Thực hiện hài hòa hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát

Lựa chọn mục tiêu

Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng xuất phát từ nhiều điểm.

Sau 2 năm tăng trưởng chưa bằng một nửa tốc độ tăng những năm trước đó, thì việc tăng trưởng cao là cần thiết.

Mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030 ở mức khá cao, trong khi năm 2021 đã xuống mức quá thấp.

Tốc độ tăng là quan trọng, nhưng mức tăng tuyệt đối còn quan trọng hơn. Tốc độ tăng (số tương đối) năm nay cao do số gốc so sánh nhỏ, nên mức tăng tuyệt đối của năm nay lại thấp, đòi hỏi tốc độ tăng phải cao hơn.

Trong không ít người, khi thấy tốc độ tăng GDP 6 tháng đạt khá, với nhiều dự báo sẽ đạt mục tiêu, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, thỏa mãn hoặc cho đó là tăng nóng, nên e ngại.

Chọn lạm phát thấp được quan tâm bởi nhiều yếu tố.

Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cao dẫn đến đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vàng, ngoại tệ…

CPI làm mất giá đồng tiền, làm giảm lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Mức sống thực tế bị “bào mòn” trong hơn 2 năm đại dịch; nay sẽ tiếp tục gặp khó khăn nếu CPI tăng cao.

Từ năm 2014 đến 2021, lạm phát đã được kiểm soát theo mục tiêu. Trong 7 tháng năm 2022, CPI tăng thấp, chủ yếu do mức tiêu dùng cuối cùng thấp (tuy tốc độ tăng cao, nhưng gốc so sánh ở mức thấp, nên mức tăng thấp), tổng cầu còn yếu so với tổng cung. Có dự báo, CPI năm 2022 cao hơn mục tiêu, do nhu cầu cao lên, do nhập khẩu lạm phát tăng, do tỷ giá VND/USD tăng (sau 7 tháng đã tăng 2,14%, dự báo cả năm sẽ tăng trên 3%).

Thực hiện hài hòa

Nội dung thực hiện hài hòa có một số điểm đáng lưu ý.

Nội dung quan trọng nhất là “liều lượng” của giải pháp thực hiện 2 mục tiêu phải hài hòa.

Đối với tăng trưởng, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP mấy năm trước đạt 33%; trong 6 tháng, tỷ lệ này mới đạt 29,6%. Dư địa về vốn đầu tư còn khá rộng. Cần thực hiện hết kế hoạch cả năm vốn đầu tư từ nguồn ngân sách (sau 7 tháng mới đạt 43,4%). Nguyên nhân chủ yếu do giá vật liệu xây dựng quá cao. Do vậy, cần rà soát nguyên nhân để khắc phục kịp thời, nếu thực hiện vốn thấp thì kiên quyết điều chuyển.

Trong 2 năm trước, tín dụng tăng tương ứng 12,17% và 13,6%, nếu năm nay với mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn gấp đôi, mà tín dụng chỉ định hướng 14% thì thấp, nên có thể đưa lên 16-18%. Gói cấp bù lãi suất 2% thực hiện rất chậm. Tiêu dùng cuối cùng đã tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (6 tháng là 6,06% so với 6,42%). Điều quan trọng là tâm lý tiết kiệm, “thắt lưng, buộc bụng” hình thành trong đại dịch Covid-19 còn lớn. Do vậy, cần tiếp tục kích cầu bằng nhiều biện pháp, có thể cân nhắc việc giảm tiếp thuế suất giá trị gia tăng, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu…

Mặc dù 7 tháng vẫn còn xuất siêu (1,08 tỷ USD), nhưng đã giảm mạnh so với 6 năm trước; trong khi nhập siêu về dịch vụ rất lớn và có xu hướng tăng. Nhập siêu sẽ hạn chế tăng trưởng sản xuất ở trong nước. Để xuất siêu, phải tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu gia công, lắp ráp, kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng nhập lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là tình trạng nhờ các doanh nghiệp Việt Nam “xuất khẩu hộ, tiêu thụ giùm”. Phải tính đến tỷ giá VND/USD theo hướng giảm giá VND, vừa để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, vừa ứng phó với sức ép tăng giá USD trên thế giới. Nhưng sau 7 tháng đã tăng 2,14%, nếu tăng cao hơn 3,5% sẽ tác động đến lạm phát…

Đối với lạm phát, CPI bình quân 7 tháng mới tăng 2,54%, trong khi tổng cầu còn yếu. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP còn thấp so với dự toán năm và so với cùng kỳ năm trước. Bội chi ngân sách khá cao (250.800 tỷ đồng). Mặc dù còn có ý kiến khác nhau, nhưng đây là kết quả chưa từng có trong nhiều năm qua, là yếu tố góp phần làm cho CPI 7 tháng còn ở mức thấp. Tổng mức bán lẻ tăng, một phần do giá tăng, đặc biệt là giá giao thông, giá dịch vụ ăn uống…