Muốn nhận tiền bán điện, nhà đầu tư phải cam kết

Chỉ có 41 nhà máy điện có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước thời điểm ngày 1/1/2021

Lo căn cứ trả tiền mua điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xem xét việc trả tiền phát điện cho chủ đầu tư của nhiều nhà máy điện mặt trời và điện gió, với hiện trạng nhà máy đã được công nhận COD và ký hợp đồng mua bán điện (PPA) theo Thông tư số 32/TT-BCT ngày 12/11/2012, nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

Cụ thể, trong các nhà máy điện mặt trời đã được công nhận COD trước ngày 1/1/2021 (thời điểm hết hiệu lực áp dụng giá ưu đãi (FIT) theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), chỉ có 41 nhà máy điện có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước thời điểm này.

Hơn 100 dự án điện mặt trời khác hoặc có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày 1/1/2021 hoặc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Tất cả các dự án này vẫn đang phát điện lên lưới theo lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0).

Tình trạng có vẻ sáng sủa hơn ở các dự án điện gió đã được công nhận COD trước ngày 1/11/2021 – là thời điểm hết hiệu lực áp dụng giá FIT theo Quyết định số 37/2021/QĐ-TTg. Cụ thể, ngoài 2 dự án chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, nhưng không bị điều chỉnh theo quy định phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu là Nhà máy Phong Điện 1 Bình Thuận và Nhà máy Bạc Liêu, thì có 84 dự án điện gió đã COD, nhưng có 16 dự án hoặc một phần dự án chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước ngày 31/10/2021.

Hiện trạng hồ sơ như trên của các dự án điện mặt trời và điện gió đang được huy động phát điện khiến EVN phải cân nhắc vấn đề thanh toán tiền mua điện để không tự đẩy mình vào “thế khó” trước cơ quan chức năng vì trả tiền không đúng đối tượng được hưởng mức giá quy định – được cho là rất hấp dẫn – khi EVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Nhà đầu tư thấp thỏm

Còn nhớ, khoảng tháng 7/2021, khi các dự án điện gió đua nhau về đích để hưởng giá bán điện cố định áp dụng trong 20 năm theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, rất nhiều chủ đầu tư đã than vãn việc quy trình nghiệm thu và công nhận COD mà EVN đưa ra cho các dự án điện gió không khác gì đánh đố nhà đầu tư.

Theo lập luận của các nhà đầu tư, ngày 21/7/2021, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) có văn bản gửi các chủ đầu tư điện gió yêu cầu bổ sung văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng trong hồ sơ công nhận COD nhà máy điện gió là làm khó doanh nghiệp.

Cụ thể, EVNEPTC đề nghị bổ sung hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại “Văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng” và đây là một trong các điều kiện để công nhận COD một phần/toàn bộ nhà máy điện gió. Điều này, theo EVN, là để đảm bảo chặt chẽ trong công tác đầu tư xây dựng và đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian tới.

“Theo Điều 8, Thông tư 02/2019/TT-BCT, công trình hoặc hạng mục công trình điện gió được đưa vào sử dụng sau khi đã được nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định hiện hành. Cơ quan chủ trì tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công thương theo thẩm quyền. Vì vậy, EVN chỉ tuân theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải tự ý đặt ra quy trình này”, một lãnh đạo của EVN khi đó cho hay.

Đồng thời, EVN yêu cầu, A0 chỉ đưa dự án nhà máy điện gió vào vận hành sau khi đã được công nhận COD và có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về hiện trạng các dự án năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành ở tình trạng trên vào thời điểm cuối tháng 4/2022, một chuyên gia nhiều năm làm về công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành điện cho hay, về lý mà nói, khi tiến hành mua bán điện và thanh toán tiền cho nhau, thì phải hoàn tất các thủ tục liên quan về xây dựng. Đây là thực tế đã được thực hiện tại các công trình điện bấy lâu nay. 

“Việc có dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vận hành công trình khi chưa có văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình của phía cơ quan chức năng chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận trong thời gian tới, bởi liên quan trực tiếp tới hiệu quả của doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo chưa đủ hồ sơ”, chuyên gia này đánh giá.

 

Điều kiện để các nhà máy năng lượng tái tạo được tạm thanh toán toàn bộ sản lượng điện đã được huy động

– Có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình/hạng mục công trình đưa vào sử dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

– Sản lượng phát của nhà máy được huy động và tuân thủ các điều kiện của PPA đã ký.

– Chủ đầu tư có văn bản cam kết: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền có ý kiến về bên bán điện chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, không công nhận ngày vận hành thương mại đối với sản lượng điện mà bên bán đã bán cho bên mua, bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoàn trả cho EVN toàn bộ tiền điện mà EVNEPTC đã thanh toán cho bên bán điện tính từ ngày vận hành thương mại, bao gồm cả tiền lãi (nếu có). Bên bán điện cam kết tuân thủ, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nếu xảy ra trường hợp nêu trên.

Nguồn: Kiến nghị của Công ty Mua bán điện (EVNEPTC)