Ngành công nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực

Những kết quả tích cực

Kết quả tích cực của ngành công nghiệp được nhận diện dưới một số góc độ.

Một là, dù xảy ra đại dịch, song công nghiệp vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020, 2021, tiếp tục tăng trong năm 2022 (10 tháng tăng 9%).

Hai là, giá trị tăng thêm của công nghiệp tiếp tục tăng.

Ba là, trong 9 tháng, tốc độ tăng của Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) thấp hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm (toàn ngành tăng 9,6% so với 9,63%, công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 10,4% so với 10,69%, sản xuất điện tăng 7,5% so với 7,71%, cung cấp nước tăng 5,6% so với 7,03%), chứng tỏ tỷ lệ chi phí trung gian tăng thấp hơn, hiệu quả khá hơn.

Bốn là, công nghiệp chế biến – chế tạo có IIP và giá trị tăng thêm tăng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp và trong toàn nền kinh tế.

Năm là, tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP có xu hướng cao lên (năm 2015 đạt 28,82%, năm 2019 đạt 30,95%, năm 2020 đạt 30,75%, năm 2021 đạt 31,51%, 9 tháng đạt 32,81%).

Sáu là, công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành và tăng lên (năm 2015 chiếm 20,96%, năm 2019 chiếm 23,79%, năm 2020 chiếm 23,95%, năm 2021 chiếm 24,62%, 9 tháng 2022 chiếm 24,99%).

Bảy là, những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ tiêu dùng, sử dụng nhiều lao động, có kỹ thuật – công nghệ cao đều tăng khá, như vải, quần áo, xi măng, sắt thép, điện thoại, máy điều hòa, thủy hải sản chế biến…

Tám là, tỷ trọng lao động làm việc trong ngành công nghiệp tăng (năm 2015 là 16,8%, năm 2021 đạt 23,8%). Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa thuộc ngành công nghiệp chế tạo tăng và 10 tháng năm 2021 đạt 89,1%.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, công nghiệp hiện còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Về tư duy và theo thông lệ quốc tế, không phải cứ có tỷ trọng công nghiệp cao thì được coi là nước công nghiệp.

Khu vực công nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất và khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu; khu vực này gần đây tăng trưởng cao hơn, nhưng tỷ trọng tăng chậm; nhập siêu còn lớn. Tính lan tỏa về công nghệ kỹ thuật, quản lý từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực trong nước còn ít, thậm chí về tiêu thụ sản phẩm còn bị cạnh tranh thị phần…

Công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém. Tỷ trọng của công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, da giày là 40-45%; sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi là 10-20%; điện tử, tin học, viễn thông đạt khoảng 15%. Cả nước có trên 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng mới có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia. Sự yếu kém đó không chỉ hạn chế giải quyết việc làm, tăng thu nhập, khai thác nguồn nội lực, mà còn làm tăng nhập khẩu…

Công nghiệp, kể cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn mang nặng tính gia công, lắp ráp. Tình trạng này không chỉ làm thực thu thấp, mà còn làm cho nhập khẩu lớn.

So sánh kim ngạch xuất/nhập khẩu một số mặt hàng trong 10 tháng 2022 có thể thấy hạn chế trên (dệt may, giày dép là 57,87/13,68 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 46,60/70,47 tỷ USD; điện thoại và linh kiện là 50,14/17,74 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện là 5,29/1,94 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 38,31/38,16 tỷ USD; phương tiện vận tải 9,76/7,8 tỷ USD…). Có một số mặt hàng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, có phần do giá nhập khẩu cao hơn giá xuất khẩu, có phần do nhập khẩu còn để đáp ứng tiêu dùng ở trong nước.

Một vấn đề quan trọng là trình độ kỹ thuật – công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp chế biến – chế tạo còn thấp. Trong ngành này, công nghệ cao chỉ chiếm 12,9% về số doanh nghiệp, 21,78% về số lao động, 34,23% về nguồn vốn, 28,59% về giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 42,8% về doanh thu thuần, 55,74% về lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, công nghệ thấp chiếm 54,79% về số doanh nghiệp, 63,36% về số lao động, 35,17% về nguồn vốn, 34,77% về giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 35,28% về doanh thu thuần, 36,29% về lợi nhuận trước thuế…