Tạo động lực phát triển miền Trung – Tây Nguyên

Bình Định là một trong những địa phương đi đầu tại miền Trung trong chiến lược đầu tư hạ tầng, tạo sức bật cho phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Dũ

Gỡ điểm nghẽn về hạ tầng

Tại khu vực “khúc ruột miền Trung”, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, gây ảnh hưởng lớn tới liên kết vùng. Mối quan hệ giữa các tỉnh duyên hải miền Trung không thể tách rời các tỉnh Tây Nguyên. Tây Nguyên chính là hậu phương vững chắc cho vùng đồng bằng duyên hải, còn vùng duyên hải là cánh cửa để Tây Nguyên vươn ra thế giới.

Kinh tế các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên sẽ vươn lên mạnh mẽ khi hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng. Nhưng hiện nay các địa phương trong vùng chưa phát huy tốt vai trò của cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa khu vực.

Tiếp giáp phía Đông Tây Nguyên, vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng thành vùng kinh tế tổng hợp, đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, cửa ngõ giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không của Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển vùng, một trong những giải pháp quan trọng là liên kết, tập trung đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng giao thông nội vùng cũng như liên vùng.

Hệ thống giao thông đường bộ hiện nay ở Tây Nguyên đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Tây Nguyên chỉ có duy nhất Quốc lộ 14 kết nối hầu hết các tỉnh trong khu vực với một số địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải miền Trung. Hiện tuyến đường này đã quá tải. Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk vừa nhỏ hẹp lại thường xuyên hư hỏng, phương tiện đi lại khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Quốc lộ 19 nối Gia Lai với Bình Định xây dựng đã lâu, lại nhiều đèo dốc. Quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk có quy mô hiện trạng là đường cấp IV miền núi thì đang xuống cấp…

Do đó, ở tầm trung và dài hạn, vấn đề đẩy mạnh đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông giữa khu vực Tây Nguyên với các khu vực lân cận, nhất là các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đang được đặt ra hết sức cấp thiết.

Trong xu thế hội nhập hiện đại, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm thực hiện quy hoạch đầu tư cho Tây Nguyên những tuyến đường bộ cao tốc, kết nối với các cảng biển để Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi trong xuất, nhập khẩu bằng đường biển.

“Không chỉ kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, các tuyến đường bộ cao tốc còn vươn ra kết nối với thế giới thông qua hệ thống cảng biển và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông giữa Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, trong đó có việc xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cần thiết và cấp bách”, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.

Điều kiện cần và đủ

Thực hiện chiến lược kết nối để phát triển với Tây Nguyên, lãnh đạo tỉnh Phú Yên qua các thời kỳ đã triển khai xây dựng một số tuyến giao thông huyết mạch. Đơn cử, tuyến Quốc lộ 19C nối 3 tỉnh Bình Định – Phú Yên – Đắk Lắk, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội không chỉ của tỉnh Phú Yên, mà còn của nhiều địa phương lân cận.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng tuyến cao tốc dài 220 km kết nối cảng biển Vũng Rô, Cảng hàng không Tuy Hòa, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và kết thúc tại cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê (tỉnh Đắk Lắk).

“Đây là tuyến giao thông quan trọng đi qua một vùng đất đai rộng lớn có nhiều tiềm năng, nằm trong Tam giác phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ Việt Nam. Một tuyến đường quan trọng khác đang được đầu tư, nâng cấp là tuyến Quốc lộ 25 nối từ Quốc lộ 1A đi qua các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên đến thị trấn Chư Sê của tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Tây Nguyên xuống các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ ra các cảng biển”, ông Lê Tấn Hổ nói.

Với vai trò là thủ phủ của Tây Nguyên, Đắk Lắk cũng tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh trong vùng và duyên hải miền Trung. Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiều tuyến đường cao tốc như Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa; Buôn Ma Thuột – Liên Khương và Buôn Ma Thuột – Phú Yên; đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hóa từ Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên, Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam nói chung thông qua các cảng biển như Cam Ranh, Bắc Vân Phong, Nam Vân Phong, Vũng Rô…

Giám đốc quỹ đất Tập đoàn Đất Xanh miền Trung, ông Trần Ngọc Thái chia sẻ, trong yếu tố hạ tầng, 2 công trình được nhà đầu tư đánh giá quan trọng nhất là tuyến cao tốc và tuyến đường ven biển. Khi trục cao tốc được kết nối giữa các địa phương, sẽ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng sẽ rất cao., là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư.

Phát triển trong bối cảnh mới

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định) có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải… Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ và cả nước.

Toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600 km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Chính phủ, các chuyên gia cũng như lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung cho rằng, bước đầu, việc phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đạt được kết quả đáng kể; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%/năm giai đoạn đến năm 2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016-2020. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng/năm, gấp 1,2 lần bình quân đầu người của cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng lên 45%; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng lên 43%; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống 12%. Tăng mức đóng góp thu ngân sách của vùng cho cả nước lên 7,5% vào năm 2020… Các địa phương duy trì được mức tăng trưởng bình quân cao có Ðà Nẵng (12,05%/năm), Quảng Nam (11,58%/năm), Quảng Ngãi (11,19%/năm)…

Tại Tọa đàm Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới, tổ chức ở Quảng Nam mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận xét, phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Vùng đã có nhiều thay đổi; tư duy về phát triển Vùng có nhiều đổi mới; kinh tế của Vùng đã có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục, nhất là trong giai đoạn 2010 – 2019; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực… Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần có đột phá để đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương.

Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH

Hạ tầng giao thông phải luôn đi trước một bước.

– Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định

Muốn tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư thì hạ tầng giao thông phải luôn đi trước một bước. Với quyết tâm đó, địa phương đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo đó, Bình Định tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng hướng biển để khai thác các tiềm năng, lợi thế vượt trội ở khu vực biển nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Hình thành các khu kinh tế ven biển mang tính đột phá.

– Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Từ lợi thế vốn có, những năm qua tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam đã phát huy vai trò động lực, kết nối và thúc đẩy sự phát triển, nhất là hình thành các khu kinh tế ven biển mang tính đột phá, đóng góp vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Yếu tố tiên quyết để đầu tư vào địa phương là hạ tầng.

– Ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc quỹ đất Tập đoàn Đất Xanh miền Trung

Điều kiện tiên quyết trong lựa chọn địa phương để đầu tư dự án bất động sản của Tập đoàn Đất Xanh miền Trung chính là hạ tầng và định hướng phát triển hạ tầng của địa phương. Đây là yếu tố đầu tiên để đánh giá về địa phương chiến lược, từ đó nhà đầu tư nhìn nhận và xuống tiền cho dự án của mình. Tất nhiên, mỗi địa phương sẽ có mắt xích riêng và Đất Xanh miền Trung sẽ chọn một mắt xích chiến lược cho mình.

Môi trường đầu tư và hạ tầng tốt hấp dẫn nhà đầu tư.

– TS. Andreas Hirschfelder, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kurz (CHLB Đức)

Sau khi khảo sát hơn 10 tỉnh, thành phố và 20 khu công nghiệp tại Việt Nam, Kurz đã quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex VISIP Bình Định vì những yếu tố về môi trường đầu tư, môi trường xanh, hạ tầng giao thông, khả năng ứng dụng công nghệ và sự nhiệt tình của người Bình Định. Môi trường đầu tư và hạ tầng tốt là yếu tố quyết định để nhà đầu tư đến với địa phương.