“Thúc” vốn đầu tư công: Không giải ngân được sẽ điều chuyển, không thể lãng phí

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn năm đại dịch

Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, chiều 3/8, Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia (xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia trong những tháng còn lại của năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/7/2022 đạt 186.848,16 tỷ đồng, đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (36,71%). 

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng tiến độ giải ngân đầu tư công, bao gồm các khó khăn đặc thù của năm 2022 khi nhiều dự án mới cần thời gian hoàn tất thủ tục hay giá nguyên, nhiên vật liệu biến động bất thường và cả các vướng mắc đã tồn tại từ lâu.

Tình hình dịch bệnh đã tốt hơn, khung pháp lý cải tiến hơn cùng hàng loạt văn bản cuộc họp đôn đốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt dấu hỏi khi  tỷ lệ hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công thấp hơn năm gặp khó khăn vì đại dịch, cũng như việc có những bộ ngành địa phương đã vượt trên 50% kế hoạch nhưng cũng nhiều nơi chỉ đạt 10-20%. Đồng thời, , người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần thẳng thắn, tìm ra phương cách “cứu chữa”, không nên né tránh.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính “sốt ruột” khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp 

Công tác chuẩn bị đầu tư sớm để khi được nhận vốn có thể triển khai ngay là một trong các lý do mà nhiều tỉnh thành làm tốt công tác giải ngân đầu tư công như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Tiền Giang nhắc đến nhiều nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết công tác chuẩn bị đầu tư đã được tỉnh chủ động làm sớm vì xác định cần nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục. Nhiều tỉnh thành cũng đã chuẩn bị từ giữa năm 2021. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị thông báo sớm kế hoạch đầu tư năm 2023 để chuẩn bị tốt cho dự án năm tới.

Cùng đó, nhiều tỉnh cũng đã chủ động chuyển vốn từ dự án có khối lượng hoàn thành thấp sang dự án có khối lượng hoàn thành cao. Về công tác vốn, kinh nghiệm của tỉnh Tiền Giang nhiều năm nay là chấp thuận ứng vốn cho chủ đầu tư từ quỹ phát triển đất cho công tác giải phóng mặt bằng và hoàn trả ngay khi được giải ngân vốn để có thể chủ động trong giải phóng mặt bằng.

Bài học không đầu tư dàn trải mà trọng tâm trọng điểm là điều được nhiều tỉnh thành đạt được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhắc đến. Tại Quảng Ninh – tỉnh thành đã giải ngân được 56,1% số vốn được Chính phủ giao, số lượng dự án mới giảm 8 lần khi cả năm chỉ thực hiện 62 dự án, gồm 12 dự án mới và 50 dự án chuyển tiếp.

Là một trong các bộ ngành có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá tốt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, cơ quan này đã thực hiện giải ngân được 45,5% vốn đã phân bổ. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đến từ việc mỗi dự án đều được xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân trong một năm, phân công cho các Thứ trưởng và có sự kiểm tra, rà soát tiến độ hàng tuần, hàng tháng. Cùng đó, các dự án được chọn tư vấn tốt cũng giúp tránh phát sinh phải điều chỉnh kéo dài tiến độ dự án. Bộ cũng đi thực tế công trường, cương quyết với nhà thầu trong trường hợp chậm tiến độ.  Vấn đề nguyên vật liệu gặp khó khăn giai đoạn 1 nhưng hiện ở giai đoạn 2 Bộ đã điều tra kỹ để không gặp khó. Tại cuộc họp này, người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải còn đề nghị tổ chức cuộc họp Chính phủ để Đồng Tháp, An Giang hỗ trợ về vật liệu cát đối với các tỉnh triển khai dự án.

Đối với các bộ ngành địa phương chỉ mới hoàn thành với tỷ lệ thấp, nguyên nhân chậm giải ngân vốn cũng được nêu nhiều. Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cong mới là 15%. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết thành phố có độ mở kinh tế lớn nên các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà thầu thi công cầm chừng do sợ chi phí nguyên vật liệu. Ngoài ra, tại nhiều dự án, còn một số vướng mắc liên quan đến thủ tục, trong đó một số dự án chuyển tiếp đang điều chỉnh chủ trương đầu tư. Về giải pháp cho thời gian tới đây, lãnh đạo thành phố cũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác ODA, tổ công tác các dự án được giao vốn lớn; tổ công tác bồi thường, tái định cư để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, ông Châu cũng cho biết TP HCM sẽ linh hoạt điều hành kế hoạch vốn, rà soát tiến độ, điều hoà vốn linh hoạt để tăng tỷ lệ giải ngân.

Chỉ đạo đầu tư công phải trách nhiệm hơn, không giải ngân được sẽ điều chuyển vốn, không thể lãng phí

Lắng nghe ý kiến trao đổi giữa các bộ ngành địa phương, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Dù “sốt ruột” vì giải ngân đầu tư công “vẫn trầm luân”, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần nhìn nhận khách quan, bình tĩnh lại để chỉ đạo phù hợp với tình hình.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại rằng tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng cũng thường dao động trong khoảng 35-45% trong năm năm qua. Đồng thời, số vốn đầu tư công năm 2022 cao gấp đôi hồi năm 2016 và cũng cao hơn110.000 tỷ đồng so với năm 2021. Công việc vì vậy cũng lớn hơn nhiều so với các năm trước đây.

Theo Thủ tướng, việc lãnh đạo chỉ đạo cần thay đổi để phù hợp tình hình. Ngoài vốn đầu tư trung hạn, còn vốn cho phục hồi, lượng tiền chi tiêu đưa ra sẽ rất lớn và càng cần những người đứng đầu quyết tâm cao, hành động quyết liệt, chỉ đạo bao quát, hiệu quả.

Chỉ ra 5 giải pháp thúc đầu tư công thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương cần đề cao vai trò lãnh đạo cơ quan, có trách nhiệm lớn hơn với việc chỉ đạo đầu tư công. Cùng đó, các bộ ngành, địa phương tự rà soát điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, cái gì chưa được, cái gì cần điều chỉnh thì báo cáo, nhưng phải đảm bảo chính xác, tuân thủ pháp luật, tránh tham nhũng tiêu cực

Thứ ba, các bộ ngành trung ương, chủ tịch UBND tỉnh rà soát lại quy định thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương. Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền có thể điều chỉnh trong thông tư thì cần chủ động sửa, vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất sớm để sửa, các vấn đề cần sửa luật thì tập hợp lại và cập nhật vào các luật đang sửa như Luật Đất đai. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tập hợp các  đề xuất sửa đổi để cập nhật vào các nội dung đang sửa, phù hợp với tình hình hiện nay.

Giải pháp điều chuyển vốn cũng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc điều chuyển vốn từ địa phương nay sang địa phương khác. Các bộ và địa phương tự điều chỉnh trong nội bộ, đảm bảo tính kỷ luật. Nếu không giải ngân được phải điều chuyển, không thể lãng phí. Cùng đó, các kinh nghiệm, biện pháp từ địa phương làm tốt cần được cầu thị, học hỏi từ các các khâu chuẩn bị, sẫn sàng nguyên vật liệu, thanh tra, giám sát…