Quảng Ninh ra “tối hậu thư” cho các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công

Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 tính đến hết ngày 5/5/2023 của Quảng Ninh là 14.233 tỷ đồng. Trong đó, đã phân khai chi tiết là 13.954 tỷ đồng; giải ngân được 2.118/13.954 tỷ đồng, đạt 15,2% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (là 18,4%), tương đương tỷ lệ bình quân của cả nước. 

Trong đó, ngân sách Trung ương giải ngân 350/584 tỷ đồng, đạt 60% (cao hơn so với cùng kỳ – đạt 11,4%); ngân sách tỉnh giải ngân 629/6.199 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch; ngân sách huyện, xã giải ngân 1.139/7.170 tỷ đồng, đạt 15,9%. 

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 15,2% này vẫn chưa đạt như kỳ vọng đề ra, ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. 

Thi công tuyến đường 342 qua địa bàn huyện Ba Chẽ
Thi công tuyến đường 342 qua địa bàn huyện Ba Chẽ.

Trong số 50 dự án chuyển tiếp sang năm 2023, với tổng kế hoạch vốn đã bố trí là gần 5.246,9 tỷđồng thì có một số dự án trọng điểm, có số vốn kế hoạch lớn nhưng giải ngân rất chậm.

Trong đó, dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) – Tiểu dự án 2 (phần xây dựng) đã được bố trí gần 1.855,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án mới giải ngân được hơn 360,6 tỷ đồng (phần ngân sách tỉnh giải ngân đạt 0,9% kế hoạch). Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ đã bố trí 400 tỷ đồng, thì mới giải ngân được hơn 57,6 tỷ đồng, đạt 14,4% kế hoạch.

Tiến độ triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới còn chậm so với chỉ đạo thực hiện. Đến nay, 9 dự án cấp tỉnh dự kiến khởi công mới đã bố trí vốn từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công được. 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh chưa được như kỳ vọng là do một số nguyên nhân chính như: giá xây dựng, giá nguyên nhiên vật liệu biến động rất nhiều so với thời điểm ký hợp đồng, gây nguy cơ thua lỗ, không có lợi nhuận. Hoặc do thiếu hụt nguồn đất đắp, vị trí đổ thải. Tình trạng này xảy ra từ năm 2022 và đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Một nguyên nhân khác nữa là do việc triển khai công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư của các sở, ngành, UBND các địa phương và các chủ đầu tư còn chậm; công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng của một số địa phương thuộc tỉnh (Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn…) chưa quyết liệt.

Đơn vị nhà thầu thi công Dự án tuyến đường nối từ cầu Vân Đồn 3 đến khu tái định cư xã Đoàn Kết.
Đơn vị nhà thầu thi công dự án tuyến đường nối từ cầu Vân Đồn 3 đến khu tái định cư xã Đoàn Kết.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã ra “tối hậu thư” với UBND các địa phương, yêu cầu phân khai dứt điểm nguồn vốn hơn 434,6 tỷ đồng trước ngày 15/5/2023. Nếu các địa phương tiếp tục để tình trạng phân khai chậm phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. 

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Ban quản lý dự án, các sở, ngành và UBND các địa phương có liên quan đang tập trung hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các dự án trọng điểm, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023-2025.

Các dự án này gồm: cải tạo nâng cấp đường 342 đoạn Hạ Long, tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến KCN Bắc Tiền Phong (giai đoạn 1), tuyến đường nối từ quốc lộ 279 (xã Tân Dân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), mở tuyến luồng thủy nội địa từ cảng Cái Rồng đi các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn…

Quảng Ninh đang tập trung nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, đảm bảo mục tiêu đến ngày 30/9/2023 đạt tối thiểu 80% và phấn đấu đến ngày 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí dự toán đầu năm.