Quảng Ninh gỡ vướng mắc gây “nghẽn” giải ngân vốn đầu tư công – Bài 1: Hai tháng để giải ngân thêm 40% vốn

Bài 1: Hai tháng để giải ngân thêm 40% vốn

Theo kế hoạch, đến hết ngày 30/9, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh sẽ phải đạt tỷ lệ 80% liệu có khả thi?

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh, tính đến hết ngày 30/7, nếu loại trừ số vốn chưa phân khai chi tiết (595,815 tỷ đồng) và nguồn vốn ODA dự án thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Hạ Long (328,4 tỷ đồng), thì Quảng Ninh mới giải ngân được 6.289/15.598 tỷ đồng, đạt gần 40,4% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 43,3%). Mức giải ngân này chỉ tăng thêm được 2,7% so với hết tháng 6/2022 (37,7%).

Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương đã giải ngân được 138,3/892 tỷ đồng, đạt 15,5% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 19,8%), nếu tính giảm 328,4 tỷ đồng nguồn vốn ODA dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long, thì tỷ lệ giải ngân đạt 24,5%.  

Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh đã giải ngân được 3.302/7.960 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 đạt 49,3% KH). Còn với nguồn vốn ngân sách huyện thì cũng mới giải ngân được 2.857/7.074 tỷ đồng đạt 40,4% kế hoạch và có cao hơn so với cùng kỳ.

Các Dự án giao thông dùng ngân sách nhà nước thường có tổng mức đầu tư lớn, nên nếu tiến độ giải ngâm chậm sẽ ảnh hưởng lớn tới tổng nguốn vốn giải ngân được.
Các dự án giao thông dùng ngân sách nhà nước thường có tổng mức đầu tư lớn, nên nếu tiến độ giải ngâm chậm sẽ ảnh hưởng lớn tới tổng nguốn vốn giải ngân được. Ảnh: Đỗ Phương

Trong đó có một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Ba Chẽ (78,3%); Cô Tô (65%); Tiên Yên (tỷ lệ 61,2%); Vân Đồn (59,9%); Đông Triều (59,8%); Quảng Yên (59,6%). Tuy nhiên, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân còn thấp: (1) Hạ Long (18,8%); (2) Móng Cái (29,2%); (3) Hải Hà (39%); (4) Đầm Hà (46,8%)… Thành phố Hạ Long với tổng kế hoạch vốn là 3.237 tỷ đồng (chiếm 44,7% tổng kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện, chiếm 19,6% tổng số vốn đầu tư công kế hoạch toàn tỉnh), có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong số các địa phương của tỉnh, chỉ đạt  19,2%, làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh.

Theo ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, dù kết quả này, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đã đạt 56,1%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (ước đạt 31,5%), song vẫn chưa đạt mục tiêu giải ngân theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra từ đầu năm là đến 30/6 – đạt 50%.

Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) giai đoạn 2, do Ban Quản lý KKT Quảng Ninh làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Thái Cảnh.
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) giai đoạn 2, do Ban Quản lý KKT Quảng Ninh làm chủ đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Thái Cảnh.

Với mức độ tăng thêm được 2,7 % sau 1 tháng như tháng 7 vừa qua, thì mục tiêu đến ngày 30/9 đạt được 80% có thể là bất khả thi. Như năm 2021, tính đến hết tháng 10, tổng kế hoạch chi đầu tư mới là hơn 17.200 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 62% kế hoạch. Trong khí đó, năm nay, cùng kỳ 7 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết, Sở đã đánh giá về tiến độ giải ngân của tỉnh trong vòng 6 năm qua (2017-2022), tức là quãng giữa nhiệm kỳ trước và đầu nhiệm kỳ hiện tại thì chưa năm nào tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt được 50% kế hoạch tỉnh giao. Duy chỉ có năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh lại đạt được mức cao nhất – nhưng cũng chỉ là 44%.

Có thể thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm đã có sự lặp đi lặp lại. Dòng vốn thường được giải ngân nhanh chỉ trong khoảng thời gian cuối quý III và trong quý IV.