Quy hoạch phải mở đường thắng lợi

Như vậy, tính đến thời điểm này, Thanh Hóa trở thành tỉnh thứ năm qua giai đoạn thẩm định, bước vào giai đoạn hoàn tất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với 4 tỉnh khác là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang và Lào Cai đã hoàn thành trước đó.

Thành phố Thanh Hóa

Trong kế hoạch làm việc của Hội đồng, hiện có 19 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc lập quy hoạch đăng ký thẩm định. Đó là Đà Nẵng, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang.

Con số này đang tiếp tục tăng nhanh theo nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ, khối lượng công việc mà Luật Quy hoạch đặt ra.

Tất nhiên, phải thẳng thắn, so với tổng số 111 quy hoạch cần được lập theo quy định của Luật Quy hoạch (trong đó, 42 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh) và 7 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt (gồm Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông – vận tải, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang), thì phần việc còn lại vô cùng lớn.

Các thành viên Hội đồng Thẩm định rất nóng ruột, không chỉ về tiến độ, mà còn là chất lượng của các bản quy hoạch.

Dù bỏ phiếu thông qua Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, nhưng các thành viên Hội đồng đều gắn với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung. Lý do là, cũng như nhiều địa phương khác, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa chứa đựng nhiều mục tiêu cao, tham vọng lớn với ý chí, quyết tâm chính trị rõ ràng của chính quyền và nhân dân, nhưng lại chưa xác định rõ nét động lực thực thi, ưu tiên phát triển để phân bổ nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, dấu ấn của tư duy thị trường, tính liên kết trong phát triển chưa được thể hiện rõ.

Chia sẻ tại cuộc làm việc của Hội đồng với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói, công tác quy hoạch được ví như là người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi; nếu làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017 với tinh thần như vậy: hướng tới đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, mà cốt lõi chính là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới cho đất nước, từng ngành, địa phương.

Chính vì vậy, cách tiếp cận trong quy hoạch phát triển địa phương, một mặt là từ tiềm năng của địa phương để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác tốt hơn các cơ hội hiện có, hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện; mặt khác, phải tiếp cận từ khát vọng phát triển, từ các xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu, nhằm chủ động tạo cơ hội mới, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, từ thế giới cho phát triển địa phương.

Có thể hiểu, câu trả lời cho những câu hỏi mà các địa phương thường đặt ra mỗi khi bước vào một thời kỳ phát triển mới, đó là có phát triển nhanh và bền vững hay không; có tận dụng được hết các tiềm năng, lợi thế không; có vượt qua được các thách thức không; có tranh thủ được các mô hình hay, kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới không… phụ thuộc rất lớn vào tư duy, tầm nhìn và chất lượng của từng bản quy hoạch.

Nhưng sự thay đổi lớn về nội dung quy hoạch tất yếu dẫn đến những thay đổi lớn về tư duy, phương pháp lập quy hoạch, chứ không đơn thuần chỉ là một quy trình hoặc kỹ thuật mới. Vậy nên, những lúng túng, chậm trễ, chưa nhận thức đầy đủ các khái niệm, tư duy mới; còn ngần ngại, thiếu chủ động, chưa dám thay đổi cách làm trong giai đoạn vừa qua là tất yếu. Cũng còn có những vướng mắc do hệ thống quy định chưa theo kịp.

Nhiều giải pháp trước mắt, trong đó có những giải pháp cấp bách, mang tính đặc thù đã được đề xuất, sẽ được bàn thảo trong nghị trình Quốc hội tuần này. Việc xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện công tác quy hoạch cũng đã được đề cập. Cùng với đó là việc rà soát để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật đã có trong kế hoạch dài hơi hơn…

Nhưng phải nhấn mạnh, sự chậm trễ này không thể kéo dài hơn, vì nhiều cơ hội, nguồn lực để phục hồi và phát triển của đất nước đang chờ người mở đường. Không có quy hoạch, thì có tiền cũng khó có thể tiêu được…