“Nướng” thêm tiền, Dự án metro số 2 tiếp tục lùi tiến độ

Đến nay, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương (Dự án metro số 2) do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư được dự kiến tới năm 2030 mới có thể về đích. 

Vì sao Tư vấn IC “quay xe”?

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về Dự án metro số 2. Theo đó, dự án này sẽ còn chậm trễ tiến độ, khả năng tới năm 2030 mới hoàn thành và sẽ mất thêm 2 năm nữa cho công tác sửa chữa khiếm khuyết/bảo hành, tức tới năm 2032 mới có thể khai thác.

Nguyên nhân là, Tư vấn IC (liên danh Metro Team Line 2) đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và tiến độ Dự án sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc tuyển chọn thành công nhà thầu tư vấn mới trong thời gian tới (dự kiến mất 12 – 18 tháng để tuyển chọn).

Gói thầu Tư vấn (do Tư vấn IC đảm nhiệm) là một trong những gói thầu chính của Dự án metro số 2. Hợp đồng Tư vấn được ký kết từ năm 2012 giữa Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Tư vấn IC, thực hiện với 2 giai đoạn: giai đoạn A – thiết kế và hỗ trợ việc đấu thầu các gói thầu chính của Dự án; giai đoạn B – giám sát thực hiện xây dựng Dự án.

Muốn thành lập Ủy ban Điều phối cho Dự án

UBND TP.HCM cho biết, vào cuối tháng 4/2022, MAUR và các nhà tài trợ đã thực hiện đợt làm việc tại TP.HCM kiểm tra tình hình thực hiện Dự án metro số 2. Qua đó, các nhà tài trợ cũng đã thống nhất kiến nghị thành lập Ủy ban Điều phối, bao gồm các đại diện cấp cao của TP.HCM và các bộ, ngành có thẩm quyền của Việt Nam.

UBND TP.HCM sẽ sớm nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành liên quan về vấn đề này để thúc đẩy giải quyết những khó khăn của Dự án metro số 2 trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, trong một báo cáo gửi Bộ Giao thông – Vận tải, MAUR cho hay, khi Tư vấn IC đang trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ tại giai đoạn A của Hợp đồng, thì có việc phê duyệt điều chỉnh Dự án kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ chung. Do điều chỉnh kéo quá dài, nên tháng 10/2018, Tư vấn IC đã được tạm ngưng cung cấp dịch vụ giai đoạn A. Đồng thời, do thay đổi về phạm vi công việc, thời gian thực hiện Dự án, nên trong năm 2018, sau khi thống nhất với các nhà tài trợ, MUAR thông báo kết thúc giai đoạn B của Hợp đồng Tư vấn IC.

Chưa hết, theo UBND TP.HCM, cũng bởi việc điều chỉnh nêu trên, với lý do “để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, do Dự án đang trong quá trình thực hiện điều chỉnh về thời gian thực hiện và tổng mức đầu tư”, MAUR đã đề xuất và được UBND TP.HCM chấp thuận hủy đấu thầu gói thầu CP3a, CP3b (xây dựng nhà ga ngầm, đường hầm) và CP5 (cơ và điện hệ thống).

Vấn đề này cùng với việc chuyển đổi nguồn vốn phạm vi công việc các gói thầu theo ý kiến của nhà tài trợ dẫn đến việc phát sinh Phụ lục hợp đồng số 13 đối với Tư vấn IC.

MAUR đã ký 12 phụ lục hợp đồng với Tư vấn IC, trong đó, 6 phụ lục phát sinh chi phí gần 9 triệu Euro. Việc phát sinh Phụ lục hợp đồng số 13 đã nâng tổng chi phí phát sinh phụ lục lên hơn 12,6 triệu Euro so với hợp đồng gốc.

Để tiếp tục huy động Tư vấn IC trở lại thực hiện Dự án do liên quan tới tiến độ, MAUR đã thương thảo, đàm phán Phụ lục hợp đồng số 13, nhưng Tư vấn IC yêu cầu phải thanh toán gần 400.000 Euro (hơn 11 tỷ đồng) các dịch vụ tư vấn mà đơn vị đã thực hiện thuộc hợp đồng gốc và phụ lục hợp đồng đã ký, thì mới quay lại thương thảo Phụ lục hợp đồng số 13.

MAUR cho rằng, khoản kinh phí này không có cơ sở, chưa phù hợp quy định. Vì thế, 2 bên đàm phán từ năm 2020 đến đầu năm 2021 vẫn chưa đạt được thỏa thuận và UBND TP.HCM thống nhất kết thúc thương thảo Phụ lục hợp đồng số 13.

Thế nhưng, từ tháng 4/2021, Tư vấn IC liên tục có các thư điện tử cùng 11 văn bản chính thức gửi MAUR và UBND TP.HCM nêu thiện chí mong muốn được quay trở lại đàm phán Phụ lục hợp đồng số 13 và đề xuất thực hiện công việc còn lại trong giai đoạn A của Dự án.

MAUR đã tiến hành làm việc, trao đổi (trực tuyến và bằng văn bản) với Tư vấn IC và các nhà tài trợ để thảo luận về điều kiện xem xét việc mở lại đàm phán Phụ lục hợp đồng số 13. Qua quá trình trao đổi, những khác biệt quan điểm của 2 bên đã được thống nhất về cách thức giải quyết, đủ điều kiện để xem xét xét mở lại đàm phán. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM chấp thuận cho phép mở lại đàm phán. Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2022, Tư vấn IC lại gửi Thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng Tư vấn IC.

“Với việc kết thúc Hợp đồng Tư vấn IC ở thời điểm hiện tại, phần công việc còn lại của Hợp đồng Tư vấn 1C và các nhiệm vụ phát sinh như đã thương thảo trong Phụ lục hợp đồng số 13 sẽ được chuyển vào phạm vi gói thầu Tư vấn CS2B để tổ chức đấu thầu, tuyển chọn tư vấn. Vấn đề này sẽ tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện Dự án, gây ảnh hưởng chậm trễ thêm đối với tiến độ Dự án do tiến độ Dự án phụ thuộc hoàn toàn vào việc tuyển chọn thành công Tư vấn CS2B”, UBND TP.HCM cho biết.

UBND TP.HCM dự kiến, tới năm 2030, Dự án metro số 2 mới có thể hoàn thành.

Chậm tiến độ còn do nguyên nhân nào?

Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, Dự án metro số 2 chậm tiến độ không chỉ do việc hủy hợp đồng của Tư vấn IC, mà còn  từ việc điều chỉnh kéo dài của cơ quan chức năng.

Dự án metro số 2 do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách và vốn vay. Dự án dự kiến khởi công năm 2014 và hoàn thành sau 4 năm với tổng vốn 26.116 tỷ đồng.

Tới ngày 14/11/2019, UBND TP.HCM có Quyết định số 4880/QĐ-UBND điều chỉnh thời gian thực hiện và hoàn thành Dự án từ năm 2010 đến năm 2026, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 47.890 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông – Vận tải tháng 4/2022, MAUR cho hay, ngoài lý do không đạt được đàm phán với Tư vấn IC, Dự án phải điều chỉnh còn bởi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ban đầu xác định hoàn tất cuối năm 2020, nhưng đến nay chỉ đạt hơn 83%.

Về việc thu xếp tài chính cho Dự án, theo MAUR, sau khi Dự án được phê duyệt điều chỉnh, HĐND TP.HCM ra Nghị quyết cho phép UBND TP.HCM huy động vốn để đầu tư xây dựng theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Tiếp đó, tháng 2/2020, UBND TP.HCM trình Bộ Tài chính thẩm định Hồ sơ vay lại của Dự án. Quá trình thẩm định, giải trình thẩm định kéo dài đến tháng 9/2021, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND TP.HCM cập nhật Hồ sơ vay lại, kế hoạch tài chính theo các điều kiện vay cập nhật của các nhà tài trợ để phù hợp với tiến độ thực tế của Dự án.

Dự án metro số 2 đã ký kết 5 hiệp định vay với 3 nhà tài trợ. Hiện nay, các hiệp định vay đã ký với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đều đã đóng và hết hiệu lực giải ngân.

Riêng đối với 2 hiệp định vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), từ ngày 24/1/2022, UBND TP.HCM đã có Công văn số 260/UBND-DA đề nghị Bộ Tài chính gia hạn thời gian giải ngân đến khi hoàn thành Dự án vào năm 2026 và điều chỉnh lịch trả nợ bắt đầu từ năm 2027. Nhưng tới ngày 4/4/2022, Bộ Tài chính có ý kiến tại Công văn số 3021/BTC-QLN đề nghị UBND TP.HCM trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nội dung thời gian thực hiện Dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 4880/QĐ-UBND ngày 14/11/2019 (Dự án hoàn thành năm 2026), làm cơ sở để Bộ Tài chính gia hạn thời gian giải ngân đối với 2 hiệp định vay đã ký với Ngân hàng KfW.

“Về vấn đề này, UBND TP.HCM cũng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến xác nhận quá trình phê duyệt điều chỉnh Dự án bao gồm thời gian thực hiện Dự án đến năm 2026 đã được phê duyệt năm 2019 là đủ cơ sở pháp lý để Bộ Tài chính xem xét thực hiện trình tự, thủ tục sửa đổi, gia hạn Hiệp định vay đã ký với Ngân hàng KfW…”, UBND TP.HCM cho hay.

Bên cạnh đó, Dự án cần khoản vay bổ sung để bù đắp khoản vay bị thiếu hụt khoảng 131,77 triệu USD được Ngân hàng EIB tài trợ.

Để có cam kết chính thức cho việc tài trợ khoản vay này, Ngân hàng EIB cần nhận được một đề nghị chính thức từ Bộ Tài chính (đại diện Chính phủ Việt Nam). Nội dung này đã được UBND TP.HCM đề xuất Bộ Tài chính từ năm 2020.

Tuy nhiên, tại công văn đề ngày 4/4//2022, Bộ Tài chính cho rằng, nội dung thay đổi cơ cấu nguồn vốn của Ngân hàng EIB so với Ọuyết định của UBND TP.HCM (về điều chỉnh tổng vốn đầu tư, thời gian hoàn thành Dự án tới năm 2026) vẫn chưa có phê duyệt của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nội dung cơ cấu nguồn vốn thay đổi. Việc đề xuất điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn vay ODA sẽ được thực hiện sau khi có Tư vấn CS2B (rà soát lại tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn cho Dự án). Dự kiến, việc điều chỉnh này sẽ hoàn thành trong năm 2024 để phù hợp tình hình thực tế của Dự án tại thời điểm sau khi Tư vấn CS2B đã có kết quả cập nhật thiết kế FEED, dự toán các gói thầu của Dự án.

Để thực hiện hàng loạt vấn đề trên, thời hạn hoàn thành Dự án (năm 2026) theo điều chỉnh của TP.HCM là khó khả thi. MAUR đã báo cáo và UBND TP.HCM đang rà soát để có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép UBND TP.HCM tiến hành thủ tục, phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án với thời gian hoàn thành đưa vào khai thác năm 2030 và 2 năm cho công tác sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành đến năm 2032.