Thương vụ đấu giá quyền thuê hạ tầng cảng An Thới (Phú Quốc): Sắp kết thúc đàm phán hợp đồng

Dự kiến lễ ký kết Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới sẽ diễn ra vào cuối tháng 10/2022

Kết quả tích cực

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có Công văn số 3653/CHHVN-KCTHHH báo cáo Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) tình hình thực hiện việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới. Cụ thể, kết quả đấu giá để lựa chọn doanh nghiệp thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển này được đánh giá là rất tích cực.

Tại Thông báo số 414/TB-KGAP ngày 8/8/2022 về việc mời tham gia đấu giá tài sản của Công ty Đấu giá Hợp danh Kiên Giang, tên tài sản đem ra đấu giá là “Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”. Danh mục tài sản cho thuê quyền khai thác gồm 17 loại, trong đó có bến 3.000 WT; đường nội bộ cảng, bãi đỗ nhà xe, bãi chứa hàng, nhà ga, kho hàng hóa, xưởng cơ khí; bến truyền tải, nhà thường trực…

Thời hạn cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới là từ quý IV/2022 đến năm 2063 (41 năm 3 tháng). Giá khởi điểm để đấu giá là khoảng 195 tỷ đồng, được xác định bởi 2 khoản: giá thu cố định trị giá 160 tỷ đồng (giá trị còn lại của tài sản; chi phí phục vụ quản lý, khai thác tài sản hàng năm của bên cho thuê; chi phí lập đề án, tổ chức đấu giá) và giá thu biến đổi trị giá 35 tỷ đồng dựa trên doanh thu lợi nhuận khai thác của bên nhận thuê.

Đến thời điểm tổ chức đấu giá (9h ngày 26/8/2022), đơn vị tổ chức đấu giá nhận được hồ sơ tham gia đấu giá của 2 liên danh là: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Namaste – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn; Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc – Công ty Mặt Trời Hạ Long. Theo đó, đơn vị trúng đấu giá là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, với giá trúng đấu giá là 951,996 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần giá khởi điểm.

Căn cứ Đề án Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới, đối với giá thu cố định, đơn vị trúng đấu giá sẽ phải thanh toán 4 đợt, mỗi đợt 25% giá thu cố định của năm đó theo hợp đồng và nộp chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu mỗi quý.

Đối với giá thu biến đổi, chậm nhất vào ngày 30/6 năm kế tiếp, căn cứ doanh thu thực tế khai thác tài sản cho thuê trong năm đó theo kết quả kiểm toán của kiểm toán độc lập, Cục Hàng hải Việt Nam và đơn vị trúng đầu giá sẽ xác định chính thức giá thu biến đổi của năm trước. Chậm nhất 7 ngày sau khi xác định giá thu biến đổi của năm trước, đơn vị trúng đầu giá nộp toàn bộ giá thu biến đổi của năm trước vào tài khoản của Cục Hàng hải Việt Nam.

Sắp kết thúc đàm phán

Ông Nguyễn Đình Việt, quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam và Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn đã tiến hành thương thảo Hợp đồng cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới vào ngày 27/9/2022. Về cơ bản, hai bên đã nhất trí với nội dung của dự thảo Hợp đồng, chỉ duy nhất nội dung về giá cho thuê chưa thống nhất được. Chi tiết vấn đề này không được hai bên tiết lộ.

Ngày 18/10/2022, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi bản dự thảo Hợp đồng và đề nghị Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn nghiên cứu, cho ý kiến lần cuối trước khi hai bên tiến hành ký kết Hợp đồng (dự kiến vào cuối tháng 10/2022).

Tại văn bản này, Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ, việc xác định giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới phải tuân thủ quy định của pháp luật, Quy chế tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới. Các đề xuất về giá cho thuê không tuân thủ các quy định nêu trên đều được coi là không phù hợp.

“Sau khi hoàn thành việc thương thảo Hợp đồng với Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Namaste – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phê duyệt kết quả trúng đấu giá, ký kết Hợp đồng, bàn giao tài sản thuê và thực hiện các công việc có liên quan khác”, ông Việt cho biết.

Trước đó, tháng 1/2014, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải Sài Gòn – Công ty cổ phần Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Liên danh TRANACO – HPI) thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới với thời gian thuê từ năm 2014 đến năm 2043.

Hai nhà đầu tư này đã lập Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới để thực hiện hợp đồng với Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, do một số nguyên nhân từ bên thuê, Cục Hàng hải Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng vào ngày 1/1/2021.

“Việc sớm cho thuê kết cấu hạ tầng cảng An Thới không chỉ giúp tài sản đã được đầu tư tại cảng biển này được quản lý, vận hành tốt hơn, mà còn giúp mở ra một hướng xã hội hóa đầu tư hạ tầng cho nhiều cảng biển khác trong phạm vi toàn quốc”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.

Cảng An Thới là cảng biển do Nhà nước đầu tư, tổng chi phí 128 tỷ đồng, công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 lượt hành khách/năm. Tại thời điểm công trình được đưa vào khai thác (năm 2012), đây là cảng đầu mối (cảng chính) và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000 DWT.