Tìm lối ra cho dự án PPP giao thông

Thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45   

Phần tham gia của Nhà nước thấp, dự án khó khả thi

Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) vẫn đang được tích cực chuẩn bị các thủ tục cần thiết để có thể sớm khởi công xây dựng. Hiện nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 4/2023.

Dự án dự kiến được xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, tổng mức đầu tư hơn 25.980 tỷ đồng, song sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phương án mới sẽ là xây dựng 4 làn đường đầy đủ (gồm 4 làn cao tốc và 2 làn dừng xe khẩn cấp) trong giai đoạn I.

Nhưng đầu tư theo phương án mới, khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp về phương án đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tổng mức đầu tư sẽ lên tới 29.986 tỷ đồng.

Cái khó nằm ở chỗ, với phương án này, nếu giữ nguyên phần tham gia của Nhà nước là 9.900 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 5.900 tỷ đồng, thì nhà đầu tư (liên danh Techcombank – Vingroup) phải thu xếp vốn lên tới hơn 20.086 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67%.

Tại cuộc họp đó, sau khi nghe đại diện nhà đầu tư dứt khoát chỉ có thể thu xếp 16.000 tỷ đồng như phương án đầu tư ban đầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tìm nguồn hỗ trợ thích hợp cho phần đội vốn (khoảng 4.000 tỷ đồng) của Dự án.

Khi xem xét phương án đầu tư dự án này, cũng như Dự án cao tốc CT.08 đoạn Nam Định – Thái Bình, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng quan tâm là liệu phần tham gia của Nhà nước có vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án hay không. Bởi vậy, Bộ trưởng luôn nhấn mạnh, cần rà soát lại tổng mức đầu tư dự án. “Bớt được đồng nào, thì sẽ bớt được áp lực đến phần tham gia của Nhà nước chừng ấy”, Bộ trưởng nói.

Phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP là điều khiến các địa phương luôn lo lắng. Sự hạn hẹp về ngân sách khiến các tỉnh luôn lo sẽ “lực bất tòng tâm” trong triển khai xây dựng các dự án giao thông, thường có tổng mức đầu tư lớn. Khó khăn về ngân sách là một chuyện, chuyện khác, các địa phương còn lo là, ngay cả khi Nhà nước đã hỗ trợ như vậy, cũng không dễ thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Không phải nhà đầu tư nào cũng như Geleximco, sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận đầu tư từ mức 13,37% còn 11,77% khi tham gia đầu tư Dự án cao tốc CT.08, đoạn Nam Định – Thái Bình. Dự án này dự kiến có tổng vốn đầu tư 18.081 tỷ đồng, trong đó Geleximco tham gia góp vốn 9.500 tỷ đồng, chiếm 50,5% tổng mức đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có một số dự án đường bộ đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội tại vùng, miền còn khó khăn, có yếu tố an ninh – quốc phòng. Các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao, nên cần có sự tham gia vốn của Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng đúng quy định tỷ lệ tham gia của Nhà nước không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án (khoản 2, Điều 69, Luật PPP), sẽ “khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP”.

Nâng tỷ lệ “vốn mồi”

Những khó khăn trên chính là lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thiết có quy định đặc thù, thí điểm quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP.

Cụ thể, trừ dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án còn lại trên địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh – quốc phòng “được xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 65% tổng mức đầu tư dự án”.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP về bản chất là mang tính hỗ trợ dự án, là “vốn mồi” nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án. Luật PPP cũng đã có quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Hơn nữa, trên thực tế, theo các quyết định phê duyệt đầu tư 3 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đều trên 50% tổng mức đầu tư. Chẳng hạn, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có vốn nhà nước chiếm 60,6%; Nha Trang – Cam Lâm có vốn nhà nước chiếm 66,4%; còn Cam Lâm – Vĩnh Hảo là 68%.

“Để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn 50% tổng mức đầu tư dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Đề xuất này chính là một phần nội dung của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các luật để đầu tư xây dựng đường bộ. Vì tính cấp bách của vấn đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thậm chí còn kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết thí điểm theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Theo kế hoạch, Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới.

Liên quan đến đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi thảo luận tại Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, nên tách phần chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án. Nếu vậy, phần tham gia của Nhà nước trong dự án PPP vẫn giữ nguyên tỷ lệ không quá 50%. Còn nếu vẫn gộp, thì nâng tỷ lệ lên 65%.

Thực tế hiện nay, ngay cả với các dự án đầu tư công, các địa phương cũng đề xuất tách phần giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án.

Ngoài kiến nghị nâng tỷ lệ “vốn mồi” lên 65%, để tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 2 chính sách quan trọng liên quan đến việc giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc và giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đi qua địa bàn hai tỉnh (dự án liên kết vùng).

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND cấp tỉnh cân đối được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình. Với trường hợp còn lại, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND cấp tỉnh có tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn làm cơ quan chủ quản đối với các dự án có các công trình cầu, hầm hoặc nút giao nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa hai tỉnh.