kinh tế – xã hội chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Trong ảnh: Gian trưng bày tại Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019.

Đến nay, một số bộ, ngành, địa phương đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Chẳng hạn, Bộ Công an bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố; Bộ Nội vụ đã giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương; Bộ Tài chính giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sáp nhập các chi cục thuế cấp huyện thành các chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế cấp tỉnh.

Tỉnh Long An đã giảm 95 đầu mối tổ chức trực thuộc các sở, ngành, huyện; tỉnh Lào Cai đã hợp nhất Sở Giao thông – Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng; tỉnh Hà Giang hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức – Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Kiểm tra – Thanh tra tỉnh…

Kết quả thu được là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Tuy vậy, trên thực tế, đã nảy sinh một số vấn đề như không thống nhất về cơ cấu tổ chức, bộ máy của chính quyền tỉnh, còn có quan điểm khác nhau về việc sáp nhập các bộ, sở và cơ quan hành chính.

-II-

Ngày 19/2/2020, Viện Khoa học tổ chức nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026”. TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đề xuất giảm từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải với Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng; lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi thành Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo; chuyển nhiệm vụ đào tạo nghề từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.

Việc hợp nhất một số bộ phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ tương thích với nhau để tạo thành sức mạnh mới làm cho hiệu năng quản lý nhà nước được nâng cao với bộ máy tinh giản, có chất lượng. Nếu hợp nhất theo cơ học để giảm bớt đầu mối 2 bộ có chức năng, nhiệm vụ khác biệt, vốn đã có bộ máy khá cồng kềnh, thì không những không tạo ra năng lực mới, mà còn làm cho các khuyết tật của bộ máy cũ trở nên nghiêm trọng hơn.

Bài viết này trình bày một số ý kiến về việc hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được hình thành từ hợp nhất Ủy ban Kế hoạch nhà nước với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cuối năm 1995. Nghị định 86/2017/NĐ-CP quy định: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; thống kê; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật”. Bộ có cơ cấu tổ chức khá đa dạng: vụ, cục, tổng cục, viện nghiên cứu, tạp chí, báo với bộ máy khá lớn.

Bộ Tài chính thực hiện chức năng hoàn toàn khác, không tương thích với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tài chính – ngân sách bao gồm ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Bộ Tài chính đang quản lý nhiều lĩnh vực có liên quan với nhau, do đó, bộ máy khá đa dạng và khá lớn.

Thông tin từ Hội thảo lập luận: “Việc hợp nhất 2 sở (Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính) sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, đảm bảo việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa hai Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ”.

Cách tiếp cận về việc hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính do chức năng về kế hoạch – đầu tư và tài chính có mối quan hệ liên thông với nhau; do đó, sáp nhập hai cơ quan này sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, hạn chế tối đa sự giao thoa về nhiệm vụ giữa các cơ quan này.

Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, đang hướng đến mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng tham mưu cho Nhà nước đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tối đa lợi thế của đất nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế số, cải cách mạnh mẽ và có hiệu quả hơn để phân bố tốt hơn nguồn lực quốc gia.

Lập luận như vậy là chưa dựa trên thực tiễn hoạt động của hai cơ quan vốn có chức năng khác biệt nhau; Bộ Kế hoạch và Đầu tư được coi là Tổng tham mưu trưởng kinh tế – xã hội của đất nước, có chức năng xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch trung hạn và hàng năm, dự báo các xu hướng phát triển theo nhiều kịch bản và đề ra các giải pháp về chính sách và quản lý nhà nước; hoạch định chiến lược đầu tư trong nước và ngoài nước với môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng thuận lợi…

Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, đang hướng đến mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chức năng tham mưu cho Nhà nước đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tối đa lợi thế của đất nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế số, cải cách mạnh mẽ và có hiệu quả hơn để phân bố tốt hơn nguồn lực quốc gia.

Trong khi đó, hoạt động của Bộ Tài chính có liên quan đến thu – chi ngân sách nhà nước theo hướng bồi dưỡng để gia tăng nguồn thu, đảm bảo các khoản chi ngân sách cho các mục đích khác nhau bằng các chính sách tài chính vĩ mô có định hướng thích hợp với từng giai đoạn phát triển, xây dựng hành lang pháp lý để phát triển thị trường vốn cho đầu tư công và cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, bảo hiểm và nhiều dịch vụ tài chính khác.

Rõ ràng, không thể coi là tương thích chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, do đó, cách tiếp cận hợp nhất hai bộ này với nhau vừa không dựa trên cơ sở phân tích khoa học cấu trúc bộ máy nhà nước trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đang có những lợi thế của quá trình phát triển, đồng thời đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới đòi hỏi phải tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, luật pháp, môi trường kinh doanh và đầu tư, thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Hiện tại, tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai đề nghị không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch – Tài chính, vì nhiệm vụ 2 sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM không ủng hộ việc sáp nhập bởi các “siêu sở” sẽ quá tải, gây ách tắc trong giải quyết công việc. Các sở này đã có khối lượng công việc rất lớn. “Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà không làm nổi, nó sẽ khiến trì trệ, tác động đến sự phát triển của Thành phố”, ông Phong nói.

-III-

Việc tách, nhập các cơ quan nhà nước đã được tiến hành nhiều lần, có thành công và có thất bại, thậm chí có trường hợp “tách ra rồi lại nhập vào” vì khi thực hiện chủ trương không được bàn bạc thấu đáo, không có nhiều phương án lựa chọn, ra quyết định khi chưa có đủ căn cứ khoa học.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9/1/2020 triển khai Nghị quyết số 01 và 02 năm 2020 của Chính phủ với chủ đề: “Khơi thông điểm nghẽn – Giải phóng nguồn lực – Hành động hiệu quả”. Với tinh thần đẩy nhanh và có hiệu quả hơn công cuộc cải cách thể chế để đáp ứng khát vọng thịnh vượng của dân tộc, Thủ tướng gợi ý, sau năm 2020 cân nhắc đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Ủy ban Cải cách đổi mới hoặc Bộ Kinh tế chiến lược và Phát triển.

Từ khi thành lập Chính phủ mới năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ là nhà lãnh đạo nhiệt tình, quyết tâm thực hiện cải cách đồng bộ hệ thống kinh tế – xã hội theo hướng đổi mới sáng tạo, nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử, do đó, nước ta đã tiến lên với nhịp độ nhanh hơn và có hiệu quả kinh tế – xã hội cao hơn, bền vững hơn.

Tuy vậy, công cuộc cải cách đang tiến vào giai đoạn mới đòi hỏi phải có Tổng tham mưu trưởng kinh tế – xã hội chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo với đội ngũ công chức có chất lượng cao được trang bị công cụ hiện đại, đáp ứng đòi hỏi của Đảng và Nhà nước khi bước vào Chiến lược Phát triển 2021- 2030 và Tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể và cần phải đảm nhiệm chức năng đó.