Quảng Trị: Tiềm năng hội tụ, rộng cửa thu hút đầu tư

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị – hạt nhân phát triển công nghiệp

Chia sẻ câu chuyện thu hút đầu tư, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tỉnh coi trọng đầu tư xây dựng phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp.

Trong đó, tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm như Nhà máy điện khí Quảng Trị 340 MW của Gazprom International, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng 1.500 MW giai đoạn I, Khu công nghiệp Quảng Trị của Liên doanh VSIP – Amata – Sumotomo.

Các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Trị

1. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy với tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng.
2. Dự án Kho xăng dầu Việt Lào, diện tích mặt đất sử dụng 17,93 ha; tổng vốn đầu tư 1.120,621 tỷ đồng.
3. Dự án Khu bến cảng CFG Nam Cửa Việt, diện tích mặt đất sử dụng 169.043 m2, trong đó 3 cầu cảng (bến cập tàu) 7.020 m2, công trình hạ tầng sau bến 162.023 m2; tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng.
4. Dự án Kho cảng xăng dầu Hải Hà – Quảng Trị, diện tích mặt đất sử dụng 3,14 ha; tổng vốn đầu tư 268 tỷ đồng.
5. Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, tổng vốn đầu tư 55.093,80 tỷ đồng.
6. Dự án Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim, diện tích đất dự kiến sử dụng 31,19 ha; tổng vốn đầu tư 1.598,6 tỷ đồng.
7. Dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, diện tích 4,564 ha; số tiền ký quỹ đã nộp là 4,95 tỷ đồng.

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/10/2016 với tổng diện tích 23.792 ha, bao gồm 17 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị kết nối với tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây dài 1.450 km (bắt đầu từ Myanmar, Thái Lan, Lào đến Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo) và là cửa ngõ hướng ra biển Đông qua cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy. Đây là điểm đến thu hút các nhà đầu tư điện khí, cơ khí, bất động sản, may mặc… tìm về đầu tư.

Từ năm 2023, khi các dự án giao thông hoàn thành và khởi công như cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Vạn Ninh – Cam Lộ, cảng Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt, sân bay Quảng Trị, cùng với tuyến đường sắt Bắc – Nam, Quốc lộ 9 hiện hữu, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có thêm động lực để cất cánh.

Ông Trần Quang Trung, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, một số lĩnh vực chiến lược thu hút đầu tư và quỹ đất quy hoạch tương ứng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao gồm: Khu phức hợp năng lượng (tiếp nhận, xử lý khí, nhà máy điện khí LNG và công nghiệp xử lý các sản phẩm khí); Khu hậu cần cảng biển, phi thuế quan; Khu nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia; Khu công nghiệp đa ngành; Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái và cây xanh, dịch vụ thể dục thể thao; Khu đô thị sinh thái; Tiềm năng về các mỏ khí ngoài khơi.

Theo ông Trung, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có diện tích rất rộng (23.792 ha), chủ yếu là đất chưa sử dụng. Bên cạnh đó, cây cối, vật kiến trúc có giá trị thấp, thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Lợi thế của khu kinh tế này là có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông kết nối, nằm giữa khu dân cư đông, có lượng lao động dồi dào của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh.

UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo đẩy nhanh quá trình đầu tư các dự án trọng điểm như cảng biển Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt, Cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây và các công trình giao thông của tỉnh kết nối với hệ thống giao thông quốc gia. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, phải đầu tư cảng Mỹ Thủy đón được tàu trên 100.000 tấn.

Lực hút đầu tư từ những giá trị khác biệt

Ngoài Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh này còn hàng loạt khu công nghiệp như Khu công nghiệp Quảng Trị tại huyện Hải Lăng, Khu công nghiệp Quán Ngang tại huyện Gio Linh, Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá tại huyện Vĩnh Linh và Khu công nghiệp Nam Đông Hà tại TP. Đông Hà, Khu công nghiệp Triệu Phú tại huyện Triệu Phong.

Những năm gần đây, Quảng Trị là điểm đến yêu thích của nhiều nhà đầu tư mảng dịch vụ, may mặc, năng lượng. Hàng loạt dự án điện gió cũng đã được đầu tư, đưa địa phương này trở thành trung tâm năng lượng mới của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (tính từ năm 2021 đến nay)

1. Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I (1.500 MW), tổng vốn đầu tư 53.667,77 tỷ đồng.
2. Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng, diện tích đất 97,4 ha.
3. Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Triệu Phú tổng vốn đầu tư 4.533,61 tỷ đồng.
4. Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, diện tích 214,77 ha, tổng vốn đầu tư 925 tỷ đồng.
5. Dự án Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao, diện tích đất dự kiến 18,5 ha, tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng,
6. Dự án Khu Dịch vụ – Du lịch Gio Hải, diện tích mặt đất sử dụng 21,92 ha, tổng vốn đầu tư 4.470,65 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Hưng cho biết, Quảng Trị sẽ tập trung kêu gọi các dự án có quy mô phù hợp với đặc thù, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch và hệ thống truyền tải giải tỏa các công suất nhà máy điện gió tại khu vực huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông.

So với các địa phương khác trong khu vực, Quảng Trị kém lợi thế hơn, nhưng để thu hút được sự quan tâm và đồng ý rót vốn của doanh nghiệp, tỉnh đã chủ động lắng nghe, tháo gỡ khó khăn của nhà đầu tư.

Cũng từ đó, phân khúc bất động sản công nghiệp của địa phương này được hưởng lợi. Tỉnh đã thu hút được không ít nhà phát triển bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp, trở thành “ngôi sao đang lên” của khu vực miền Trung. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục là ngôi sao sáng của Quảng Trị nói riêng và toàn quốc nói chung.

Việc đảo Cồn Cỏ bắt đầu đón khách, cùng với việc sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Cửa Việt, Cửa Tùng là tiền đề để Quảng Trị thu hút các nhà đầu tư quan tâm các dự án nghỉ dưỡng, khu du lịch, khách sạn, sân golf sang trọng đẳng cấp; thu hút lượng du khách lớn từ các nước Lào, Thái Lan đi theo tuyến hành lang Đông Tây đến nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn 542,65 tỷ đồng. Một số dự án đáng chú ý như: Trang trại nuôi heo công nghệ cao quy mô 2.500 heo nái của Công ty cổ phần Đầu tư trang trại Tuấn Lộc với tổng vốn đầu tư 72,05 tỷ đồng; Nhà máy Chế biến lúa, gạo hữu cơ Quảng Trị với mức đầu tư 80 tỷ đồng; Trang trại chăn nuôi công nghệ cao khép kín Vĩnh Hà với tổng mức đầu tư 66,1 tỷ đồng…

Ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 595 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn 241.479,68 tỷ đồng. Trong đó, 576 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 121.733,37 tỷ đồng; 405 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng mức đầu tư 73.047,44 tỷ đồng; 171 dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng mức đầu tư 48.685,93 tỷ đồng.

Cụ thể, tại khu vực ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, có 221 dự án đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 39.036,54 tỷ đồng, 184 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 34.010,9 tỷ đồng. Đối với khu vực trong khu công nghiệp, khu kinh tế, có 108 dự án đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 9.271,74 tỷ đồng, 63 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 39.414,19 tỷ đồng.

Các dự án đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư

1. Dự án Khu cảng cạn VSICO, Khu cảng cạn Vsico tại Khu mở rộng Cụm cửa khẩu Lao Bảo thuộc Khu kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo với quy mô khoảng 8,59 ha.

2. Dự án Khu liên hợp sản xuất công nghiệp kính CFG Quảng Trị

3. Dự án Khu liên hợp gang thép Quảng Trị diện tích 463,5 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 47.810 tỷ đồng.

4. Dự án Trung tâm công nghiệp khí và cảng chuyên dụng BBG, diện tích đất dự kiến 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 115.500 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).

5. Khu công nghiệp sinh thái – Capella Quảng Trị, diện tích khoảng 450,02 ha, tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng.