TP.HCM “chạy” nước rút giải ngân đầu tư công

“Siết” lại kỷ cương giải ngân

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi liên tiếp ký ban hành các chỉ thị thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Thành phố. Tiến độ giải ngân của Thành phố hiện rất thấp và chưa thoát khỏi nhóm các tỉnh, thành giải ngân thấp nhất cả nước.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng vốn đã giải ngân của TP.HCM là 10.379 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỷ đồng). Tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 về giải ngân đầu tư công, thống kê cho thấy, có đến 50% số quận, huyện có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dưới 50%. Đặc biệt, có tới 7 quận, huyện giải ngân chưa tới 1% vốn bồi thường giải phóng mặt bằng; các dự án giao thông trọng điểm có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 9,5%.

Quá sốt ruột với tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Điểm khác biệt nhất của Chỉ thị số 13/CT-UBND so với các chỉ thị đã ban hành từ đầu năm là việc yêu cầu quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu từng sở, ngành để giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Cụ thể, người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện… sẽ bị xử lý trách nhiệm và dứt khoát không xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2022 do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, sẽ có chế tài xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.

Việc UBND TP.HCM quy trách nhiệm cho người đứng đầu là tín hiệu lạc quan để thúc đẩy giải ngân đầu tư công tại đầu tàu kinh tế của cả nước. Đồng tình với việc này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư của xã hội. Thời gian qua, dù đã được thúc giục rất nhiều, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm.

Gấp rút chuyển vốn sang 64 dự án giải ngân cao

Bên cạnh việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu, UBND TP.HCM cũng gấp rút điều chuyển vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao. Theo Quyết định số 3535/QĐ-UBND ngày 18/10/2022 về việc điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2022 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố, TP.HCM điều chuyển 1.796 tỷ đồng từ 223 dự án giải ngân chậm sang 64 dự án giải ngân cao, nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào sử dụng.

Trong 64 dự án được chuyển vốn, có một số dự án giao thông cấp bách như xây dựng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ bến xe miền Đông mới đến nút giao xa lộ Hà Nội); bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy)… Đây được cho là động thái kịp thời để bổ sung vốn cho những dự án đang “khát vốn”, đặc biệt là những dự án hạ tầng đang ngày đêm thi công để đưa vào sử dụng.

Với việc giải ngân thấp tại các dự án giao thông, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết, có 3 dự án gồm nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, xây mới đường Trần Quốc Hoàn chuẩn bị được khởi công. Khi các dự án này khởi công, tỷ lệ giải ngân sẽ tăng “vọt” vào cuối năm.

“Hiện nay, các dự án đều có tiến độ chi tiết, kiểm điểm hàng tuần, hàng tháng để báo cáo lãnh đạo UBND TP.HCM. Ba năm qua, chúng tôi đều đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Năm nay, chúng tôi vẫn cam kết vượt tỷ lệ giải ngân trên 95% trước thời điểm ngày 31/12”, ông Phúc khẳng định.

Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM còn yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện kiên quyết cắt hợp đồng, có chế tài đối với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Thành phố sẽ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Khi nhận đủ hồ sơ, Kho bạc Nhà nước sẽ thanh toán trong 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu.