Nhức nhối với doanh nghiệp “không từ mà biệt”

Công ty Kai Yang tại Hải Phòng.
Công ty Kai Yang tại Hải Phòng.

Truy tìm tung tích chủ đầu tư Kai Yang

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng vừa phát đi hai thông báo yêu cầu nhà đầu tư Pana-Bright Limited – chủ đầu tư Dự án Sản xuất giày dép Kai Yang Việt Nam và Dự án Sản xuất mút xốp Kai Yang Việt Nam – liên hệ với các cơ quan chức năng để giải quyết việc chấm dứt hoạt động của hai dự án này. Thời hạn là 90 ngày, kể từ ngày cơ quan chức năng phát đi thông báo. Nếu sau thời gian đó, nhà đầu tư không liên lạc với cơ quan đăng ký đầu tư, thì việc chấm dứt hoạt động của dự án sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thực tế, trên cổng thông tin về đầu tư nước ngoài của Việt Nam không thiếu những thông tin như vậy. Mới đây nhất, ngày 5/3/2020, tức là sau thông báo của Hải Phòng, thì TP.HCM cũng đã phát đi một thông tin tương tự. Điểm khác biệt chỉ là TP.HCM tìm chủ đầu tư của Công ty TNHH AF Group Việt Nam (Mỹ). Công ty này dừng hoạt động từ tháng 10/2019.

Trong khi đó, với Kai Yang, “chủ đầu tư đã rời khỏi doanh nghiệp từ ngày 30/9/2019 không rõ lý do”. Mà đây cũng chỉ là ngày được cơ quan quản lý đầu tư lấy làm dấu mốc để chốt sổ, chứ thực tế, đêm 11/8/2019, Tổng giám đốc Huang Shang Che cùng toàn bộ cán bộ, nhân viên người Đài Loan của công ty này đã bỏ trốn.

Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi chủ đầu tư doanh nghiệp này “không từ mà biệt”, thì họ đã để lại không chỉ hơn 2.200 nhân viên Kai Yang bơ vơ, mà còn một khoản nợ không nhỏ. Ngoài khoản nợ lương, bảo hiểm khoảng 9 tỷ đồng, còn khoản nợ các ngân hàng khoảng 150 tỷ đồng.

Trên cổng thông tin về đầu tư nước ngoài có một danh sách khá dài chủ đầu tư bỏ trốn, vắng mặt, đi đâu không rõ, mà cơ quan quản lý đầu tư cần tìm tung tích. Và đằng sau đó là không ít khoản nợ.

Khi đó, các cơ quan, ban, ngành của Hải Phòng đã phải vào cuộc để xử lý. Lãnh đạo TP. Hải Phòng cũng đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo Công ty Kai Yang sang Việt Nam để xử lý, nhưng rồi, Kai Yang liên tục thất hứa. Cuối tháng 8/2019, lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng đã buộc phải chỉ đạo ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất tại Công ty, chỉ tổ chức giải quyết các tồn tại và thủ tục xuất các lô hàng còn lại, đồng thời tạm ứng ngân sách để trả lương cho công nhân.

“Từ đó tới nay, chủ đầu tư không sang Việt Nam. Toàn bộ việc xử lý nợ lương, bảo hiểm là do Thành phố chịu trách nhiệm”, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho phóng viên Báo Đầu tư biết.

Theo vị này, số nợ lương, bảo hiểm không quá lớn, chủ yếu là nợ ngân hàng, nhưng khoản nợ này không dễ xử lý. “Theo quy định của pháp luật, nếu chủ đầu tư không liên lạc, thì chúng tôi sẽ làm thủ tục khai tử cho doanh nghiệp”, vị này nói. Vị cán bộ này cho biết thêm, sau khi khai tử thì máy móc, thiết bị của Kai Yang mới được đưa ra xử lý, có thể là thanh lý, để giải quyết các vấn đề về nợ nần.

Nỗi đau ở lại

Rõ ràng, sau khi Kai Yang “không từ mà biệt”, ngân sách TP. Hải Phòng đang bị thiệt hại bởi đã phải tạm ứng để trả lương cho công nhân. Nhưng còn các doanh nghiệp cho Kai Yang vay, chắc cũng đang “ngậm đắng, nuốt cay” vì khoản nợ có thể không bao giờ đòi lại được.

Hải Phòng, hay các ngân hàng tại đây không phải là trường hợp duy nhất lâm cảnh như vậy sau khi chủ đầu tư các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn. Một câu chuyện luôn được lấy làm ví dụ điển hình là Kenmark ở Hải Dương. Phải 10 năm sau khi doanh nghiệp bỏ trốn, đống tài sản của doanh nghiệp này để lại mới được thanh lý, trả cho các chủ nợ.

Hay như vụ việc của KL Texwell Vina (Đồng Nai). Để giải quyết tình thế cấp bách, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phải tạm ứng tiền ngân sách để trả 50% lương tháng 1/2018 cho công nhân, với số tiền gần 7 tỷ đồng. Song từ bấy đến nay, quá trình xử lý tài sản của KL Texwell Vina vẫn chưa xong, nợ chưa được giải quyết dứt điểm.

Rất nhiều trường hợp như vậy. Trên cổng thông tin về đầu tư nước ngoài có một danh sách khá dài chủ đầu tư bỏ trốn, vắng mặt, đi đâu không rõ, mà cơ quan quản lý đầu tư cần tìm tung tích. Và đằng sau đó là không ít khoản nợ.

Điều này lại một lần nữa đặt ra câu hỏi, vì sao một doanh nghiệp đang hoạt động mà chủ đầu tư lại bỏ trốn được? Trong câu chuyện này, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý. Tình trạng bỏ trốn sẽ được hạn chế nếu như hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, các cơ quan quản lý phối hợp chặt chẽ, khi phát hiện doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn, thì cùng giải quyết, kiểm soát việc xuất cảnh của chủ doanh nghiệp.

Có lẽ, chuyện hậu kiểm doanh nghiệp hơn lúc nào hết, cần được coi trọng!