TP. Đà Nẵng có vai trò gì trong Dự án mở rộng Sân bay Đà Nẵng?

Về quan tâm của nhà đầu tư, ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc Phụ trách Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, Bộ GTVT là đơn vị tổ chức lập quy hoạch và quản lý các cảng hàng không, trong đó có Sân bay Đà Nẵng.

Đà Nẵng là đơn vị quản lý về mặt đất đai để phối hợp với các đơn vị liên quan. Trong các quy hoạch Sân bay Đà Nẵng, chủ trương của Bộ GTVT đã thể hiện rõ sự ủng hộ. Để tiến độ lập quy hoạch được kịp thời, hiện Bộ GTVT đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng lập quy hoạch tích hợp, hoàn tất và trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Theo duy hoạch điều chỉnh, sân bay Đà Nẵng sẽ mở rộng về phía Tây (phần đường băng sân bay)
Theo quy hoạch điều chỉnh, Sân bay Đà Nẵng sẽ mở rộng về phía Tây (phía của phần đường băng sân bay)

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng rất coi trọng việc mở rộng sân bay và nâng công suất nhà ga theo lộ trình lên 30 triệu hành khách/năm trong tương lai. Vì vậy, với vai trò là địa phương quản lý hành chính nhà nước về đất đai, Đà Nẵng đã chủ động hỗ trợ, tài trợ sản phẩm quy hoạch cảng hàng không quốc tế cho Bộ GTVT.

Khi đồ án quy hoạch được duyệt, về quản lý nhà nước, Đà Nẵng sẽ thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng cũng đã làm việc với Bộ Quốc phòng về lĩnh vực đất đai. Hiện nay, đất quân sự sẽ dự kiến thu hồi trên 200ha. Những vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết cho nhà đầu tư của Đà Nẵng khi Bộ GTVT thông qua và Chính phủ phê duyệt.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đặt vấn đề thêm: Cho đến thời điểm này, việc quy hoạch, mở rộng Sân bay Đà Nẵng đã phù hợp với định hướng chung của quốc gia chưa? Đề nghị thu hồi 200 ha để phục vụ mở rộng sân bay sắp thành hiện thực chưa? Theo như trao đổi thì diện tích đất này Đà Nẵng đang làm việc với Bộ Quốc phòng, vậy ý kiến của Bộ Quốc phòng ra sao để nhà đầu tư chủ động kế hoạch?

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, diện tích trên 200 ha dự kiến mở rộng sân bay hiện đã đã được GPMB, Bộ Quốc phòng và TP. Đà Nẵng đang xúc tiến thực hiện các thủ tục giao đất.

“Về cơ bản, Bộ Quốc phòng đã ủng hộ Đà Nẵng trong việc mở rộng sân bay”, ông Lê Quang Nam khẳng định.

Trong khi đó, ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, theo phương án điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Cảng hàng không Đà Nẵng sẽ được mở rộng theo hai hướng: phía Nam của sân bay hiện hữu và mở rộng về phía Tây. Cơ sở hạ tầng phụ trợ được quy hoạch bổ sung mới ở khu vực phía Tây sân bay bao gồm: Khu vực kho hàng hóa diện tích 2,25 ha; Khu vực Logistics diện tích 5,16 ha; Các hangar (80×110) m phục vụ đậu đỗ, sửa chữa máy bay: 17 vị trí; Khu vực văn phòng các hãng hàng không và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ khác.

Việc mở rộng bao gồm nhà ga hành khách nội địa mở rộng (T1) lên trên 10 triệu HK/năm. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ kết hợp nhà ga quốc tế cũ (T2) để cải tạo và hợp khối thành nhà ga hàng không Quốc tế đảm bảo công suất khai thác 14-16 triệu hành khách/ năm. Xây mới nhà ga hàng không Nội địa về phía Nam đảm bảo công suất khai thác 16 triệu hành khách/ năm…

Nói rõ thêm về các chính sách và thủ tục đầu tư đối với dự án này đến Tập đoàn BRG và Sumitomo, theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, điều kiện đầu tư mở rộng sân bay và đầu tư các hạng mục công trình trong Cảng hàng không Đà Nẵng (dự án) phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, sân bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Dự án tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định áp dụng; phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; Tuân thủ các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, khoản 1 Điều 46 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP quy định Thủ tướng Chính phủ là Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị tiếp nhận hồ sơ. Bên cạnh đó, đơn vị trình hồ sơ mở rộng sân bay là doanh nghiệp cảng hàng và đơn vị trình hồ sơ xây dựng là Nhà ga hành khách (đơn vị được giao đất, cho thuê đất).