Thách thức kinh tế 2023 ngày càng rõ nét

Kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm tới. Ảnh: Đức Thanh

Thách thức ngày càng sắc nét

Cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại. Nhu cầu bên ngoài yếu đi ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tiêu dùng hậu Covid-19 dường như cũng phục hồi chậm lại. Điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới…

Đó là những khuyến cáo mới nhất, vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2022, có thể cũng sẽ là một trong những nội dung tham luận của WB tại Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, diễn ra vào ngày mai (17/12), do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ chủ trì. Lý do là, cho tới thời điểm này, những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đối mặt trong năm tới đã khá rõ nét.

Trao đổi trước thềm Diễn đàn, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng nhắc tới sự chững lại của kinh tế Việt Nam sau quý III/2022, sự giảm sút của Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đang quanh mốc 47-48%, trong khi dưới 50% là dấu hiệu suy thoái trong sản xuất.

“Chúng tôi sẽ làm phân tích chi tiết trong đầu năm sau và trong tháng 4 sẽ đưa ra những triển vọng phát triển châu Á với những số liệu cập nhật cho Việt Nam vào năm 2023, khả năng Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm tới, nhưng sẽ thấp hơn năm nay do những rủi ro toàn cầu”, ông Andrew Jeffries chia sẻ và dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,3% trong năm 2023.

Một cách hình ảnh, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào ví những thách thức đó như 3 “cơn gió ngược” với nền kinh tế Việt Nam.

Một là, điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn.

Hai là, xung đột Nga – Ukraine.

Ba là, sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ở trong nước, ông Francois Painchaud nhận thấy 2 rủi ro với Việt Nam. Đó là lạm phát sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn; thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay.

“Vì sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ kéo dài, nên dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm tới. Đây cũng vẫn là mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia”, ông Francois Painchaud nhận định.

Mục tiêu vượt qua thách thức

Chọn chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” cho Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương có những kiến giải rất rõ.

Năm 2022 sắp qua đi, với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến hết sức phức tạp, cả suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều vấn đề mang tính nội tại, chưa được giải quyết của Việt Nam.

“Những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn, rồi thanh khoản của các tổ chức tín dụng; khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế còn thấp… đặt ra những nhiệm vụ rất lớn, khó khăn cho chúng ta trong năm 2023. Mà năm 2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, cũng như việc thực hiện các đường lối, quan điểm phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, nên cần rút ra được bài học kinh nghiệm, nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội trong phát triển”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm.

Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm; bảo đảm thanh khoản, ổn định và an toàn hệ thống tài chính và an ninh, tiền tệ quốc gia, an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường và khả năng chống chịu của nền kinh tế… vẫn là mục tiêu của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cụ thể hơn, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam cần xác định rằng, với một nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, nguồn vốn quốc tế sẽ dần trở nên kém quan trọng hơn và nguồn vốn nội địa sẽ dần trở thành động lực chính cho tăng trưởng.

Nhưng để huy động nguồn tài chính quốc tế, bà Ramla Khalidi cho rằng, với nguồn tài chính công, Việt Nam cần tăng cường củng cố hệ thống tài chính trong nước và cải cách các thể chế chính sách tài chính để trở nên đáng tin cậy đối với người cho vay và nhà đầu tư khu vực công quốc tế. Với nguồn tài chính tư nhân quốc tế, các cơ hội đầu tư cần vừa có lợi nhuận, vừa rõ ràng và có thể dự đoán được.

“Chẳng hạn, Chính phủ Việt Nam có thể đầu tư trước vào các dự án hạ tầng thiết yếu, đảm bảo hạ tầng này sẵn sàng để đón dòng vốn đầu tư. Đồng thời, cũng cần đảm bảo môi trường pháp lý an toàn, nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân quốc tế”, bà Ramla Khalidi khuyến nghị.

Ngày mai (17/12), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” sẽ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Minh Khái, Phó thủ tướng và ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì.

Diễn đàn tập hợp ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế để phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế, tồn tại của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022, từ đó đề xuất các định hướng, khuyến nghị các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.