TP.HCM khởi động lại cây cầu “treo” 20 năm ở Nhà Bè

Ngày 8/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) phối hợp Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Nhà Bè tổ chức bàn giao mặt bằng để tái khởi động xây dựng cầu Long Kiểng- câu cầu đã “treo”  20 năm nay.

Cầu Long Kiểng xây xong trụ cầu thì tạm dừng vì không có mặt bằng
Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè xây xong trụ cầu thì tạm dừng vì không có mặt bằng

Tại buổi lễ bàn giao, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, dự án cầu Long Kiểng có chiều dài 318 m, rộng 15 m và phần đường dẫn dài 661 m. Dự án được phê duyệt từ năm 2001, đã trải qua 4 lần điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư là 589 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, cầu Long Kiểng được khởi công xây dựng, tuy nhiên khi thi công xong các trụ cầu thì dự án phải tạm dừng do không có mặt bằng.

Ông Phúc cho biết, đến nay 103 hộ dân còn lại nằm trong diện giải tỏa đã đồng thuận bàn giao mặt bằng nên dự án đã có mặt bằng “sạch” để thi công. Sau khi có mặt bằng nhà thầu sẽ tập trung thi công để hoàn thành vào cuối năm 2023.

Nói về vướng mắc ở dự án “treo” đã 20 năm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, dự án cầu Long Kiểng trải qua 20 năm thực hiện với 4 lần điều chỉnh, 2 năm tạm ngưng thi công vì vướng mặt bằng, lãnh đạo Thành phố phải họp hơn 20 cuộc họp để tháo gỡ những vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án này.

Từ dự án cầu Long Kiểng rút ra được một số bài học trong công tác giải phóng mặt bằng là vận dụng linh hoạt, đưa giá bồi thường sát với thực tế. Đồng thời, hỗ trợ tốt cho người dân bị ảnh hưởng có cuộc sống ổn định.

Được biết, dự án cầu Long Kiểng có diện tích thu hồi hơn 2 ha với 128 trường hợp bị ảnh hưởng. Dự án có 46 trường hợp đủ điều kiện tái định cư và 15 trường hợp giải tỏa toàn bộ nhà, đất nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP.HCM đã chấp thuận giải quyết cho các hộ không đủ điều kiện được mua và thuê mua căn hộ.