Thái Bình mở rộng không gian phát triển hướng biển

Tỉnh Thái Bình sẽ nghiên cứu các phương án lấn biển để mở rộng không gian phát triển. Trong ảnh: Đại lộ Kỳ Đồng TP. Thái Bình.

Lấn biển để tạo phát triển đột phá

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình hồi tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Thái Bình là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong những năm gần đây, diện mạo tỉnh Thái Bình đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, khang trang, hạ tầng có bước phát triển mới, thu hút đầu tư hiệu quả hơn…

Tuy nhiên, tỉnh cũng có những tồn tại, hạn chế như kinh tế – xã hội chưa có sự phát triển đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, với bề dày lịch sử văn hóa “quê lúa, đất nghề, chị Hai 5 tấn”; chưa giải quyết được nút thắt về phát triển hạ tầng chiến lược như giao thông, y tế, giáo dục, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; chưa khai thác hết hiệu quả trên đất và lực lượng lao động dồi dào.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính định hướng cho tỉnh là nghiên cứu các phương án lấn biển gắn liền với phát triển Khu kinh tế Thái Bình, nhưng cần đánh giá tác động đối với môi trường để tìm ra phương án phù hợp.

Tại Hội thảo tham vấn Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra đầu tuần này, phương án lấn biển của tỉnh Thái Bình đã dần lộ hình hài. Theo UBND tỉnh Thái Bình, ý tưởng quy hoạch trên vùng biển Thái Bình là một định hướng lớn, vừa được bổ sung vào bản Dự thảo Quy hoạch, nhằm tạo sự phát triển mạnh mẽ và đột phá trong thời gian tới.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình dự kiến quy hoạch Khu đô thị cảng biển – cảng hàng không quốc tế và du lịch tổng hợp Thái Bình nằm tại khu vực cửa biển thuộc huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải. Đây là khu vực có diện tích nghiên cứu quy hoạch lên tới 51.000 ha, nằm cận kề với Khu kinh tế Thái Bình.

Khu đô thị này sẽ có 3 phân khu chức năng, bao gồm cảng biển, sân bay, đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, triển lãm, bảo tồn thiên nhiên, kết hợp với du lịch sinh thái, bến du thuyền, công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác như khu kinh tế, điện gió, điện khí… Tỉnh kỳ vọng, đây sẽ là khu đô thị sinh thái kiểu mẫu hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thái Bình cũng nêu ý tưởng quy hoạch chi tiết khu vực phía Bắc Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ. Tỉnh dự kiến khu vực nghiên cứu khoảng 298 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng là khu đô thị ở sinh thái, khu ở sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp và khu thương mại, dịch vụ, du lịch giải trí.

Thực chất, vấn đề này cũng đã được tỉnh Thái Bình đề cập trong bản dự thảo quy hoạch trước đó. Theo phương án phát triển không gian biển, tỉnh đã định hướng phân bổ không gian biển gồm khu đô thị trên biển, bên cạnh các vùng cảng và vận tải biển, vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, vùng bảo tồn thiên nhiên, vùng khai thác điện gió, vùng du lịch sinh thái…

Cần lộ trình chặt chẽ

Lấn biển là một giải pháp để mở rộng quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đã được thực hiện ở nhiều quốc gia cũng như một số địa phương của Việt Nam. Tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 7/6/2022 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ lưu ý UBND tỉnh phải đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái, hiệu quả và tầm nhìn xa trong việc xây dựng phương án lấn biển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý UBND tỉnh Thái Bình phải đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái, hiệu quả và tầm nhìn xa trong việc xây dựng phương án lấn biển.

Đây cũng là cơ sở để cùng với đề xuất của các địa phương khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất phương án tổng thể xác định các khu vực được phép lấn biển trên phạm vi cả nước.

Dù đồng tình với việc lấn biển, nhưng PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam băn khoăn với diện tích lấn biển mà tỉnh Thái Bình đang nghiên cứu. “Tôi nghĩ, chưa nhất thiết phải lấn biển nhiều như thế, nếu để tự nhiên bồi đắp và lấn dần thì được”, ông Hồi nói.

Theo vị chuyên gia này, việc lấn biển cần nhìn vào cấp vùng, chứ không chỉ nhìn vào một địa điểm, bởi hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng tới cả một vùng rộng lớn. “Chúng tôi chỉ lưu ý để cân nhắc, nếu thực hiện thì phải có lộ trình chặt chẽ”, ông Hồi nêu quan điểm.

Góp ý thêm từ góc độ giao thông, TS. Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông – Vận tải) cho rằng, kinh tế biển của Thái Bình đang có dư địa phát triển rất lớn, nhất là trong phát triển logistics.

“Thái Bình đang thiếu một hệ thống cảng cạn, là cánh tay nối dài của hệ thống cảng biển, cần luận giải và có số liệu để phát triển hệ thống cảng cạn, giảm chi phí logistics”, ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, Thái Bình nằm trên hành lang kinh tế ven biển, nhưng 2 tuyến cao tốc không đi qua TP. Thái Bình, như vậy kết nối giao thông với quốc gia là chưa có. Do đó, cần kết nối giao thông để khơi thông nguồn lực.

Về quan điểm phát triển, ông Chung cho rằng, Thái Bình phải gắn kết với kinh tế biển và tuyến hành lang ven biển. Phải phân tích quy hoạch kết nối với tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, cần bao nhiêu cầu, đường… Như vậy, Thái Bình mới hội nhập vào kinh tế vùng, kinh tế cả nước một cách triệt để.

Đối với các khu đô thị du lịch đẳng cấp, phải phát triển các bến du thuyền, để kết nối với du lịch tỉnh Quảng Ninh. Về hàng không, cần lưu ý bên cạnh Thái Bình có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), nên có thể cân nhắc loại hình thủy phi cơ để phù hợp với phát triển du lịch.