Tạo nguồn lực phát triển đường cao tốc

Việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.

Nếu không có gì thay đổi, vào giữa tuần này, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ phải có ý kiến chính thức gửi Bộ Tài chính về các nội dung tại dự thảo hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế giá.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước có thể khởi động việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tiến độ xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản pháp lý này là rất gấp, bởi chỉ còn khoảng 7 tháng nữa là 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ hoàn thành. Nếu không có sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong vòng 3 tháng tới, thì đến ngày 1/1/2023 sẽ có tới 8 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư phải “thả rông”, gây lãng phí lớn.

Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2020 đã hoàn thành 1.163 km với số vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 70.000 tỷ đồng; nhu cầu các nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng, tương đương 80.000 tỷ đồng/năm, trong khi mỗi năm, Chính phủ chỉ có thể cân đối tối đa khoảng 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khi các công trình đường cao tốc được đưa vào khai thác, cần duy trì nguồn kinh phí hàng năm đủ và kịp thời cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì.

Dự kiến đến năm 2025, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì trong giai đoạn 2021 – 2025 là 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm. Như vậy, nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư xây dựng mới và quản lý vận hành, bảo trì các tuyến đường cao tốc trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, việc tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.

Kinh nghiệm của một số nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… cho thấy, mạng lưới đường bộ cao tốc đều được tổ chức thu hồi vốn để có nguồn cho việc quản lý, vận hành, bảo trì và tái đầu tư. Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư nhà nước đối với các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm tạo nguồn thu, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong quản lý, vận hành, bảo trì và đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn tới. Việc này còn tạo sự công bằng, hợp lý với tuyến cao tốc đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Để chủ trương trên phát huy tối đa hiệu quả, ngay từ bây giờ, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương xây dựng các phương án để thu hồi vốn đầu tư, trong đó tập trung vào việc đấu giá quyền thu phí; đầu tư công, quản trị tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với thời gian nhượng quyền 5 – 10 năm, qua đó lựa chọn được phương án hiệu quả.

Không chỉ giúp Nhà nước có ngay một khoản kinh phí lớn để tái đầu tư, việc đấu thầu quyền thu phí các tuyến cao tốc này – nếu thực hiện một cách công khai, minh bạch – còn giúp điều hòa, phân bố lại giao thông tại các khu vực, tránh gây quá tải, dẫn tới hư hỏng công trình. Nếu mức thu hợp lý, tổ chức thu minh bạch, nhất định người dân sẽ ủng hộ chủ trương quan trọng này, qua đó sớm cụ thể hóa khát vọng hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.