Phải giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn

Giải ngân chậm: Làm rõ do đâu, tại ai?

Có vẻ như yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, vướng ở đâu, cấp nào, do ai, nhà thầu hay cơ quan quản lý… của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến lãnh đạo cả 5 địa phương Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng đều đồng loạt thẳng thắn thừa nhận: “Là do nguyên nhân chủ quan, sẽ cụ thể hóa đến trách nhiệm của từng cá nhân để khắc phục”.

Hơn một lần, điều này đã được nói tới. Báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị cho cuộc họp của Tổ công tác số 5 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng đã khẳng định, có nguyên nhân ở công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự tập trung, quyết liệt, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò của người đứng đầu còn hạn chế…

Song những nguyên nhân từ phía khách quan cũng rất nhiều và không dễ xử lý. Một trong những nguyên nhân hàng đầu mà tất cả các tỉnh đều thống nhất, đó là do giá các loại nguyên vật liệu xây dựng tăng cao so với dự toán, đặc biệt là giá thép, đất, cát…, khiến các đơn vị thi công, nhà thầu có ý chần chừ, chờ đợi được điều chỉnh đơn giá.

“Không chỉ giá cao, mà còn là rất hiếm, không tìm đâu ra đất đá”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói.

Trong khi đó, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, giải ngân chậm còn do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai các dự án mới của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nên trình tự, thủ tục đầu tư mất thời gian.

“Chỉ riêng thủ tục đấu thầu đã 30 ngày. Giải phóng mặt bằng thì vướng đến hai lần, giải phóng mặt bằng cho dự án và mặt bằng cho công tác hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân. Có khi sẽ phải mất 300 ngày để xử lý việc này”, ông Huy nói và “than” rằng, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay còn là do chính sách giá đất có sự chênh lệch quá lớn giữa giá thị trường và giá của Nhà nước.

“Nếu không sớm xử lý vấn đề đơn giá đất để thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thì sẽ rất khó”, ông Huy nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, dự án khởi công mới có khi phải mất 6-8 tháng để làm thủ tục, do vậy chỉ giải ngân được ở những tháng cuối năm.

Nhiệm vụ là phải giải ngân 100% vốn được giao

Số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/4, số vốn giải ngân của 5 địa phương thuộc thẩm quyền rà soát, đốc thúc của Tổ công tác số 5 mới đạt 4.227 tỷ đồng, bằng 15,12% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến hết tháng 5 cũng chỉ đạt trên 5.205 tỷ đồng, bằng 18,62% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này không chỉ thấp so với ước bình quân giải ngân của cả nước (22,37%), mà thấp cả so với cùng kỳ năm 2021.

Sốt ruột với tình trạng giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương này quá chậm, Bộ trưởng  Nguyễn Chí Dũng nói rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Không chỉ là công tác chỉ đạo, điều hành trong thực thi, mà vấn đề còn nằm ở công tác chuẩn bị, thẩm định dự án không tốt, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu…

“Các địa phương vẫn kêu về năng lực nhà thầu còn yếu, năm nào cũng nói như vậy. Yếu kém hay không là do mình chọn. Yếu thì cho nghỉ, thuê người khác”, ông Dương Bá Đức, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) nói và cho rằng, ngay cả khi chưa có hướng dẫn về việc điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng, thì các địa phương cũng cần đốc thúc các chủ đầu tư thực hiện và giải ngân vốn.

Trong khi đó, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên – Môi trường) nói rằng, các địa phương kêu khó về giải phóng mặt bằng, nhưng khó là “do cách làm”.

Như vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. “Giờ không còn vướng gì về luật pháp, chính sách. Vốn trước nói là giao chậm, giao nhiều lần, giờ đã giao hết, giao một lần vào cuối năm trước. Quy trình, thủ tục cũng rõ rồi, Như vậy, chậm giao là do địa phương, chúng ta đã xác định rất rõ trách nhiệm là ở đâu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, phải có giải pháp quyết liệt hơn, đảm bảo giải ngân hết 100% vốn.

Khen ngợi cách làm của Đà Nẵng, là không chỉ điều chuyển vốn, mà còn điều chuyển cả cán bộ, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nói: “Đà Nẵng phải xem xét lại, bởi 4 địa phương đã cam kết giải ngân 100% vốn, chỉ có Đà Nẵng là không”.

Theo Bộ trưởng, để thúc đẩy giải ngân, phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn. “Phải xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể đến từng dự án, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đẩy nhanh giải ngân, nhưng vẫn phải gắn với chất lượng và hiệu quả của dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.