Nam Định: Tiếp tục là lá cờ đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc làm việc với lãnh đạo huyện Xuân Trường về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc làm việc với lãnh đạo huyện Xuân Trường về phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Kỳ công xây dựng nông thôn mới

Con đường trở thành “Tỉnh nông thôn mới” của tỉnh Nam Định cũng như bao địa phương khác, không hề dễ dàng, biết bao khó khăn, lúng túng, nhất là những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Do là tỉnh ven biển, Nam Định thường xuyên hứng chịu thiên tai, mưa, bão. Cuộc sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí tổn thất nặng nề. Thu ngân sách của tỉnh thấp nên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế.


Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Nam Định đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đặc biệt, ngày 18/6/2021 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Trần Anh Dũng – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định

Lợi thế lớn nhất của Nam Định khi đó, có lẽ là nguồn lực từ nhân dân. Ngay từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định đã bám sát quan điểm người dân làm trọng tâm – vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng.

Nam Định triển khai toàn diện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, Nam Định đạt tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới”.

Năm 2009, khi huyện Hải Hậu được lựa chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trung bình các xã mới đạt 7/19 tiêu chí và thu nhập bình quân đầu người được hơn 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao… Để tạo đột phá, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu đã huy động tất cả nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của người dân và con em xa quê. Chính từ sự đồng thuận, đóng góp của người dân, nên sau 6 năm, huyện Hải Hậu đã được công nhận huyện nông thôn mới, ghi mốc son huyện nông thôn mới đầu tiên cả nước; tỉnh Nam Định được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Và chỉ 4 năm sau, năm 2019, Nam Định đã bước lên bục vinh quang được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Độc lập hạng Ba với thành tích là tỉnh đầu tiên trở thành “Tỉnh nông thôn mới”, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 1,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một Hải Hậu, một Nam Định lung linh bên bờ biển Đông với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch bài bản; phát triển theo hướng hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện trở thành những miền quê ấm no, giàu có và hạnh phúc.

Hành trình không có điểm dừng

Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo đó của Đảng, Nhà nước, ngay sau khi trở thành tỉnh nông thôn mới, Nam Định đã tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đạt kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, vượt 4 năm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, huyện Hải Hậu 34 xã, Nghĩa Hưng 17 xã, Nam Trực 11 xã, Trực Ninh 10 xã, Vụ Bản 10 xã, Ý Yên 9 xã, Xuân Trường 7 xã, Giao Thủy 6 xã và Mỹ Lộc 2 xã. Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 255 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, vượt 4 năm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, huyện Hải Hậu 34 xã, Nghĩa Hưng 17 xã, Nam Trực 11 xã, Trực Ninh 10 xã, Vụ Bản 10 xã, Ý Yên 9 xã, Xuân Trường 7 xã, Giao Thủy 6 xã và Mỹ Lộc 2 xã.

Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 255 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

Song, nhìn sâu vào những thành tựu lớn lao này, Nam Định đã nhận rõ phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu chưa đồng đều, tiến độ thực hiện ở một số xã còn chậm, huy động nguồn lực còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường cung cấp nước sạch tập trung chưa thực sự bền vững…

Từ thực tế đó, đồng thời thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngày 18/6/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới  nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, một rường cột, kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Mục tiêu then chốt của Nghị quyết là xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa. Đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững; xã hội dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, thực sự là miền quê thanh bình.

Bảy giải pháp trọng tâm

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đề ra 7 giải pháp trọng tâm. Trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới  nâng cao, kiểu mẫu.

Đó là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và liên vùng. Chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu “đô thị mới” ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng… khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới  nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, cơ cấu lại ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp.

Triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn khai thác tiềm năng và thành tựu của nông thôn mới. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Quan tâm bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn. Phát triển toàn diện văn hóa – xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương, bình yên, hạnh phúc.

Bến bờ hạnh phúc

Không xa nữa, khi Nam Định hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chắc chắn bức tranh nông thôn Nam Định sẽ càng rực rỡ, rộn ràng màu sắc, thanh âm của cuộc sống thịnh vượng, trù phú. Những tuyến đường rộng rãi, trải dài như những tấm thảm lụa nối làng trên xóm dưới. Những hàng cây xanh tươi tốt, những vườn hoa bốn mùa khoe sắc, đưa hương. Những nhà máy sáng chiều nhộn nhịp vào ca. Những thôn, làng như phố, đẹp như tranh, xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Nơi người dân thực sự làm chủ cuộc sống ấm no, giàu có, bình yên, hạnh phúc. Đó cũng chính là bến đến của nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cũng là bến bờ hạnh phúc của biết bao miền quê trên dải đất hình chữ S yêu dấu của Tổ quốc. n

(*) Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định