Thu hút FDI bắt nhịp xu hướng phục hồi

Từ đầu năm, Samsung đã 3 lần tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Đầu tư mới tiếp tục giảm, nhưng vốn giải ngân đạt kỷ lục

Thông tin về vốn FDI đăng ký mới trong 10 tháng 2022 tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý, khi trên diễn đàn Quốc hội những ngày này, các báo cáo của cả Chính phủ lẫn cơ quan thẩm tra của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế) đều bày tỏ nỗi lo về việc vốn FDI đăng ký mới sụt giảm.

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, tổng vốn FDI đăng ký trong 3 quý đầu năm giảm 15,3% so với cùng kỳ, trong đó vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57% và điều này cho thấy, Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Vốn FDI đăng ký giảm sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, khả năng thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Có chung nỗi lo với Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tình hình, chỉ ra nguyên nhân và giải pháp. “Việc sụt giảm vốn FDI đăng ký có thể ảnh hưởng đến số vốn FDI giải ngân trong tương lai và do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ.

Nhưng nỗi lo này đã phần nào được giải tỏa khi số liệu thống kê mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, tình hình đã được cải thiện. Tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỷ USD, chỉ còn giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, điểm đặc biệt là, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa – chính trị toàn cầu, song cũng đang dần được cải thiện.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 10 tháng qua, đã có 1.570 dự án đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,93 tỷ USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ sau 1 tháng, tốc độ giảm đã được cải thiện đáng kể, nhỏ hơn so với mức giảm 43% của 9 tháng và các mức giảm tương đối lớn trong các tháng đầu năm. Hơn thế, số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng hơn so với các tháng đầu năm.

Có hai lý do được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra để lý giải cho sự sụt giảm của vốn đăng ký mới.

Thứ nhất, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.

Thứ hai, thị trường toàn cầu đang đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa – chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và do đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Trên thực tế, đầu tư mới sụt giảm không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là xu hướng toàn cầu. Theo số liệu của FDI Markets, trong nửa đầu năm 2022, các dự án cấp mới trên toàn cầu đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói và bày tỏ tin tưởng rằng, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang lạc quan hơn rất nhiều so với trước khi có dịch Covid-19.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 10 tháng, giải ngân vốn FDI đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo dự báo, cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.

Hơn thế, mặc dù vốn đăng ký mới giảm, nhưng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần và vốn điều chỉnh vẫn tăng. 10 tháng, vốn tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ; còn góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Khẳng định vị thế

Ít ngày trước đây, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann đã tới thăm Việt Nam. Trong các cuộc làm việc và đặc biệt là trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông đã đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là việc thu hút FDI. Theo ông, các công ty khối OECD đang có xu hướng tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, theo ông Mark Ridley, Tổng giám đốc Điều hành Savills Global, người vừa có chuyến thăm chính thức Việt Nam, thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất vào năm 2023. Mức tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam, theo Savills, là trái ngược hẳn với diễn biến kinh tế của các quốc gia khác ở châu Á.

“Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới hơn bao giờ hết. Mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 sẽ ở mức 2,5% và các thị trường như Anh và châu Âu dự báo sẽ suy thoái trong 2 quý tiếp theo. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tăng trưởng như bây giờ”, ông Ridley nói.

Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý III/2022 của EuroCham cũng cho thấy điều tương tự. Mặc dù BCI quý III đã giảm xuống còn 62,2 điểm, nhưng vẫn có tới 42% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết, họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm nay. Trong khi đó, chỉ khoảng 2% người được hỏi cho biết, họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam và điều đó có nghĩa, dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn.

“Tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn”, ông Alain Cany nói và cho biết, Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới và sẽ chứng tỏ được vị thế của mình là một trong các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất.

Các đánh giá là tích cực, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường đầu tư toàn cầu. Song một cách rất rõ ràng, sự sụt giảm của dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam vẫn đáng lo. Nhất là khi các báo cáo về dòng đầu tư toàn cầu cho biết, các chính sách nới lỏng tài chính và các gói kích thích tại mỗi quốc gia đang là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI toàn cầu. Các khoản đầu tư lớn, trên 1 tỷ USD đang gia tăng. Đầu tư của một số ngành, như vận tải, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính… đang bùng nổ mạnh mẽ. Việt Nam thực sự chưa tận dụng được một cách tốt nhất để đón dòng vốn đang dịch chuyển.

Theo kết quả khảo sát của EuroCham, Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%) và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài (39%).

“Khi những trở ngại trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc”, báo cáo của EuroCham nhận định như vậy.

Liên quan đến vấn đề này, trong một báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng.

Chẳng hạn, ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

“Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Một dấu ấn quan trọng của dòng vốn FDI trong 10 tháng qua là vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo đó, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 14,2%, cao hơn mức tăng 13,4% trong 9 tháng. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân đạt hơn 9,9 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với con số 9,1 triệu USD/lượt điều chỉnh của cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 tháng qua, có nhiều dự án quy mô lớn đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 2 lần 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…