Phó thủ tướng ấn định thời gian gỡ vướng về vốn cao tốc Bến Lức – Long Thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về những vướng mắc, khó khăn của Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành - Ảnh: VGP/Minh Khôi.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về những vướng mắc, khó khăn của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành – Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 78/TB – VPCP ngày 16/3/2023 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc khảo sát và làm việc hôm 13/3 tại các dự án giao thông trọng điểm: đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 – TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành, Phó thủ tướng đánh giá đây là công trình giao thông tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Việc dừng thi công một số gói thầu ảnh hưởng rất lớn đến kết nối giao thông liên vùng, có trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị, cơ quan liên quan.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công trình, Phó thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và VEC khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, bảo đảm cam kết nghĩa vụ trả nợ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC và đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thành việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và có Báo cáo kết quả thẩm định trước ngày 17/3/2023 và hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 38/TB-VPCP ngày 20/2/2023 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 24/3/2023.

Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc giao VEC bố trí vốn đối ứng ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.

Phó thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với VEC làm việc với tư vấn nước ngoài để có giải pháp rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, phấn đấu tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch ban đầu (ngày 30/9/2025). Đồng thời khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định pháp luật hiện hành trước ngày 27/3/2023.

Trong vai trò là chủ đầu tư, VEC phải chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, bố trí vốn đối ứng còn lại, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.

Phó thủ tướng giao VEC hoàn thành chuẩn bị sẵn sàng các nội dung công việc như dự thảo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu để ngay sau khi có các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về chủ trương sử dụng vốn hợp pháp của VEC để thực hiện các hạng mục còn lại của Dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh Dự án thì có thể phát hành ngay hồ sơ mời thầu để trong tháng 4/2023 có thể triển khai được.

VEC cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn nhà nước; trong tháng 3/2023 phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý và trong tháng 5/2023 phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật; cam kết, rút ngắn tiến độ hoàn thành.

UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Long An phối hợp chặt chẽ với VEC và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh, nguồn vật liệu san lấp, bãi đổ thải cho các nhà thầu thi các hạng mục còn lại của Dự án.

Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km, qua các tỉnh: Long An (2,7 km), TP.HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng 03 nguồn vốn: vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vay JICA (11.975,7 tỷ đồng), và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng).

Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính: Đoạn 1 phía Tây (5 gói thầu A1÷A4) sử dụng vốn vay ADB, Đoạn 2 (3 gói thầu J1÷J3) sử dụng vốn vay JICA; Đoạn 3 phía Đông (3 gói thầu A5÷A7) sử dụng vốn vay ADB. Dự án được khởi công từ tháng 7/2014, các đoạn tuyến (ADB phía Tây, JICA, ADB phía Đông) sử dụng các nguồn vốn khác nhau nên không triển khai đồng thời tại cùng thời điểm khởi công.

Dự án khởi công tháng 10/2014, trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến Dự án không được bố trí vốn và không điều chỉnh dự án nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019.

Do thời gian dừng thi công kéo dài, một số nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công khỏi công trường và giá gói thầu cũ không còn phù hợp sau thời gian dài biến động lớn về giá cả nguyên nhiên vật liệu, nhân công nên một số nhà thầu đã đề nghị chấm dứt hợp đồng.

Về Hiệp định vay, trong Dự án hiện chỉ còn Hiệp định vay ADB lần 2 (286 triệu USD) cho các gói thầu đoạn phía Đông có hiệu lực đến ngày 31/12/2023 và Hiệp định vay JICA lần 2 (31,328 tỷ JPY) cho các gói thầu đoạn JICA có hiệu lực đến ngày 17/7/2024. Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp chính (trong đó có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 4 gói thầu chấm dứt hợp đồng đấu thầu lại, các gói còn lại đang thi công)