Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III 27.596 tỷ đồng; Tiền Giang mời đầu tư 59 dự án

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Cần Thơ: Chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện vốn trên 1,190 tỷ USD

Ngày 5/9, nguồn tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng đã ký Quyết định số 2447/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III.

Dự án được thực hiện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn
Dự án được thực hiện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn

Mục tiêu Dự án nhằm xây dựng Nhà máy nhiệt điện turbine khí chu trình hỗn hợp, quy mô theo quy hoạch ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt để cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn cung cấp điện; đồng thời, cùng các Nhà máy Nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn tiêu thụ hết khí Lô B.

Dự án có diện tích đất khoảng 8,342 ha (khu vực nhà máy chính), là đất công trình năng lượng đã được UBND TP. Cần Thơ cho nhà đầu tư thuê đất (trả tiền hàng năm).

Các hạng mục chính gồm: Gian máy turbine khí – máy phát, turbine hơi – máy phát, khu vực máy biến áp và khu vực sân phân phối; các khu phụ trợ như: nhà hành chính, khu điều khiển trung tâm, kênh lấy nước làm mát, đường ống xả nước làm mát, khu xử lý nước.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỷ đồng, tương đương 1.190,5 triệu USD. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 9.926 tỷ đồng, tương đương 428,2 triệu USD; vốn huy động 17.670 tỷ đồng, tương đương 762,29 triệu USD.

Địa điểm thực hiện Dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Thời hạn hoạt động của Dự án là 31 năm kể từ ngày Quyết định cho thuê đất (2021 – 2052).

Về tiến độ thực hiện Dự án, trong quý II – III/2022, phê duyệt chủ trương đầu tư; quý IV/2022 sẽ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; khởi công dự án vào quý I/2025; bắt đầu tiếp nhận khí vào quý III/2027; vận hành thử thách vào quý IV/2027 và phát hành điện thương mại vào quý IV/2027.

Giảm 31.396 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương ngành giao thông

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).

Quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 ngành giao thông của Bộ Giao thông vận tải là 31.396 tỷ đồng.
Quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 ngành giao thông của Bộ Giao thông vận tải là 31.396 tỷ đồng.

Cụ thể, Quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 ngành giao thông của Bộ Giao thông vận tải là 31.396 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho các địa phương, gồm: Thành phố Hà Nội là 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (các bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các địa phương); giao danh mục, mức vốn ngân sách trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho từng Dự án, nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được giao thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng dự án, nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đồng thời, căn cứ khả năng cân đối vốn hằng năm, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp; chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới sau khi đã bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm hoàn thành sớm các dự án này, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm tối đa thời gian bố trí vốn của dự án; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 theo quy định Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Về thời hạn báo cáo kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2022.

Thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Quảng Bình: Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La được chấp thuận chủ trương đầu tư

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La.

Theo đó, Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn đầu tư, gồm giai đoạn 1 dự kiến thực hiện từ 2022-2024, với kinh phí đầu tư gần 940 tỷ đồng; giai đoạn 2 dự kiến năm 2025-2026, với kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án được chấp thuận là Công ty cổ phần Cảng Hòn La, với thời hạn hoạt động 50 năm (kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận chủ đầu tư).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La là một trong những cảng quan trọng, có tầm chiến lược đối với phát triển kinh tế-xã hội quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Hùng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, tập trung nhân lực, vật lực để triển khai xây dựng dự án đúng quy mô; đảm bảo tiến độ giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng trong Quý IV/2024, giai đoạn 2 hoàn thành đưa vào sử dụng trong Quý IV/2026.

Trước đó, ngày 11/7/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La; địa điểm tại Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; với diện tích sử dụng khoảng 38,82 ha (gồm đất xây dựng công trình khoảng 25,01 ha, khu mặt nước biển neo đậu khoảng 13,81 ha).

Theo thông báo này, mục tiêu đầu tư dự án là đầu tư xây dựng khu bến cảng tổng hợp phục vụ cho Khu kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng, container và tiếp nhận tàu khách quốc tế.

Quy mô dự án gồm 4 bến cập tàu, trong đó giai đoạn 1 có 2 bến (1 bến cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT và 1 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 DWT); giai đoạn 2 gồm 2 bến (1 bến cho tàu trọng tải đến 70.000 DWT và 1 bến cho tàu trọng tải đến 100.000 DWT).

Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, về kinh nghiệm, nhà đầu tư đã hoặc đang thực hiện ít nhất 1 dự án cảng biển loại II, có bến quốc tế cho tàu đến 70.000 DWT, với tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án là 2.000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông thúc tiến độ triển khai đầu tư 4 khu bến cảng Lạch Huyện – Hải Phòng

Bộ GTVT vừa công văn gửi UBND TP. Hải Phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP; Công ty cổ phần cảng Hải Phòng; – Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco về việc thực hiện đầu tư bến và đưa vào khai thác số 3, số 4 và số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện.

Phối cảnh bến số 3, số 4 - cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.
Phối cảnh bến số 3, số 4 – cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các cơ quan liên quan đôn đốc, giám sát Công ty cổ phần cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần tập đoàn Hateco khẩn trương thực hiện đầu tư và đưa vào khai thác các bến số 3, số 4 và số 5, số 6 khu bến Lạch Huyện nhằm đáp ứng lượng hàng container qua cảng đang có xu hướng gia tăng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng được đề nghị chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty cổ phần cảng Hải Phòng thu xếp nguồn vốn của doanh nghiệp để khẩn trương đầu tư bến số 3, số 4 theo quy định, đáp ứng tiến độ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT yêu cầu Công ty cổ phần cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco có trách nhiệm khẩn trương thực hiện đầu tư bến số 3, số 4 và số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện theo đúng lộ trình, quy mô đầu tư tại các Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019; số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021 và số 186/QĐ-TTg ngày 11/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Về tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6, Bộ GTVT cho biết là đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường giao thông sau các bến cảng từ bến 3 đến bến 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện bằng nguồn vốn đầu tư công đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo.

Do vậy, nhằm phục vụ việc gom/rút hàng thông qua bến cảng từ bến số 3 đến bến số 6 bằng phương thức vận tải đường bộ, trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Công ty cổ phần cảng Hải Phòng, Công ty cổ phần tập đoàn Hateco tranh thủ triển khai các thủ tục để sớm triển khai đầu tư tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp theo quy định.

Theo kết quả nghiên cứu Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thông báo số 335/TB-BGTVT ngày 18/8/2022), giai đoạn đến năm 2025, khu bến Lạch Huyện được quy hoạch gồm 6 bến container thương mại thông qua lượng hàng khoảng 3,7 triệu Teu, giai đoạn đến năm 2030 gồm 10 bến thông qua lượng hàng khoảng 6,7 triệu Teu.

Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án các khu bến cảng Lạch Huyện. Trong đó, bến số 3, số 4 có tổng chiều dài 750 m được đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025 (tổng vốn đầu tư 6.946,315 tỷ đồng) trong đó bến số 3 đưa vào khai thác năm 2022. Bến số 5, số 6 dài 900 m được đầu tư với tiến độ giai đoạn 1 từ năm 2020-2025 (vốn đầu tư 8.339,717 tỷ đồng), giai đoạn 2 từ năm 2030 (vốn đầu tư 611,468 tỷ đồng).

Như vậy, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bến cảng từ bến số 4-6 sẽ cơ bản được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác vào năm 2025 (riêng bến số 3 đã chậm so với yêu cầu).

Theo Bộ GTVT, hiện hai bến khởi động số 1, số 2 với tổng công suất thiết kế 1,1 triệu Teu/năm đã được đưa vào khai thác từ năm 2018, đến nay đang phát huy hiệu quả đầu tư; lượng hàng thông qua năm 2021 đạt 0,69 triệu Teu, 7 tháng đầu năm 2022 đạt 0,7 triệu Teu, đạt 64% công suất thiết kế, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 1,09 triệu Teu, xấp xỉ công suất thiết kế. Do vậy, cần kịp thời thực hiện đầu tư ngay các bến cảng từ bến 3-6.a

Long An xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nhật Bản

Trong chuyến công tác xúc tiến hợp tác đầu tư tại Nhật Bản, vào ngày 5/9, đoàn công tác của tỉnh Long An do ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An làm trưởng đoàn đã đến thăm và chào xã giao Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam đã tiếp đoàn.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hải đã thông tin đến Đại sứ về chương trình làm việc của đoàn công tác tỉnh Long An tại Nhật Bản.

Đoàn công tác của tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản và các nhân viên của Đại sứ quán.
Đoàn công tác của tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản và các nhân viên của Đại sứ quán.

Theo đó, mục đích chính trong chuyến công tác lần này của tỉnh là xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản và kết nối với các địa phương Nhật Bản nhằm triển khai các nội dung hợp tác trên lĩnh vực lao động. Ngoài chương trình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Long An tại Tokyo, đoàn công tác sẽ đến thăm, làm việc và tổ chức Hội thảo giới thiệu nguồn nhân lực của tỉnh Long An tại tỉnh Ibaraki cũng như tham dự Diễn đàn Môi trường đầu tư Việt Nam tại tỉnh Kanagawa.

Tại buổi tiếp đoàn, Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá rất cao chương trình làm việc của đoàn công tác tỉnh Long An lần này với nhiều nội dung hay và thiết thực. Bên cạnh đó, Đại sứ cũng nhận định, tỉnh Long An là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, là điểm đến đầu tư rất khả thi của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đại sứ cam kết trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan hữu quan của tỉnh Long An xúc tiến các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức Nhật Bản với tỉnh Long An.

Trước đó, thông qua sự sắp xếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đoàn công tác của tỉnh Long An đã có buổi làm việc với Tập đoàn EREX, nhà sản xuất, cung cấp điện và cũng là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện sinh khối tại Nhật Bản.

Được biết, đây là buổi tiếp xúc lần thứ hai giữa lãnh đạo tỉnh Long An và lãnh đạo Tập đoàn EREX. Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Honna Hitoshi, hiện nay Tập đoàn EREX đang có kế hoạch triển khai Dự án trồng vùng nguyên liệu (cây siêu cao lương) và đầu tư xây dựng Nhà máy điện sinh khối tại tỉnh Long An.

Các dự án này đã được sắp xếp xong nguồn vốn và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính phủ hai quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An có điều kiện về đất đai và nguồn nguyên liệu rất phù hợp với dự án của Tập đoàn EREX.

Địa phương cũng đã xác định địa điểm khả thi để đặt nhà máy cũng như vùng trồng nguyên liệu để Tập đoàn EREX đến khảo sát. Riêng về mặt chính sách, hiện nay, tỉnh Long An đang làm việc với các cấp trung ương để sớm đưa dự án Nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn EREX vào quy hoạch chung của cả nước (Quy hoạch điện VIII) để có cơ sở tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp, nghiên cứu dự án trong khi chờ đợi quy hoạch chung của Chính phủ.

Cũng trong ngày 5/9, đoàn đã đến thăm và làm việc với Văn phòng của Công ty TNHH Esuhai (Công ty Esuhai) tại Tokyo, Nhật Bản. Tại buổi làm việc, đoàn đã được đại diện lãnh đạo Công ty giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của công ty, sứ mạng cũng như những phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Công ty Esuhai. Đặc biệt, lãnh đạo Công ty Esuhai nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hợp tác với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Long An trong chiến lược phát triển hệ sinh thái toàn diện của Công ty.

Ông Mai Văn Nhiều, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Long An đánh giá cao nội dung hoạt động của Công ty Esuhai. Ông Nhiều cho biết định hướng đào tạo lao động có kỹ năng và ngoại ngữ của Công ty rất phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Long An là một địa phương có nguồn lao động dồi dào, lại có nhu cầu sử dụng lao động có kỹ năng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh. Do đó, tiềm năng hợp tác giữa Công ty Esuhai với địa phương là rất lớn. Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Long An sẽ tạo mọi điều kiện nhằm hỗ trợ Công ty Esuhai hoạt động có hiệu quả tại địa phương.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác của tỉnh Long An đã đến tham quan một số công trình nhà mẩu hiện đại của Tập đoàn Sumitomo Forestry. Đoàn cũng đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo của Tập đoàn liên quan đến dự án hợp tác giữa Công ty CP bất động sản Thắng Lợi và Tập đoàn Sumitomo Forestry liên quan đến dự án hợp tác giữa hai bên dự kiến triển khai tại tỉnh Long An trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Long An cho biết, lãnh đạo tỉnh Long An đánh giá rất cao về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp của địa phương với Tập đoàn Sumitomo Forestry.

Hiện nay, Tập đoàn cũng đang đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ván ép Vina Ecoboard tại Long An. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô lớn và hoạt động thành công tại địa phương. Chính quyền tỉnh Long An mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tập đoàn Sumitomo Forestry triển khai các dự án tiếp theo của Tập đoàn trong thời gian tới.

Theo chương trình, ngày 6/9/2022, đoàn công tác của tỉnh Long An sẽ đến tỉnh Ibaraki, chào xã giao lãnh đạo tỉnh, tổ chức Hội thảo giới thiệu nguồn nhân lực của địa phương và xúc tiến các hoạt động tiếp nhận lao động của tỉnh Long An đến làm việc tại tỉnh Ibaraki.

Flamingo chủ động đề xuất chấm dứt hoạt động đầu tư tại Hồ Núi Cốc

Ngày 19/7/2022, Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group đã có Báo cáo tình hình thực hiện và chủ động xin chấm dứt hoạt động đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc đến UBND Tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Huyện Đại Từ và UBND xã Tân Thái dù vẫn đang trong thời hạn triển khai dự án.

Sau khi nghiên cứu đề xuất của Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group và đề nghị của Sở Kế hoạch Đầu tư, ngày 30/8/2022, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thái Nguyên chính thức ban hành Quyết định Thu hồi, chấm dứt hiệu lực Quyết định chủ trương đầu tư số 3868/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 của UBND Tỉnh về chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc – Xã Tân Thái – huyện Đại Từ – Tỉnh Thái Nguyên.

Như vậy, Chủ đầu tư Flamingo Holding Group đã chủ động đề nghị chấm dứt hoạt động đầu tư dự án theo đúng quy định của Pháp luật.

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh Thái Nguyên luôn có tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Trên chặng đường phát triển của tỉnh với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở của lãnh đạo, ngành du lịch đang từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế nòng cốt quan trọng.

Trong giai đoạn này, Flamingo vẫn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các dự án khác tại Thái Nguyên dưới sự cho phép của chính quyền tỉnh, đồng hành cùng địa phương phát triển về kinh tế trong tương lai.

Quảng Nam mở rộng quy hoạch Khu cảng, logistics, phi thuế quan Chu Lai – Trường Hải

Ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh ký văn bản về chủ trương điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Khu cảng, logistics và phi thuế quan Chu Lai – Trường Hải.

 Quảng Nam thống nhất điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Khu cảng, logistics và phi thuế quan Chu Lai - Trường Hải.
Quảng Nam thống nhất điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Khu cảng, logistics và phi thuế quan Chu Lai – Trường Hải.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương điều chỉnh phạm vi, ranh giới và cơ cấu các phân khu chức năng quy hoạch Khu cảng, logistics và phi thuế quan Chu Lai – Trường Hải theo đề nghị của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị Chu Lai Trường Hải và Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị Chu Lai Trường Hải thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan theo đúng quy định và đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cũng như các quy hoạch, quy định của pháp luật khác liên quan.

Được biết, Khu cảng, logistics và phi thuế quan đưa vào hoạt động năm 2014 với diện tích 142 ha, trong đó diện tích đã khai thác giai đoạn 1 là 50 ha, giai đoạn 2 sẽ khai thác 50 ha vào năm 2022 – 2023. 

Trước đó, vào tháng 3/2022, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu phi thuế quan gắn với Khu bến cảng Tam Hòa, Khu kinh tế mở Chu Lai.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch Dự án thuộc địa giới hành chính xã Tam Hòa, huyện Núi Thành. Ranh giới phía Đông Bắc giáp sông Trường Giang, phía Đông Nam và Tây Nam giáp vịnh An Hòa, phía Tây Bắc giáp đường Võ Chí Công và vệt đất định hướng quy hoạch rừng phòng hộ. Diện tích lập quy hoạch hơn 751 ha.

Về tính chất, khu phi thuế quan sẽ là đầu mối giao thông gắn với cảng biển; là trung tâm thương mại tự do; công nghiệp và công nghệ cao; dịch vụ hậu cần, hỗ trợ, logistics, khu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; là khu vực xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa quốc tế…

Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 6/9/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây – Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú với tổng chiều dài khoảng 60,1 km; đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 100 km/h. Địa điểm thực hiện tại tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Hợp đồng BOT).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án: 8.365,65 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệpdự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.065,651 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia trong dự án: khoảng 1.300 tỷ đồng.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật PPP và pháp luật về đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt Dự án theo quy định pháp luật; tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn nhà nước trong Dự án để triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị mặt bằng xây dựng để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 56 của Luật PPP, quy định pháp luật về đất đai.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được trao quyền chỉ định thầu xây lắp cao tốc Bắc – Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ- CP ngày 8/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Theo đó, Chính phủ đã quyết nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Nghị định số 18, trong đó giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Đây là thay đổi rất đáng chú ý bởi trước đó tại Nghị quyết số 18, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nghị quyết số 119 cũng sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 18 theo hướng đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

Tại Nghị quyết số 119, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính tham mưu việc bố trí vốn thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án.

Bộ Xây dựng được giao hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo đúng quy định pháp luật và công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

TP.HCM khởi động lại cây cầu “treo” 20 năm ở Nhà Bè 

Ngày 8/9, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) phối hợp Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Nhà Bè tổ chức bàn giao mặt bằng để tái khởi động xây dựng cầu Long Kiểng- câu cầu đã “treo”  20 năm nay.

Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè xây xong trụ cầu thì tạm dừng vì không có mặt bằng
Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè xây xong trụ cầu thì tạm dừng vì không có mặt bằng

Tại buổi lễ bàn giao, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, dự án cầu Long Kiểng có chiều dài 318 m, rộng 15 m và phần đường dẫn dài 661 m. Dự án được phê duyệt từ năm 2001, đã trải qua 4 lần điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư là 589 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, cầu Long Kiểng được khởi công xây dựng, tuy nhiên khi thi công xong các trụ cầu thì dự án phải tạm dừng do không có mặt bằng.

Ông Phúc cho biết, đến nay 103 hộ dân còn lại nằm trong diện giải tỏa đã đồng thuận bàn giao mặt bằng nên dự án đã có mặt bằng “sạch” để thi công. Sau khi có mặt bằng nhà thầu sẽ tập trung thi công để hoàn thành vào cuối năm 2023.

Nói về vướng mắc ở dự án “treo” đã 20 năm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, dự án cầu Long Kiểng trải qua 20 năm thực hiện với 4 lần điều chỉnh, 2 năm tạm ngưng thi công vì vướng mặt bằng, lãnh đạo Thành phố phải họp hơn 20 cuộc họp để tháo gỡ những vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án này.

Từ dự án cầu Long Kiểng rút ra được một số bài học trong công tác giải phóng mặt bằng là vận dụng linh hoạt, đưa giá bồi thường sát với thực tế. Đồng thời, hỗ trợ tốt cho người dân bị ảnh hưởng có cuộc sống ổn định.

Được biết, dự án cầu Long Kiểng có diện tích thu hồi hơn 2 ha với 128 trường hợp bị ảnh hưởng. Dự án có 46 trường hợp đủ điều kiện tái định cư và 15 trường hợp giải tỏa toàn bộ nhà, đất nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP.HCM đã chấp thuận giải quyết cho các hộ không đủ điều kiện được mua và thuê mua căn hộ.

Long An tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản

Tiếp tục chuỗi các hoạt động của Đoàn công tác tỉnh Long An tại Nhật Bản, chiều ngày 8/9, tỉnh Long An tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm hội nghị TKP Otemachi (Tokyo, Nhật Bản), dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Long An, với sự tham dự của ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; ông Manabu Tsukada, Giám đốc cấp cao về Chiến lược toàn cầu (Khu vực Đông Nam Á) Bộ phận Kế hoạch Cơ quan Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO); đại diện Tổ chức Asean Japan Center; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA); cùng sự tham dự của trên 100 doanh nhân, nhà đầu tư lớn Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển đô thị, bất động sản, công nghiệp và đào tạo lao động.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Long An cho rằng, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản hiện nay là sự nỗ lực và thiện chí của hai Chính phủ trong suốt gần 50 năm qua. Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị và cách tiếp cận mới của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường hợp tác song phương, phát triển toàn diện và đưa mối quan hệ giữa hai quốc gia đi vào chiều sâu. Đến nay, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam; đầu tư vào 4.897 Dự án với tổng vốn trên 65,6 tỷ USD. Riêng năm 2021, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD, tăng 64,6% so với năm 2020.

Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá cao Đoàn công tác tỉnh Long An đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho Hội nghị; dù rằng hiện nay tại Long An đã tiếp nhận 130 dự án từ Nhật Bản, nhưng tỉnh Long An đã rất chủ động trong việc tổ chức xúc tiến, kết nối đầu tư – thương mại, kết nối doanh nghiệp và thị trường để tiếp cận và thúc đẩy các hoạt động hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội.

Trên cương vị của mình, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, tận dụng những cơ hội mới, thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững, hai bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có tỉnh Long An.

Tại các cuộc tiếp xúc và trao đổi với Đoàn công tác tỉnh Long An, hầu hết các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tham gia Hội nghị đều đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và Long An là một trong những điểm đến ưu tiên hàng đầu của các doanh nhân Nhật Bản.

Qua khảo sát của JETRO cho thấy, kết quả khảo sát thực trạng của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài thì có tới 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết có định hướng phát triển kinh doanh ở Việt Nam trong 1-2 năm tới, tăng 8,5 điểm phần trăm so với năm 2021. Tỷ lệ này của Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN.

Nhấn mạnh những thành quả tỉnh Long An đạt được trong những năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, bằng tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông tối đa, kết nối sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Long An đã có bước phát triển đột phá; kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, quy mô kinh tế đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cũng đã giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách và định hướng thu hút đầu tư vào Long An.

“Với những thế mạnh nổi trội, Long An luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh với những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đào tạo phát triển và cung ứng nguồn nhân lực; các dự án về môi trường…”, ông Nguyễn Minh Lâm chia sẻ.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Long An đã lắng nghe các ý kiến trao đổi, những băn khoăn, vướng mắc và tương tác trực tiếp các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản; giải đáp, làm rõ các quan tâm của các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Thanh Hải khẳng định: “Long An cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để triển khai, vận hành dự án nhanh chóng và thuận lợi; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về quỹ đất sạch với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động đã qua đào tạo; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, phát triển bền vững tại tỉnh.

Tại Hội nghị, có 3 biên bản ghi nhớ và 4 hợp đồng hợp tác đã được ký kết, mở ra một trang mới trong quá trình hợp tác giữa các bên.

Tiền Giang công bố 59 dự án mời gọi đầu tư lên đến gần 23.000 tỷ đồng

Sáng 9/9/2022, Tiền Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu 59 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ với các nhà đầu tư tại buổi công bố, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tiền Giang đã và đang phục hồi nhanh chóng. Góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang trong hơn 8 tháng đầu năm chuyển biến tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2%; xuất khẩu tăng 28,4%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5%; lượng khách du lịch tăng 78%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 70%; vốn đầu tư đăng ký mới gấp 4,76 lần so với cùng kỳ…

Nhằm phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Tiền Giang đã ban hành danh mục Dự án mời gọi đầu tư gồm 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực, như: đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao…

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, đây là thời điểm mà chính quyền địa phương và nhà đầu tư cùng mang đến cho nhau những cơ hội hợp tác mới, cam kết mạnh mẽ để cùng nhau phát triển.

Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thương mại, dịch vụ và du lịch…

Tại hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết thêm, trong thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tổ chức lập các quy hoạch xây dựng – đô thị, sử dụng đất; thực hiện công bố, công khai ngay các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, huyện… sau khi được phê duyệt đảm bảo người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận tài liệu quy hoạch, kế hoạch thuận lợi, dễ dàng.

Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước… Đối với các dự án giao thông quan trọng của quốc gia trên địa bàn như: Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, Nâng cấp kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2… Sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối với giao thông vùng như: Đường tỉnh 864 (dài 110 km, vốn hơn 3.000 tỷ đồng); đường ven biển nối TP. Hồ Chí Minh – Long An – Bến Tre – Trà Vinh…; đường giao thông kết nối trung tâm Đồng Tháp Mười…

Tiền Giang cam kết với nhà đầu tư về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục liên kết với các viện, trường, các tỉnh trong vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.

Tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công… để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn được xem là nhiệm vụ trọng tâm và kiên trì thực hiện. Xây dựng quy trình liên thông đối với thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ chủ trương đầu tư (đấu giá, đấu thầu, chấp thuận nhà đầu tư), chủ trương nghiên cứu đến thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường… theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện.

Xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; giáo dục đạo đức công vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ nhất nhà trong giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.