Thêm tuyến cao tốc vùng lõi Đồng bằng sông Cửu Long

Ảnh minh họa

Phân kỳ đầu tư

Sự khẩn trương là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 6004/BGTVT-KHĐT vừa được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) gửi Văn phòng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn I. Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trên cơ sở nội dung Tờ trình số 5239/TTr-BGTVT ngày 26/5/2022.

Được biết, các nội dung về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tại Tờ trình số 5239/TTr-BGTVT đã được Bộ GTVT tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định liên ngành hôm 29/4/2022.

Theo đề xuất mới nhất, Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè (Tiền Giang), với tổng chiều dài 27,43 km.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tại Quy hoạch Mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đoạn cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh có quy mô 4 làn xe.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục, bảo đảm tốc độ khai thác 80 km/h, toàn bộ các yếu tố hình học, kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc với tốc độ thiết kế 100 km/h; giải phóng mặt bằng ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt.

Với quy mô nói trên, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 5.886 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 4.016 tỷ đồng. Bộ GTVT dự kiến chuẩn bị Dự án năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành công trình năm 2026.

Tuyến trục ngang quan trọng

Đoạn cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh khi hoàn thành, sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang từ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) về cảng Định An (Trà Vinh).

Với lý do trên,  Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Bên cạnh đó, Dự án cũng nằm trong danh mục của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội đã được Chính phủ báo cáo và được Quốc hội thông qua. Do vậy, Bộ GTVT đề xuất Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù tại khoản 1, khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15 và thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các dự án thuộc Chương trình.

Cũng tại Tờ trình số 5239/TTr-BGTVT, Bộ GTVT kiến nghị phân chia Dự án thành các dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 – Km16+000) với chiều dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 (Km16+000 – Km27+430) với chiều dài khoảng 11,43 km thuộc 2 tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng.

“Đối với các dự án thành phần được Thủ tướng phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư, Bộ GTVT là bộ quản lý chuyên ngành sẽ giao cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở; đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời là cơ quan chủ trì tổng hợp trình điều chỉnh chủ trương đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.