Quảng Nam: Thiếu đất đắp, dự án giao thông hàng trăm tỷ “đứng bánh”

Mòn mỏi chờ đường tránh lũ

Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1 A, quốc lộ 14H (tuyến ĐH20B theo quy hoạch) có tổng chiều dài hơn 4 km. Dự án do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, quỹ đất huyện làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư là 280 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 168 tỷ đồng; ngân sách huyện Duy Xuyên bố trí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư phần còn lại của dự án.

a
Trên công trình hàng trăm tỷ vắng bóng công nhân thi công.

Đơn vị thi công xây dựng dự án là liên danh Công ty TNHH Thanh Tùng – Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ Minh Khang – Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương (địa chỉ liên danh tại TP.Vinh, Nghệ An).

Dự kiến đến ngày 4/4/2023 là hoàn thành theo hợp đồng thi công xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, công trình chỉ thi công đạt khoảng 55% khối lượng hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) cho hay, số lượng công nhân làm việc trên địa bàn huyện đông nhưng đường quốc lộ 14H còn hẹp do đó việc mở thêm tuyến đường mới người dân rất phấn khởi.

a
Người dân mòn mỏi đợi đường tránh lũ.

Theo chị Nguyễn Thị Thành (xã Duy Trung), đến mùa mưa đoạn qua thị trấn Nam Phước thường bị ngập chia cắt nên việc làm đường tránh lũ là rất cần thiết giúp cho người dân đi lại đảm bảo an toàn.

“Khi thi công dự án bà con rất phấn khởi, hy vọng con đường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng đã 3 mùa lũ trôi qua con đường vẫn còn dang dở”, bà Thành ngao ngán nói.

Chậm do thiếu vật liệu

Tại hiện trường, 2 cây cầu Tây An 1 và Tây An 2 cơ bản hoàn thiện, còn cả tuyến đường trông nham nhở, chưa hoàn thành việc đắp đất san nền và một số hạng mục khác theo thiết kế.

Đại diện Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất huyện Duy Xuyên cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện Duy Xuyên không còn mỏ đất nào hoạt động nên không tìm ra nguồn đất đắp để phục vụ công trình.

a
Đến nay, dự án chỉ mới hoàn thành 55% khối lượng sau 3 năm thi công.

“Việc thiếu đất như hiện nay là khó khăn chung của toàn tỉnh chứ không riêng gì huyện Duy Xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công các dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng. Hiện trên địa bàn huyện có 2 mỏ đất ở xã Duy Trung và Duy Sơn đang làm thủ tục. Hy vọng 2 mỏ được cấp phép sớm để lấy đất đắp cho các công trình”, đại diện Ban quản lý thông tin.

Liên quan đến vấn đề chậm tiến độ của dự án, đại diện Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất huyện Duy Xuyên cho rằng, đây là trường hợp bất khả kháng nên khó quy trách nhiệm cho đơn vị thi công.

Theo Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất huyện Duy Xuyên, UBND huyện đã ban hành công văn cho phép gia hạn thêm thời gian đến ngày 31/12/2023 để thi công hoàn thành công trình đường tránh lũ.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, đến nay đã hết thời hạn thi công nhưng các hạng mục trên toàn tuyến chỉ mới triển khai thi công hoàn thành cơ bản khối lượng cầu Tây An 1, cầu Tây An 2, khối lượng một phần đắp đất nền đường K95 đoạn cuối tuyến, một số cống thoát nước trên tuyến.

“Phần lớn chưa được thực hiện, nguyên nhân chính được cho là do thiếu nguyên liệu (đất, cát) để phục vụ đắp nền đường K95, xử lý nền đất yếu công trình.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình đường tránh lũ cũng như một số dự án, hạng mục phụ trợ để kết hợp phát triển thị trấn Nam Phước, theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký kết, UBND huyện Duy Xuyên đề nghị liên danh các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường tránh lũ”, ông Đức nói.

Về nguồn nguyên liệu đất phục vụ xây dựng công trình, UBND huyện Duy Xuyên đề nghị nhà thầu khẩn trương chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Duy Trung để trình UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác mỏ đất tại xã Duy Trung theo đúng quy định.

UBND huyện Duy Xuyên giao Ban Quản lý dự án – quỹ đất huyện theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị thi công cam kết triển khai thi công các công trình đảm bảo theo tiến độ hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định.