Năm 2023, TP. HCM chỉ có 46 ha đất “sạch”, nhưng lại nằm rải rác để thu hút đầu tư

Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.

Khu công nghiệp Hiệp Phước
Khu công nghiệp Hiệp Phước còn hàng trăm ha đất đang vướng mắc về giá thuê với Nhà nước

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tình hình thiếu quỹ đất hiện nay của Thành phố rất khó để thu hút đầu tư. Ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho biết, trong báo cáo cho thấy, năm 2023 TP.HCM chỉ có 46 ha đất cho thuê và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, Khu công nghiệp Hiệp Phước đang có 80 ha đất đang cần tháo gỡ các vướng mắc. Nếu TP. HCM đẩy nhanh việc gỡ vướng thì trong 2 năm tới ,Thành phố sẽ có 320 ha đất để thu hút đầu tư.

“Thành phố muốn thu hút đầu tư trong năm 2023 thì vấn đề lớn nhất phải tháo gỡ là giá đất. Nếu không gỡ vướng được quy định giá đất, chúng tôi không có cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư và nhà đầu tư cũng không dám vào” ông Phương bày tỏ lo ngại.

Cũng nêu ý kiến về tình trạng thiếu quỹ đất, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM, cho rằng điểm “nghẽn” lớn nhất hiện nay trong thu hút đầu tư tại TP. HCM là thiếu quỹ đất.

Ông dẫn chứng, TP.HCM có 46 ha đất cho thuê năm 2023, nhưng quỹ đất này nằm rải rác, manh mún ở nhiều quận, huyện chứ không phải một khu đất tập trung rộng 46 ha. Trong khi TP.HCM vẫn còn đất ở các khu công nghiệp chưa được tháo gỡ vướng mắc, đơn cử như Khu công nghiệp Hiệp Phước còn 320 ha; Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi còn hơn 100 ha. 

Theo ông Đức, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước qua Việt Nam đang diễn ra. Ông ví những nhà đầu tư này như những đại bàng, nhưng TP.HCM hiện tại chỉ có tổ của chim sẻ và không đủ cho đại bàng ở lại. Vì vậy, Thành phố không thể nào kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào đầu tư.

“Nếu chúng ta không xử lý được điểm nghẽn về đất thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể thu hút đầu tư” ông Đức nhấn mạnh.

Trước lo ngại của các nhà đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza thừa nhận, hiện nay, quỹ đất thu hút đầu tư tại TP. HCM rất hạn chế, thiếu quỹ đất lớn phục vụ cho nhà đầu tư có nhu cầu xây nhà máy lớn. Trong khi các khu công nghiệp hiện hữu đã dần lấp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất đối với nhà nước.

Ông Hưng giải thích, hiện tại nhiều khu công nghiệp chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước cho diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đang bồi thường, giải phóng mặt bằng nên quỹ đất còn lại vẫn chưa đưa vào sử dụng.