Nhà đầu tư Thái đổ vốn vào Việt Nam và thêm 1,386 tỷ USD vào Hóa dầu Long Sơn

Dự án Sân bay Long Thành: Đồng Nai làm gấp thủ tục, chi trả tiền bồi thường

Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại xã Bình Sơn, các ngành chức năng huyện Long Thành đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ nhằm sớm chi trả tiền bồi thường cho người dân.

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện công tác xác nhận hồ sơ, áp giá để chi trả tiền bồi thường cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành. Ảnh khu vực ấp Suối Trầu 2, xã Bình Sơn sẽ được thu hồi. Ảnh: Phạm Tùng

Để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thực hiện thu hồi hơn 5 ngàn ha đất, trong đó có khoảng 2,4 ngàn ha đất do các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng.

Theo kế hoạch tháng 10/2020, tỉnh Đồng Nai sẽ bàn giao mặt bằng khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng (khoảng 1,8 ngàn ha) cho chủ đầu tư để phục vụ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào năm 2021. Với quỹ thời gian đó, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đối với phần diện tích hơn 630ha đất do các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng trong khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng.

Ngày 17/4 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chính thức phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành.

Theo đó, để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1, Nhà nước sẽ thu hồi, bồi thường gần 1,7 ngàn ha đất tại xã Bình Sơn. Giá bồi thường cao nhất là hơn 5,1 triệu đồng/m2 cho những khu đất tiếp giáp mặt tiền trục đường chính. Giá thấp nhất là 161 ngàn đồng/m2 đối với những diện tích đất nuôi thủy sản. Riêng đất ở nông thôn được bồi thường từ 1,5 đến gần 4,6 triệu đồng/m2.

Trên cơ sở giá đất được phê duyệt, hiện nay, các cơ quan chức năng huyện Long Thành đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, áp giá đền bù để thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người dân.

Để áp giá đền bù, UBND xã Bình Sơn phải thực hiện kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, xử lý hồ sơ kỹ thuật của các thửa đất cho phù hợp với thực tế.

Theo UBND xã Bình Sơn, trong hơn 630ha đất do các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng trong khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng có tổng 1.028 hồ sơ thửa đất. Đến nay, 100% hồ sơ đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng đang thực hiện áp giá đền bù cho hơn 700 hồ sơ đã hoàn chỉnh các thủ tục.

Đối với số hồ sơ còn lại, do có sự tăng giảm về diện tích giữa hồ sơ kỹ thuật và thực tế khu đất, các khu đất buôn bán giấy tay, đất do cha mẹ cho con nên phải tiến hành xác minh, quy chủ để hoàn thiện các thủ tục. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 4 này, công tác xác nhận hồ sơ để áp giá đền bù đối với diện tích đất trong khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, địa phương cố gắng hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm đối với toàn bộ diện tích đất cần thu hồi. Riêng đối với khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, hiện nay công tác đo đạc, kiểm đếm đã hoàn thành. Do đó, sau khi thực hiện xác nhận hồ sơ, áp giá đền bù, huyện Long Thành sẽ tổ chức công bố, niêm yết công khai số tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người dân vào giữa tháng 5/2020.

Chính phủ đề ra 8 nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 (Nghị quyết 50-NQ/TW khóa XII) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là “Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII; đánh giá chung xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ; tác động của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn; tác động suy thoái toàn cầu của đại dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Chương trình hành động để khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới.

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 50-NQ/TW khóa XII đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ:

1- Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động.

2- Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

3- Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài.

4- Hoàn thiện chể chế, chính sách thu hút đầu tư.

5- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm và hợp tác của nhà đầu tư.

6- Hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư.

7- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

8- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.

Các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, tổng hợp số liệu phân tích đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo chuyên ngành; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành do bộ, ngành mình quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài và kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách.

Người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Định kỳ hàng năm (trước ngày 31 tháng 3) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai các nội dung nêu tại Nghị quyết này.

Thủ tướng đốc thúc giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số vấn đề kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai.

Phối cảnh sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành

Thông báo nêu rõ, tỉnh Đồng Nai nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam; là tỉnh có dân số đông, quy mô kinh tế lớn, phát triển đa dạng và phong phú. Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và là một trong hai tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới; một trong những tỉnh có sản lượng nuôi heo lớn nhất trên cả nước. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Đồng Nai đã có rất nhiều cố gắng, đạt mức tăng trưởng khá cả về GDP và thu ngân sách; đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với giá heo hơi bán ra; tuy số lượng công nhân đông, đến nay tỉnh Đồng Nai mới ghi nhận 01 trường hợp dương tính viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần chủ động để tạo sức bật mới về phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xứng đáng là khu vực kinh tế năng động, trọng điểm của cả nước; tiếp tục tăng cường quản lý giá thịt heo ngay từ khâu thu mua, giết mổ đến bán lẻ tới người tiêu dùng; chủ động trong chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống, điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona gây ra, sẵn sàng về cơ sở vật chất, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị, thuốc men đáp ứng kịp thời với từng cấp độ dịch COVID-19 khi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác rà soát, cách ly theo hướng dẫn.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, bù đắp một phần cho sụt giảm ở các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Vì vậy, yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tập trung thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng về cơ bản còn chậm so với yêu cầu như đánh giá của lãnh đạo các Bộ. Yêu cầu tỉnh cần cố gắng hơn nữa, hoàn thành giải ngân số vốn đã được bố trí (17.057 tỷ đồng) trong năm 2020 như cam kết.

Để Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể khởi công vào Quý I năm 2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành công tác xác định giá đất, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã hoàn tất công tác kiểm đếm, thẩm tra nguồn gốc đất; tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các khu tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xã hội… với tinh thần quyết liệt, kịp thời hơn.

Bên cạnh đó, cần tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để hoàn thành cơ bản mặt bằng trong năm 2020 để kịp phục vụ khởi công Dự án Cảng hàng không Long Thành; chủ động đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp, kịp thời hỗ trợ Tỉnh để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng dự án. Cụ thể, Bộ Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ định mức xây dựng, định mức chi phí… theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các địa phương xây dựng bộ đơn giá mới để làm cơ sở lập dự toán các công trình; việc lập định mức kinh tế – kỹ thuật theo Nghị định số 32/2015/NĐ-CP đối với các dự án đã đấu thầu, chuẩn bị đấu thầu… Các nội dung này cần hoàn thành trong tháng 5/2020.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong việc xử lý chênh lệch giữa các khung chính sách và các vấn đề vướng mắc khác.

Bộ Giao thông vận tải kịp thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hội đồng thẩm định nhà nước) hoàn thiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi; chỉ đạo triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm tiến độ. Trước mắt, kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông kết nối để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.

Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chính thức tăng vốn thêm 1,386 tỷ USD

Sau nhiều chờ đợi, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã được phép tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD. Như vậy, dự án này hiện có vốn đầu tư gần 5,1 tỷ USD.

Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đó là Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã chính thức được nâng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

Như vậy, sau nhiều chờ đợi và đề xuất, thì tổ hợp hóa dầu này đã được các cơ quan chức năng Việt Nam cho phép để mở rộng đầu tư, nâng vốn từ 3,7 tỷ USD hiện tại lên gần 5,1 tỷ USD, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thông qua điều chỉnh công nghệ, công suất.

Đây có thể là một cái kết khá tốt đẹp đối với dự án đã có hơn 10 năm lận đận này. Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, hay còn gọi là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, được quyết định đầu tư vào năm 2008, nhưng sau đó đã liên tục được điều chỉnh, đổi chủ đầu tư.

Rất nhiều cái tên đã từng đứng trong danh sách chủ đầu tư của Dự án này, từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, rồi Dầu khí Qatar, Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG), Thai Plastic And Chemicals Public Company Limited (TPC) của Thái Lan…

Cuối cùng, đến tháng 6/2018, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan, sau khi Tập đoàn SCG ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong Dự án, tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%.

Sau nhiều năm lận đận, Dự án đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay đang chậm tiến độ và đã nhiều lần được các cơ quan chức năng hối thúc để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Năm ngoái, cùng với việc đề xuất được tăng vốn đầu tư, Tập đoàn SCG cũng đã cam kết đưa Dự án vận hành vào cuối năm 2022.

Ban đầu đề xuất tăng vốn không được các cơ quan chức năng chấp thuận, do lo ngại về khả năng góp vốn cho Dự án. Tuy nhiên, cuối cùng, sau khi cân nhắc, quyết định đã được thông qua.

Để Dự án được tăng vốn đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải rà soát, làm rõ vốn đầu tư của dự án, đặc biệt là phần vốn góp của nhà đầu tư.

Nhờ sự góp mặt của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thêm trong 4 tháng đã tăng 45,6% so với cùng kỳ, đạt trên 3,07 tỷ USD. Trong khi trước đó, trong 3 tháng đầu năm, vốn điều chỉnh liên tục sụt giảm.

Cũng nhờ dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Có sự sụt giảm này chủ yếu là do sự sụt giảm khá mạnh của vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Còn thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI, bao gồm cả đăng ký mới và tăng thêm đều tăng so với cùng kỳ.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn FDI cấp mới trong 4 tháng qua đạt  6,78 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Vốn FDI đăng ký mới tăng là do trong 4 tháng đầu năm có Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Kinh doanh sân golf thoát “vòng kim cô” quy hoạch

Kinh doanh sân golf đã chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, chứ không còn bị bó buộc bởi quy hoạch như trước. Đây là một “cuộc cách mạng” trong việc quản lý không chỉ một ngành kinh doanh cụ thể, mà còn đánh dấu việc Việt Nam thực sự bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm rất phi thị trường.

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf.

Như vậy, bắt đầu từ ngày 15/6/2020, kinh doanh sân golf chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, chứ không phải được “quản” bởi “vòng kim cô” quy hoạch như trước đây nữa.

Trước đây, kinh doanh sân golf được quản lý bằng quy hoạch, thông qua các quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 hay Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014… Tuy nhiên, qua thời gian, cơ quan quản lý nhận thất, việc “quản” sân golf bằng quy hoạch có những điểm rất bất cập.

Dễ thấy nhất, là trong số hàng chục sân golf nằm trong quy hoạch, chỉ có phân nửa được xây dựng và đi vào hoạt động. Phần còn lại, khá nhiều sân golf dù đã trong quy hoạch, nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư, nên không được nhà đầu tư thực hiện… Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư có đủ tiềm năng tài chính nhưng vì chậm chân nên không được đầu tư, chỉ vì dự án không nằm trong quy hoạch.

Hơn thế, việc quản lý đầu tư, kinh doanh sân golf bằng quy hoạch được cho là phi thị trường, không phản ánh đúng quy luật cung – cầu, và thực tế, cũng luôn có những ý kiến trái chiều về việc Việt Nam có nhiều hay ít sân golf.

Chính vì những bất cập này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất chuyển kinh doanh sân golf sang ngành kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, sau khi Luật Quy hoạch được chính thức thông qua và có hiệu lực, với một trong những điểm mang tính “cách mạng” là bãi bỏ toàn bộ quy hoạch ngành, sản phẩm, thì việc xây dựng các điều kiện kinh doanh sân golf là vô cùng cấp thiết.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế – xã hội.

Và nay thì Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định mới về “quản” kinh doanh sân golf. Nghị định này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ làm nên một “cuộc cách mạng” trong việc quản lý một ngành kinh doanh cụ thể, mà còn đánh dấu việc Việt Nam thực sự bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm rất phi thị trường.

Đây được coi là “thành lũy” cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung xưa cũ. Và thành lũy này nay đã được gỡ bỏ, để tuân thủ theo cơ chế thị trường.

Kinh doanh sân golf là một trong những lĩnh vực đầu tiên được chuyển đổi từ quản lý theo quy hoạch sang quản lý bằng kinh doanh có điều kiện, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.

Không sử dụng đất lúa, không được lợi dụng để hoạt động cá cược…

Dù bãi bỏ quy hoạch, nhưng việc kinh doanh sân golf sẽ được quản bằng các điều kiện chặt chẽ.

Theo quy định tại Nghị định 52/2020/NĐ-CP, thì sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện như phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan…

Cũng theo Nghị định, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf sẽ bao gồm đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng…

Diện tích sân golf cũng phải phụ thuộc vào quy mô dự án. Chẳng hạn, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 5 ha trên một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ golf)…

Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác) kể từ ngày được quyết định cho thuê đất…

Ngoài ra, Nghị định quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện. Đó là, đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Nhà đầu tư cũng phải có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương.

Đồng thời, nhà đầu tư phải rự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khi xây dựng sân golf.

Nhà đầu tư sẽ bị cấm đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf khi việc này chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; hoặc lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép…

UBND tỉnh An Giang xin tiếp nhận Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc

Vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự kiến chuyển giao về tỉnh An Giang sẽ giúp Dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT khơi thông thế bế tắc.

UBND tỉnh An Giang vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển giao Dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT về tỉnh An Giang để quản lý và thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phối cảnh cầu Châu Đốc - An Giang.
Phối cảnh cầu Châu Đốc – An Giang.

Lý do được địa phương này đưa ra là bởi đây việc đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội và du lịch của địa phương (Hàng năm, các khu du lịch tại khu vực thành phố Châu Đốc và huyện Tịnh Biên đón hơn 5 triệu lượt khách đến tham quan).

Theo ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, năm 2015, Bộ GTVT đã làm lễ khởi động xây dựng cầu Châu Đốc nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được đã làm cho nhân dân tỉnh An Giang nói chung, nhân dân thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân nói riêng hết sức bức xúc cũng như gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Cử tri của tỉnh thường xuyên kiến nghị đoàn Đại biểu Quốc hội có ý kiến với Trung ương để sớm thực hiện công trình này.

Trước đó, sau khi ra quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư, vào đầu tháng 4/2020, Bộ GTVT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số giải pháp nhằm cứu Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc – An Giang không tiếp tục rơi vào thế bế tắc.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng Dự án từ Bộ GTVT về  UBND tỉnh An Giang. UBND tỉnh An Giang có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh Dự án, trong đó bao gồm điều chỉnh phương án tài chính theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng; đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo theo quy định.

“Bộ GTVT sẽ hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực giao thông và có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh An Giang trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan để triển khai Dự án theo quy định”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đề xuất.

Trong trường hợp phương án nêu trên không được chấp thuận, Bộ GTVT kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép dừng triển khai Dự án. Việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn vốn hợp pháp khác, sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp theo quy định pháp luật.

Trước đó, vào ngày 20/3, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-BGTVT việc hủy kết quả chỉ định nhà đầu tư dự án và đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.

Được biết, Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Châu Đốc được khởi động từ cách đây 5 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình nhằm thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1 kết nối Tp. Châu Đốc và thị xã Tân Châu.

Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và trải qua công tác đấu thầu, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 – Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt – Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng 620 được Bộ GTVT chọn là nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành công trình có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng này vào năm 2018. Đây cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự tuyển tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, do sự điều chỉnh các quy định pháp luật mới về hình thức đối tác công tư (PPP), chi phí lãi vay của Dự án tăng, mức phí sử dụng đường bộ tối đa bị giới hạn, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo dẫn đến dự án mất khả năng thu hồi vốn, không đủ cơ sở để ngân hàng thương mại cho vay đầu tư. Trong quá trình đàm phán, Nhà đầu tư trúng thầu đề nghị nếu được Nhà nước hỗ trợ khoảng 190 tỷ đồng thì Dự án khả thi về tài chính. Việc đề xuất của Nhà đầu tư trúng thầu là không khả thi vào giai đoạn này do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, hiện nay kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 đã được phân bổ và Dự án không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của Chính phủ.

Qua nhiều lần đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT với Nhà đầu tư trúng thầu các bên đã không thống nhất được phương án đầu tư. Nhà đầu tư trúng thầu đã đề xuất dừng công tác đàm phán hợp đồng, trên cơ sở đề xuất của Nhà đầu tư trúng thầu.

Theo Bộ GTVT, trong trường hợp UBND tỉnh An Giang, việc triển khai Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc sẽ có khá nhiều thuận lợi.

Cụ thể, ngoài việc chủ động điều hành, đẩy nhanh công tác GPMB, tái định cư; phát huy được nguồn lực tự có của các địa phương như khai thác quỹ đất và các ưu đãi hỗ trợ khác; xem xét, quyết định việc phương án thu phí, UBND tỉnh An Giang sẽ toàn quyền dự kiến sử dụng nguồn lực địa phương để hỗ trợ cho Dự án có thể thực hiện được ngay các thủ tục cần thiết để điều chỉnh Dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án.

Giữa tâm dịch, nhà đầu tư Thái Lan đổ vốn vào Việt Nam

Nhà đầu tư Thái Lan tăng cường hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập tại Việt Nam giữa “tâm bão” Covid-19.

Công ty TNHH Delta Electronics (Thái Lan) gần đây công bố kế hoạch thành lập công ty con tại Việt Nam trong quý II hoặc quý III/2020. Công ty con này có 100% vốn sở hữu của Delta Thái Lan và sẽ được thành lập tại Việt Nam với vốn điều lệ 500.000 USD.

34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã được Tập đoàn WHA đã mua lại thông qua công ty con. Ảnh: D.M
34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã được Tập đoàn WHA đã mua lại thông qua công ty con. Ảnh: D.M

Ông Jackie Chang, Chủ tịch Delta Electronics Thái Lan chia sẻ, Covid-19 không làm thay đổi kế hoạch mở rộng của Công ty tại Đông Nam Á. Hiện khu vực này được đánh giá có triển vọng tích cực trong dài hạn, đặc biệt là Việt Nam khi nhiều công ty đa quốc gia đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.

“Việt Nam được xem là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển vùng của Công ty. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong khối ASEAN trong giai đoạn 2020-2021, dù chịu tác động của Covid-19. Điều này càng chứng minh cho quyết định mở rộng kinh doanh của Công ty tại thị trường Việt Nam”, ông Jackie Chang nói.

Delta Electronics hướng đến việc hỗ trợ các công ty lớn của Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch đầu tư hoạt động kinh doanh mới, cũng như chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện trong năm 2021, thì Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào đội ngũ nhân sự để tăng cường sự hiện diện trong nước.

Theo ông David Nardone, Giám đốc điều hành phụ trách mảng đất công nghiệp của WHA Industrial Development Plc, Việt Nam là quốc gia quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn WHA. Năm 2019, Tập đoàn tiếp tục mở rộng và hoàn thành 145 ha đầu tiên thuộc giai đoạn I của Khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An, bao gồm một tòa nhà văn phòng mới.

Thông qua công ty con WHA Utilities and Power (WHAUP), Tập đoàn đã mua lại 34% cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, một trong những công ty cung cấp nước hàng đầu cho Thủ đô Hà Nội. Trong một động thái chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nước cho khách hàng tại Khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An, WHAUP cũng đã mua 47,3% cổ phần Công ty cổ phần Cấp nước Cửa Lò tại Nghệ An.

Năm 2020, WHA Industrial Development sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào Khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An. Song song, Công ty sẽ thúc đẩy quá trình cấp giấy phép để phát triển phần còn lại của giai đoạn I, với diện tích 498 ha.

Ngoài ra, Tập đoàn WHA sẽ tiếp tục tìm các cơ hội phát triển kinh doanh có giá trị cao, bao gồm các dự án phát triển khu công nghiệp, cung cấp nước công nghiệp và đô thị, cũng như dự án xử lý nước thải tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Thái Lan) đã quyết định chi 457 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước.

“Việc mua lại các dự án là một trong những bước đi quan trọng trong kế hoạch mở rộng kinh doanh và cải thiện hiệu quả tài chính của Công ty trong dài hạn. Nền kinh tế sẽ hồi phục và nhu cầu về điện sẽ tiếp tục tăng cao. Năng lượng tái tạo là một phần của xu hướng toàn cầu, do đó Công ty quyết định thực hiện thương vụ này để mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch”, ông Jormsup Lochaya, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty Super Energy nói.

Nguồn tin từ Nikkei Asian Review cho hay, gần đây, SCG – tập đoàn đa ngành Thái Lan – đã tuyên bố sẽ mua Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa trong bối cảnh mua sắm online tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á giữa đại dịch.

Tận dụng cơ hội mua sắm trực tuyến lên ngôi giữa đại dịch, SCG quyết định liên doanh với nhà sản xuất bìa cứng hàng đầu Nhật Bản – Rengo để mua vào khoảng 15% tổng tài sản Bao bì Biên Hòa, tương đương con số chi ra gần 635 tỷ baht (khoảng 448-500 tỷ đồng). Thương vụ này là một phần của chiến lược mở rộng kinh doanh của SCG tại ASEAN và giúp Công ty tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp Thái Lan đang tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Tập đoàn CP và SCG là những thương hiệu quen thuộc đối với người Việt. Trong khi đó, Tập đoàn Central Group và TCC đang phát triển kinh doanh trong thị trường bán lẻ.

“Trong thế hệ tiếp theo, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan về mọi mặt do tốc độ phát triển mạnh mẽ và cơ cấu dân số trẻ với độ tuổi trung bình chỉ 27 tuổi. Điều đó có nghĩa là người dân sẽ cởi mở hơn và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy nền kinh tế. Tại Việt Nam, cơ hội ở khắp mọi nơi, điều quan trọng là nắm bắt cơ hội như thế nào”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam nhận định.

Đề xuất nhượng quyền thu phí cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sau khi hoàn thành vào năm 2023

Bộ GTVT dự tính chỉ cần mất khoảng 12 năm thu phí là có thể hoàn xong vốn đầu tư xây dưng tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23 km cho Nhà nước.

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức đầu tư công.

Nếu bám sát kế hoạch đề ra tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023. (Ảnh: Báo Giao thông).
Nếu bám sát kế hoạch đề ra tuyến cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023. (Ảnh: Báo Giao thông).

Theo đó, Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp với điểm đầu tại Km107+363,08 – kết nối với  cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối QL1 hiện hữu) thuộc địa phận Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong giai đoạn 1, Dự án được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Với quy mô xây dựng nói trên, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 ước khoảng 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng  2.891,51 tỷ đồng.

Dp Dự án đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT nên đây sẽ là dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với số vốn còn lại khoảng 3.895,32 tỷ đồng.

Hiện nay, cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023, do vậy, Bộ GTVT kiến nghị tiến độ hoàn thành cơ bản Dự án trong năm 2022, hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2023 để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Trước đó, tại thông báo số 147/TB-VPCP ngày 7/4/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng đã cho phép Dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ được áp dụng cơ chế của Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 12/11/2017 của Quốc hội về việc nghiên cứu phương án thu hồi vốn Nhà nước đầu tư dự án đầu tư công, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác (nhà điều hành, trạm thu phí,…) và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự kiến đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng  12 năm sẽ thu hồi tổng số vốn đã đầu tư cho Dự án.

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư xây dựng ngay đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là hết sức cấp thiết, góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến QL1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung; giảm thiểu tai nạn giao thông trên QL1; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bình Dương sẽ kiểm tra đột xuất tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thời gian gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã liên tiếp có các văn bản gửi các ngành, địa phương và các chủ đầu tư nhằm thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Không khó để chỉ ra những công trình, dự án có vốn đầu tư công ở Bình Dương bị chậm tiến độ, thi công cầm chừng… do chậm được giải ngân vốn đầu tư. Đó là Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ điểm giao cầu Phú Long đến nút giao ngã tư Hòa Lân, dù được xác định là dự án giao thông trọng điểm, được phê duyệt từ năm 2016, song đến nay, tiến độ triển khai rất chậm.

UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao năm 2020.
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao năm 2020.

Dự án Tuyến đường trục chính Đông Tây đoạn từ Quốc lộ 1A (Bến xe miền Đông mới) đến giáp Quốc lộ 1K đã được bố trí vốn đầu tư từ năm 2016, song hiện vẫn chưa được giải ngân. Dự án này có chiều dài khoảng 3.640 m, chủ đầu tư là UBND Thành phố Dĩ An.

Ngoài ra, một số dự án thuộc lĩnh vực môi trường cũng có tình trạng giải ngân rất chậm, như Dự án trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát; Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực TP. Dĩ An. Dù đã được triển khai từ nhiều năm, nhưng các dự án này chưa xong, khiến khu vực xung quanh vẫn ngập úng mỗi khi có mưa lớn.

Theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này còn ở mức thấp. Chẳng hạn, theo kế hoạch, có 4 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư công sẽ được ban hành, nhưng đến nay mới ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 sửa đổi Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát đánh giá đầu tư. Ba nghị định còn lại liên quan đến công tác lập, thẩm định chủ trương dự án, kế hoạch đầu tư công chưa được ban hành.

Việc thực hiện điều chỉnh, thẩm định lại chi phí đầu tư theo Nghị định số 68/2019/NĐ- CP ngày 14/8/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án dự kiến khởi công trong năm 2020. Một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng tiến độ thực hiện kế hoạch phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt, từ đó xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát tiến độ triển khai và khả năng giải ngân thực tế…

Ngoài ra, trình tự, thủ tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai còn bất cập và mất nhiều thời gian. Việc vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù giải tỏa các dự án đầu tư công rất khó khăn, phức tạp và kéo dài…

Gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã liên tiếp có các văn bản gửi các ngành, địa phương và các chủ đầu tư về rà soát tổng thể phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 và dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020; rà soát xây dựng tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 và tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.

 UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao năm 2020.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc hàng quý về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công để kịp thời chấn chỉnh công tác nghiệm thu, giải ngân”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết.

Đơn vị này cũng sẽ rà soát các danh mục dự án được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư nhiều năm, nhưng triển khai chậm hoặc không triển khai thủ tục đầu tư, báo cáo UBND tỉnh về việc dừng hoặc chuyển giao nhiệm vụ chủ đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao năm 2020. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA)…

Đề xuất áp dụng cơ chế giao thầu đối với 2 dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài

Việc tổ chức giao thầu có tiết kiệm 5% so với dự toán (không thông qua lựa chọn nhà thầu) sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Việc sớm triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh vào cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Việc sớm triển khai thực hiện 2 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh vào cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Việc sớm triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh vào cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này được triển khai 2 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế (CHKQT): Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.

Nếu đề xuất này được thông qua, Bộ GTVT sẽ được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện và được giao thầu có tiết kiệm 5% so với dự toán (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành, qua đó có thể khởi công 2 dự án cấp bách này vào cuối tháng 6/2020.

Được biết, hiện tần suất khai thác tại các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã vượt tần suất tính toán theo thiết kế; đang khai thác với tần suất lớn các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900, B787-9 (10), B777-9 có tải trọng bánh đơn và áp suất bánh hơi tác dụng đến mặt đường lớn hơn các loại tàu bay tính toán, dẫn đến các đường cât hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không bị xuống cấp ngày càng nhanh, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác; đồng thời công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.

Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh, tạo ra FOD (vật thể lạ) va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa đường cất hạ cánh bất cứ lúc nào để sửa chữa.

Vì vậy việc sớm triển khai thực hiện (khởi công cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhất là sau thời điểm hết dịch, kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh, nhu cầu đi lại, giao thương cũng tăng theo, khi đó tình trạng quá tải sẽ trở nên nghiêm trọng, việc đóng cửa đường cất hạ cánh để thực hiện cải tạo, nâng cấp sẽ càng thêm khó khăn.

Trước đó, tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, Chính phủ đã cho phép 2 dự án được áp dụng “trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 130 của Luật Xây dựng, điểm a khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ, Bộ GTVT được tự quyết định trình tự khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng phù hợp với yêu cầu về tình trạng khẩn cấp; tự quyết định về trình tự thực hiện đầu tư xây dựng và hình thức quản lý dự án; tự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, giám sát thi công và nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, đối với nội dung giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép.

Theo Bộ GTVT, nếu tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định…, tương tự như các dự án đầu tư công thông thường thì chỉ có thể  khởi công vào cuối tháng 12/2020. Nếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì rút ngắn được khoảng 2 tháng và dự kiến khởi công cuối tháng 10/2020. Đối với trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) dự kiến khởi công cuối tháng 6/2020.

Theo tính toán của Tư vấn ADCC, Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Nội Bài có tổng mức đầu tư là 2.296 tỷ đồng và đối với Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất là 2.058 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Đầu tư công năm 2019 thì các dự án trên thuộc loại nhóm B.