Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – Bài 1: Giật mình doanh nghiệp FDI lỗ “khủng”

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thực tế là không phải dự án nào cũng đầu tư, kinh doanh hiệu quả và đóng góp tích cực cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Bởi vậy, bài toán hiện nay là làm sao lựa chọn được dự án tốt và tối ưu hóa được lợi ích dòng vốn quý giá này.

Shopee còn được YouGov công bố đứng trong top 3 Thương hiệu tốt nhất Việt Nam năm 2021, nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ. Ảnh: Lê Toàn

Bài 1: Giật mình doanh nghiệp FDI lỗ “khủng”

Con số 16.164 doanh nghiệp FDI có số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, với tổng trị giá lỗ lũy kế trên 623.337 tỷ đồng (tính đến hết năm 2020) không khỏi khiến dư luận bất ngờ.

Ông lớn du lịch lao đao

Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (mã cổ phiếu RIC) là một trong hiếm hoi các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (HoSE). Chỉ tiếc rằng, cổ phiếu RIC vẫn đang bị kiểm soát đặc biệt và có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do Hoàng Gia liên tục thua lỗ lớn.

Theo báo cáo tài chính vừa được HĐQT Hoàng Gia gửi tới các cổ đông, năm 2021, Công ty lỗ trước thuế tới 4,48 triệu USD (tương đương hơn 102 tỷ đồng). Như vậy, Hoàng Gia đã có năm thứ 3 liên tiếp kinh doanh thua lỗ, thậm chí năm 2022 cũng tiếp tục thua lỗ. Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, Hoàng Gia đã đặt mục tiêu… chỉ lỗ 1,58 triệu USD. Kế hoạch này chắc sẽ được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp được dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tới đây.

Lý do của sự thua lỗ, theo ông Lin Yi Huang, Chủ tịch HĐQT, là bởi những tác động của dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, công suất phòng khách sạn chỉ đạt 12%, biệt thự đạt 30%. Trong khi đó, khách vào chơi trong sòng bạc Hoàng Gia sụt giảm nghiêm trọng, gây lỗ lớn. Riêng doanh thu thuần của sòng bạc đã giảm tới 42% so với năm 2020, chỉ đạt 1,52 triệu USD, bằng 30% kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Trên thực tế, Hoàng Gia đã kinh doanh bết bát nhiều năm. Kể từ năm 2016 tới nay, chỉ có năm 2018 là công ty báo cáo kinh doanh có lãi, còn lại, năm nào cũng lỗ.

Nhưng Hoàng Gia không phải là công ty duy nhất “gặp hạn” vì Covid-19. Mở cửa vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, “ông lớn” Hoiana, một trong hai dự án khu nghỉ dưỡng có casino có quy mô vốn tới 4 tỷ USD, chỉ sau khoảng 1,5 năm hoạt động, tính đến hết tháng 1/2022, đã lỗ lũy kế tổng cộng 5.671 tỷ đồng.

Đó có lẽ cũng là một trong những lý do khiến ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An, chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng Hoiana, đã phải nhiều lần ký văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi một phần dự án thành khu đô thị.

Dễ hiểu vì sao các “ông lớn” du lịch làm ăn bết bát như vậy. Hai năm qua, vì dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã phải “đóng cửa” với khách du lịch quốc tế, du lịch nội địa cũng suy giảm trầm trọng vì các đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Trong một báo cáo gần đây về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp FDI được trình Chính phủ, Bộ Tài chính thừa nhận, năm 2020, nhóm ngành “Du lịch, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống” chịu ảnh hưởng nặng nề do việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. Theo đó, doanh thu giảm 12.972 tỷ đồng (38,7%); lợi nhuận trước thuế âm (-) 2.573 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm 1.956 tỷ đồng (46%) so với năm 2019.

Hai công ty là Laguna Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores đã được Bộ Tài chính lấy làm ví dụ để minh chứng cho sự “lao đao” của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Theo đó, năm 2020, tổng tài sản của Laguna còn 3.627 tỷ đồng, giảm 140 tỷ đồng (4%) so với năm 2019; vốn chủ sở hữu còn 2.980 tỷ đồng, giảm 212 tỷ đồng (7%); lỗ lũy kế tăng 244 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores có tổng tài sản năm 2020 là 4.670 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng (2,11%) so với năm 2019; vốn chủ sở hữu là 4.365 tỷ đồng, giảm 112 tỷ đồng (2,49%) và giảm một lượng đúng bằng số giảm của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Cả hai công ty trên đều có các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và đều có casino. Trong khi sòng bạc của Silver Shores hoạt động đã lâu, thì sòng bạc của Laguna mới đang trong quá trình phát triển. Đầu năm 2018, Laguna đã tăng vốn đầu tư thêm 2 tỷ USD để xây dựng casino trong khu phức hợp của mình.

Kinh doanh tăng trưởng vượt bậc cũng lỗ

Nếu đặt câu hỏi về việc có biết đến thương hiệu Shopee không, thì câu trả lời chắc chắn là “có”, nhất là ở các thành phố lớn. Tháng 11/2021, Shopee còn được YouGov công bố đứng trong top 3 Thương hiệu tốt nhất Việt Nam năm 2021. Shopee cũng giữ vị trí “thống lĩnh” về lượt truy cập suốt năm trong các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Thế nhưng, bất ngờ là, kết quả kinh doanh của Shopee không tốt như nhiều người vẫn nghĩ, mặc dù trên thực tế, thương mại điện tử, viễn thông, phần mềm… được cho là những lĩnh vực được hưởng lợi lớn từ đại dịch. Shopee được hưởng lợi thật. Bởi tại thời điểm khóa sổ (ngày 31/12/2020), tổng tài sản của Công ty đạt 3.426 tỷ đồng, tăng 1.782 tỷ đồng (108%) so với năm trước.

Trong ngành này, còn có một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Airpay cũng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Công ty là 2.077 tỷ đồng, tăng 1.201 tỷ đồng, tương đương gấp 137% so với năm trước.

Đặc biệt, cả hai công ty trên đều có doanh thu tăng mạnh, với mức tăng doanh thu của cả hai doanh nghiệp trong năm 2020 là 2.964 tỷ đồng, đóng góp 58% vào sự tăng trưởng doanh thu của toàn ngành.

Vấn đề nằm ở chỗ, tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn và có sự mở rộng về quy mô, nhưng cả hai doanh nghiệp vẫn báo lỗ. Thậm chí, Shopee bị lỗ mất vốn. Tính tới cuối năm 2020, doanh nghiệp này đã âm vốn chủ sở hữu tới 1.463 tỷ đồng và nguyên nhân là lỗ lũy kế của Shopee vẫn tiếp tục tăng 31% so với năm 2019, bất chấp doanh thu tăng trưởng mạnh.

Không chỉ mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước của cả hai công ty nói trên rất hạn chế, với Shopee là 67,86 tỷ đồng và Airpay là 48 tỷ đồng, mà quan trọng hơn, theo Bộ Tài chính, còn có những vấn đề đáng lo đối với khả năng thanh toán.

Đặc biệt, với Shopee, Bộ Tài chính cho rằng, khả năng thanh toán cả ngắn hạn và thanh toán nhanh đều ở mức thấp và do đó, có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn. Năm 2020, nợ phải trả của Shopee lên tới 4.888 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 227% so với năm trước và 99,85% mức tăng này đến từ nợ ngắn hạn. Những chỉ số tài chính cho thấy mức độ rủi ro lớn.

Hơn thế nữa, khi phân tích các chỉ số tài chính của hai công ty trên, Bộ Tài chính đã đưa ra nhận định về “sự ảnh hưởng không tích cực” đến chỉ tiêu tài chính của toàn ngành, như làm cho hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,8 lần lên 2,6 lần, ROS giảm từ (-4,9%) xuống (-8%), ROE giảm từ (-16,7%) xuống (-35%), ROA giảm từ (-5,9%) xuống (-9,8%)…

“Điều đó cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn vào nguồn ngân sách nhà nước, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành”, Bộ Tài chính nhận định.

Liệu có chuyện lỗ giả – lãi thật?

Các số liệu báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, các doanh nghiệp FDI đã trải qua một thời gian vất vả, khó khăn. Tuy vậy, số liệu tổng hợp về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp có kết quả sản xuất – kinh doanh năm 2020 báo lỗ là 14.108 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 56% doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lỗ là 151.064 tỷ đồng. Báo lỗ, nhưng thực tế, tổng tài sản của các doanh nghiệp này vẫn tăng 22% so với tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019 và doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2020 là 1.072.816 tỷ đồng, tăng 27% so với doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019.

Đặc biệt, tính đến hết năm 2020, có 16.164 doanh nghiệp có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, chiếm tỷ lệ 64% doanh nghiệp có báo cáo, với tổng trị giá lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính là 623.337 tỷ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của chủ sở hữu (tăng 12% về số lượng doanh nghiệp có lỗ lũy kế và tăng 20,1% về trị giá lỗ lũy kế so với năm 2019).

Không những thế, số lượng doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2020 là 4.250 doanh nghiệp, chiếm 16,88% trong tổng số 25.171 doanh nghiệp có báo cáo, tăng 22,7% so với số doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2019, với tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính là (-) 141.274 tỷ đồng. 

Năm 2020, dịch Covid-19 là yếu tố tác động và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, chuyện các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn và thua lỗ là dễ hiểu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu có câu chuyện “lỗ giả, lãi thật” ở đây? Có chuyện chuyển giá, trốn thuế hay không? Và khi mà doanh nghiệp FDI thua lỗ nhiều và đóng góp cho ngân sách nhà nước không lớn thì hiệu quả thu hút FDI có bị ảnh hưởng?

(Còn tiếp)