Năm 2050, trở thành đô thị thông minh, hiện đại, trung tâm công nghệ cao: Kỳ vọng lớn của Hà Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy cùng trụ trì chùa Tam Chúc hòa thượng Thích Thanh Nhiễu thực hiện nghi lễ rước nước tại lễ Khai hội Xuân Tam Chúc 2023
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy cùng trụ trì chùa Tam Chúc hòa thượng Thích Thanh Nhiễu thực hiện nghi lễ rước nước tại lễ Khai hội Xuân Tam Chúc 2023

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025, Hà Nam trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, phát triển khá của Vùng đồng bằng Bắc bộ; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035.

Theo đó, Hà Nam phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế – xã hội lớn; là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong vùng và cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt 10,4%/năm; khoảng 12%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Công nghiệp – xây dựng 65,2%, dịch vụ 28,5%, khu vực nông nghiệp 6,3%; đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của Hà Nam tương ứng là: 70,5% – 26% – 3,5%.

GRDP bình quân đầu người đạt trên 117 triệu đồng vào năm 2025 và đạt trên 230 triệu đồng vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 – 2025 đạt 269.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030 đạt 574.000 tỷ đồng. Năm 2025, thu ngân sách đạt trên 16.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 58%. Giai đoạn 2021 – 2025, nằm trong nhóm 20 tỉnh,  giai đoạn 2026 – 2030, trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu về Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đến năm 2025, có 1 huyện và 35 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đến 2030, cơ bản không còn hộ nghèo.

Dấu ấn kinh tế Hà Nam năm 2022

Tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 46.065,7 tỷ đồng, tăng 10,82% so với năm 2021, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 Vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 12 toàn quốc.
Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – xây dựng 67,3%; Dịch vụ 24,7%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,0%.
GRDP bình quân đầu người đạt 87,0 triệu đồng, tăng 14,2%, bằng 101,1% kế hoạch.

Thu cân đối ngân sách Nhà nước số tiền đạt 112,8% dự toán Trung ương giao, 111,6% dự toán địa phương. Năm đầu tiên tự chủ ngân sách có điều tiết về Trung ương.

Quy hoạch đã xác định rõ, tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đưa Hà Nam trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển công nghiệp theo kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, kết nối tạo ra “Hệ sinh thái công nghiệp”.

Giai đoạn 2021 – 2030, Hà Nam thành lập mới 10 khu công nghiệp với diện tích trên 2.111 ha và  thành lập mới 15 cụm công nghiệp với diện tích 874,74 ha.

Hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tại huyện Lý Nhân với diện tích 663,19 ha; trọng tâm ưu tiên phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử – bán dẫn, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới…

Phát triển dịch vụ du lịch, trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước với những sản phẩm đa dạng  giá trị cao về tự nhiên – sinh thái, văn hóa – giải trí – nhân sinh – sáng tạo với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, các trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cuối tuần, hấp dẫn đối với khách trong nước và quốc tế.

Hình thành sản phẩm du lịch golf và phát triển hệ thống có 4 – 5 sân golf đạt chuẩn. Tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng và cả nước. Khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh và của liên kết vùng như Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng… Du lịch trở ngành kinh tế mũi nhọn, động lực quan trọng gắn kết, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Phát triển kinh tế đô thị theo hướng mở rộng không gian, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung, tạo động lực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững, văn minh hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phủ Lý là đô thị trung tâm, thị xã Duy Tiên là vùng đô thị – công nghiệp lớn, Kim Bảng là vùng đô thị – sinh thái – công nghiệp…

Quy hoạch xác định rõ phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp; tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ các khu công nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông thôn, thành lập mới các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; nhãn hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng có nhiều trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh đầu tư và xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn liền với quá trình đô thị hóa, nông thôn mới văn minh và hiện đại. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và ứng dụng công nghệ cao hướng tới mục tiêu là một trong những trung tâm đi đầu về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao của vùng và cả nước.

Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ba đột phá – 7 nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện thành công các mục tiêu và phát triển các ngành quan trọng trong quy hoạch, Hà Nam đã đề ra 3 đột phá phát triển: Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại và hạ tầng số. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển và phát huy giá trị văn hoá để phát triển tỉnh Hà Nam.

Quy hoạch cũng đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm là:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sự sáng tạo trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách kết hợp với cải cách thủ tục hành chính để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tăng năng suất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao.

Đẩy mạnh phát triển các đô thị và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng đồng bộ, bền vững.

Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.

Chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2050

TP. Hà Nam sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố phát triển hiện đại, là trung tâm công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Về kinh tế, Hà Nam phát triển thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao.

Về xã hội, Hà Nam có môi trường văn minh, hiện đại, sáng tạo dân chủ và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi, sáng tạo và đóng góp hiệu quả cho phát triển. Con người Hà Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và tuân thủ pháp luật.

Về môi trường sinh thái, Hà Nam là “Thành phố trong vườn”, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các không gian đô thị – nông thôn, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển bền vững, xanh.