Thống nhất phương án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ

Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Trong ảnh: Khu đô thị Nam Cần Thơ. Ảnh: Anh Khoa

Ngày 17/5, Văn phòng UBND TP. Cần Thơ đã có Văn bản số 139/TB-VPUB thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè tại buổi họp làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đi qua địa phận TP. Cần Thơ.

Theo đó, tại cuộc họp làm việc vào ngày 12/5/2022 với Ban Quản lý dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đi qua địa phận TP. Cần Thơ, sau khi nghe Ban Quản lý dự án đường sắt, Sở Giao thông vận tải báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè kết luận:

Đề nghị tư vấn thuyết minh thêm về sự cần thiết đầu tư của dự án cần nói rõ TP. Cần Thơ là một đầu giao thông quan trọng của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là rất cần thiết, cần sớm triển khai đầu tư xây dựng trước năm 2030 để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đường sắt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng, phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với TP.HCM và đi các khu vực khác trên cả nước,…

Về phương án tuyến trên địa bàn TP. Cần Thơ, thống nhất phương án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ, hướng tuyến trùng với trục đường 1A (theo quy hoạch TP. Cần Thơ) và đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, phù hợp và cơ bản bám theo hướng tuyến theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021) và Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ (Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2013); đối với đoạn cuối tuyến tại vị trí nhà ga Cái Răng, thống nhất theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điều chỉnh cục bộ hướng tuyến so với quy hoạch chi tiết, do điều chỉnh vị trí ga Cái Răng để đảm bảo kết nối đồng bộ với dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Thống nhất phương án mở rộng trục đường 1A lộ giới 47m ra mỗi bên khoảng 23m đạt lộ giới 93m (23m+47m+23m), để xây dựng đường cao tốc và đường sắt trong phạm vi giữa đường rộng 47m và đường gom đô thị hai bên rộng 23m. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng mở rộng trục đường 1A đạt lộ giới 93m và các trục đường bộ kết nối ra – vào nhà ga để đưa vào tổng mức đầu tư dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, nhằm đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành khai thác đồng bộ cùng với tuyến đường sắt.

Về các thông số kỹ thuật chính của dự án, thống nhất về khổ đường, số đường chính tuyến, tốc độ thiết kế… theo quy mô kỹ thuật đường sắt tốc độ cao.

Về vị trí và chức năng ga Cái Răng trên địa bàn TP. Cần Thơ, thống nhất theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điều chỉnh vị trí ga Cái Răng so với quy hoạch chi tiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2013, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa đường sắt và đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Vị trí ga được bố trí song song về phía Bắc của Tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu (cách khoảng 0,5 km), về phía Tây Nam của Cảng Cái Cui (cách khoảng 3,5 km) và về phía Tây của nút giao IC2 thuộc dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (cách khoảng 1,5 km). Diện tích ga dự kiến là 26,1 ha với chức năng là ga đón trả khách cuối tuyến, có các tác nghiệp xếp dỡ hàng hóa,… đáp ứng quy mô hoàn chỉnh theo chức năng nhà ga cuối hành khách, hàng hóa.

UBND TP. Cần Thơ đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt xem xét điều chỉnh tên “ga Cái Răng” thành tên “ga Cần Thơ” để phù hợp theo ý nghĩa là ga cuối trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Tại Văn bản nêu trên, UBND TP. Cần Thơ giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận Cái Răng nghiên cứu bố trí quy hoạch quỹ đất để phát triển mô hình TOD xung quanh phạm vi của nhà ga nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng khối lượng hàng hóa và hành khách cho đường sắt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án về quy mô và vị trí đối với các khu quỹ đất dự kiến phát triển TOD và phát triển logistics xung quanh phạm vi của nhà ga đảm bảo phù hợp, đồng bộ và làm cơ sở để cập nhật, tích hợp vào các quy hoạch của TP. Cần Thơ.

Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch các trục đường bộ kết nối ra – vào nhà ga, các bãi hang của nhà ga, các khu đất phát triển TOD và logistics xung quanh nhà ga để cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và cập nhật, tích hợp vào các quy hoạch của TP. Cần Thơ làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành khai thác đồng bộ cùng với tuyến đường sắt.