Nhận diện GDP dưới góc độ sử dụng

Hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, Tổng cục Thống kê công bố số liệu về GDP

Để hiểu rõ hơn về sử dụng GDP, cần bắt đầu từ công thức: GDP = tích lũy tài sản + tiêu dùng cuối cùng ± xuất/nhập siêu hàng hóa, dịch vụ ± sai số. 

Tích lũy tài sản

Có 4 vấn đề lớn đáng quan tâm.

Một là, tốc độ tăng tích lũy tài sản thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP.

Hai là, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP quý I/2022 chỉ đạt 26,4% và tính chung 6 tháng chỉ đạt 29,4% – thuộc loại thấp so với cùng kỳ các năm trước và thấp xa so với mục tiêu cả năm (trên 33%).

Ba là, Tổng cục Thống kê chưa cho biết rõ tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP có cao hơn tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP như trước đây hay không. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (tính theo giá thực tế tăng 9,6%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chắc chắn cao hơn nhiều tốc độ tăng tích lũy tài sản là 3,92%), sẽ tiếp tục trạng thái nguy hiểm bởi có thể làm tăng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.

Bốn là, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước sau nửa năm mới đạt trên 1/3 kế hoạch năm, trong đó, một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố đạt thấp. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tiếp tục giảm, lượng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tăng… Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, nhưng lượng vốn giảm.

Tiêu dùng cuối cùng

Tiêu dùng cuối cùng 6 tháng đầu năm nay tăng khá, trong đó tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tổng mức bán lẻ) – tức tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường – tăng khá cao (tính theo giá thực tế tăng 11,7%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9%).

Điều đó có nghĩa, tốc độ tăng tiêu dùng từ sản phẩm tự cấp, tự túc thấp hơn tốc độ tăng tổng mức bán lẻ, thấp hơn tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng. Theo đó, tỷ trọng tiêu dùng từ sản phẩm tự cấp tự túc đã tăng lên khi diễn ra Covid-19 và nay đã giảm trở lại.

Tuy nhiên, về tiêu dùng cuối cùng, có một số điểm đáng lưu ý.

Một là, tốc độ tăng tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Hai là, thực tế tổng mức bán lẻ (đã loại giá) chưa thể tăng tới 7,9%, cao hơn tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng. Mặc dù tốc độ tăng dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng cao hơn tốc độ chung của tổng mức bán lẻ, nhưng tỷ trọng của 2 khoản này trong tiêu dùng cuối cùng mới chiếm 10,2%, nên chưa thể tác động lớn.

Ba là, nguồn để tăng tiêu dùng cuối cùng cũng chưa thể bảo đảm cho tổng mức bán lẻ tăng cao tới 11,7%, khi thu nhập danh nghĩa bình quân tháng của người hưởng lương 6 tháng qua mới tăng 7,2% (đạt 7,4 triệu đồng). Các đối tượng khác, nhất là nông dân, dân nghèo thành thị, hưu trí… còn tăng thấp hơn.

Xuất/nhập siêu hàng hóa, dịch vụ

Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ đề cập tốc độ tăng, không đề cập mức xuất, nhập siêu chung của cả hàng hóa và dịch vụ.

Về hàng hóa, theo Tổng cục Hải quan, xuất siêu trong 6 tháng đạt 743 triệu USD. Về dịch vụ, nhập siêu lên đến 8.004 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 185,7%. Tính chung, nhập siêu cả hàng hóa và dịch vụ lên đến 7.295 triệu USD. Nhập siêu dù là khó tránh, nhưng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP do làm giảm một phần thị phần đầu ra của sản xuất trong nước.

Dù còn một số khoản chưa được công bố chi tiết hơn, nhưng qua số liệu ước 6 tháng của Tổng cục Thống kê, có thể thấy, tổng cầu đã cao lên, nhưng nhìn chung còn yếu. Một trong những yếu tố tăng tổng cầu là giải ngân nhanh hơn vốn đầu tư công; thực thi nhanh hơn gói hỗ trợ tài khóa – tiền tệ, trong đó đặc biệt chú ý gói hỗ trợ lãi suất 2% để kéo 1 triệu tỷ đồng từ các ngân hàng ra lưu thông được dồn vào nửa cuối năm 2022.