Trình Thủ tướng phương án xây dựng ga C9; duyệt 1.840 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 14E

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Trình Thủ tướng phương án xây dựng ga C9 tuyến metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, UBND TP. Hà Nội vừa có công văn số 2228/UBND – ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tuyến và vị trị ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án xây dựng tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Phối cảnh ga ngầm C9.
Phối cảnh ga ngầm C9.

Cụ thể, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội… UBND TP. Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 theo Phương án 1, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ diều chỉnh chủ trường đầu tưDự án tuyển đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo Phương án 1 – phương án được UBND TP. Hà Nội kiến nghị lựa chọn, ga ngầm C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới vùng bảo vệ II, dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu khoảng 31 m, ga nằm trên đường cong có bán kính 800 m, bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và Trụ sở HĐND-UBND TP. Hà Nội. Ga sẽ bố trí 2 lối lên xuống số 1 và 2 ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu.

Để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, thông gió (cao 13 m) và phòng máy phát điện… UBND TP. Hà Nội cho biết là cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội lên 705 m2, tăng 260 m2 so với phương án để xuất ban đầu; lấy thêm đất của UBND TP. Hà Nội khoảng 25 m để đảm bảo thi công.

Về tuyến hầm, UBND TP. Hà Nội cho biết là sau ga C8 trên đường Phan Đình Phùng, tuyến rẽ phải đi vào phố Đồng Xuân tiến tới đi khác mức xếp chồng, sau đó vào phố Hàng Đường, Hàng Ngang, đến đầu phố Hàng Đào thì rẽ trái đi cắt qua khu dân cư phường Hàng Bạc, dưới phố Gia Ngư, Đinh Liệt, Cầu Gỗ, phố Hồ Hoàn Kiếm và đến đường Đinh Tiên Hoàng vào ga C9.

Từ đầu phố Hàng Đào đến phố Hồ Hoàn Kiếm, tuyến hầm phải sử dụng một số đoạn cong để vi chỉnh vị trí bên trong hành lang tim tuyến đã phê duyệt; đoạn trên đất công cộng từ đền Bà Kiệu đến phố Đinh Tiên Hoàng phải vi chỉnh ra ngoài hành lang đã phê duyệt, hầm đi bên dưới đền Bà Kiệu, độ lún bề mặt ước tính khoảng 7,9 mm và áp dụng bán kính cong 250 m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Sau ga C9, tuyến chuyển dần sang đi song song đồng mức, đi tiếp đến phố Hàng Bài và ga C10 tại ngã tư giao với phố Trần Hưng Đạo.

Ưu điểm của phương án này là phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô; Quy hoạch phân khu đô thị H1 -1B (khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận;, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhược điểm của phương án này là do phải điều chỉnh thiết kế ga C9 và đoạn tuyến sẽ làm tăng thêm chi phí xây dựng (khoảng 500 tỷ đồng), tăng chi phí vận hành bảo dưỡng, kém thuận lợi hơn cho hành khách.

Được biết, ngoài Phương án 1 – phương án kiến nghị lựa chọn, UBND TP. Hà Nội còn nghiên cứu thêm 2 phương án khác để xây dựng ga ngầm C9.

Cụ thể, Phương án 2 – giữ nguyên như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt từ năm 2017 trong đó ga ngầm C9 đồng mức 3 tầng, có 4 cửa lên xuống, thân ga dài 150 m, rộng 24 m, sâu khoảng 20 m, nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ hồ Hoàn Kiếm tại phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, phần chính thân ga và cửa lên xuổng số 3 năm trong Vùng bảo vệ II di tích Hồ Hoàn Kiếm.

Đối với Phương án 3, UBND TP. Hà Nội kiến nghị bỏ ga ngầm C9 (hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai).

Quảng Trị đề xuất quy hoạch cảng chuyên dụng phục vụ các dự án động lực

Ngày 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh Quảng Trị đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận, trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch Cảng chuyên dụng Triệu Lăng (Quảng Trị) vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Quảng Trị đang dần hình thành những dự án tỷ USD về lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Vì vậy, địa phương này rất cần có một hệ thống cảng chuyên dụng để phục vụ các Dự án này. Trong ảnh là Khu vực cảng chuyên dụng Doosan Vina, Khu kinh tế Dung Quất (minh hoạ)
Quảng Trị đang dần hình thành những dự án tỷ USD về lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Vì vậy, địa phương này rất cần có một hệ thống cảng chuyên dụng để phục vụ các dự án này. Trong ảnh là Khu vực cảng chuyên dụng Doosan Vina, Khu kinh tế Dung Quất (minh hoạ)

Lý do đề xuất này theo Chủ tịch Quảng Trị  là để phục vụ việc triển khai 2 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 53.817 tỷ đồng mà tỉnh này đã đồng ý chủ trương khảo sát đầu tư trước đó.

Theo ông Hưng, việc đầu tư cảng chuyên dụng Triệu Lăng, thuộc xã Triệu Lăng nhằm đảm bảo hoạt động xuất, nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh của Khu liên hợp gang thép Quảng Trị là hết sức cấp thiết.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho Công ty cổ phần thép Vina Roma Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát lập dự án Khu liên hợp gang thép Quảng Trị với tổng mức đầu tư đề xuất là 47.817 tỷ đồng. Quy mô dự án 463,5 ha tại xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng (Triệu Phong, Quảng Trị); công suất dự kiến khoảng 4,5 triệu tấn thép/năm.

Theo báo cáo tóm tắt của nhà đầu tư, dự án Khu Liên hợp gang thép Quảng Trị sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng với công suất 4,5 triệu tấn thép sản phẩm/năm, phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, Công ty cổ phần Thép Vina Roma Quảng Trị sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất thép xây dựng, công suất 1,1 triệu tấn thép sản phẩm/năm; giai đoạn 2 đầu tư dây chuyền sản xuất thép hình, công suất 1,1 triệu tấn thép sản phẩm/năm và giai đoạn 3 đầu tư dây chuyền sản xuất thép tấm cán nóng, công suất 2,3 triệu tấn thép sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư của cả dự án khoảng 47.817 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, trong đó ưu tiên 50% cho lao động địa phương.

Qua nghe báo cáo của đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thép Vina Roma Quảng Trị  và ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng báo cáo là tiền đề quan trọng để triển khai các bước tiếp theo trong thời gian tới. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị công ty chú ý nghiên cứu sử dụng công nghệ sản xuất gang thép hiện đại, giảm phát thải khí và nước ô nhiễm ra môi trường.

Ngoài ra, Công ty cổ phần cảng Tân Việt Bắc Quảng Trị cũng đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, xây dựng cảng chuyên dụng Triệu Lăng (thuộc xã Triệu Lăng) có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu dự án khoảng 746 ha, có 3 cầu cảng, tiếp nhận tàu từ 3.000 tấn đến 200.000 tấn.

Trong một diễn biến khác, mới đây Quảng Trị lấy ý kiến Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh này đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn tới, trong đó lĩnh vực đột phá là phát triển về điện năng.

Theo lãnh đạo tỉnh này, quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050  giúp địa phương định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. 

Tập đoàn Metran (Nhật Bản) mong muốn triển khai dự án tại Đà Nẵng

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Nguyễn Văn Quảng vừa làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Metran (Nhật Bản).

Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Metran bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại TP Đà Nẵng với  Dự án Sản xuất thiết bị y tế phục vụ điều trị sức khỏe con người tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo 2 giai đoạn phân kỳ.

Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ cung cấp gồm máy thở cao tần số hỗ trợ suy hô hấp trẻ sơ sinh, sinh non thiếu tháng; máy cô đặc oxy nồng độ cao; máy tạo ẩm độ và gia nhiệt trong liệu pháp điều trị oxy; nước cất dùng tạo ẩm trong liệu pháp điều trị oxy, các phụ kiện kèm theo sản phẩm y khoa…

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hiện TP. Đà Nẵng đang khuyến khích, kêu gọi các dự án công nghệ cao trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế.

Ông Quảng cũng đề nghị các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ với Tập đoàn Metran đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để dự án sớm được triển khai tại TP. Đà Nẵng.

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột bắt đầu khởi động

Theo Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải – GTVT), đến nay đơn vị đã chỉ đạo tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột theo Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội bàn giao cho các địa phương.

Cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng đã đưa vào khai thác từ tháng 4/2022. Ảnh: Phước Tuần
Cao tốc La Sơn – Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng đã đưa vào khai thác từ tháng 4/2022. Ảnh: Phước Tuần

Ban Quản lý Dự án 6 đã tiến hành lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đề cương, dự toán chi phí, hồ sơ yêu cầu các gói thầu tư vấn các gói thầu tư vấn; nghiên cứu cơ chế đặc thù được phép sử dụng, vận dụng, nghiên cứu điều chỉnh phương án hướng tuyến tại một số đoạn tuyến dự án thành phần 2; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương…

Bộ GTVT dự kiến phân công Dự án thành phần 1 sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa đảm nhận; Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý Dự án 6 đảm nhận; Dự án thành phần 3 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đảm nhận.

Ban Quản lý Dự án 6 đề nghị Bộ GTVT sớm có quyết định giao cho đơn vị làm chủ đầu tư dự án thành phần 2, chỉ đạo phương án tuyến của Dự án thành phần 2 để triển khai các bước tiếp theo; sớm thống nhất và ban hành Quy chế phối hợp thực hiện dự án giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk để giao nhiệm vụ trong thời gian đến.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ GTVT sẽ sớm ban hành Quy chế phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 để triển khai đúng tiến độ đề ra, đồng thời sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách khung cho toàn tuyến.

Vì vậy, các địa phương sớm thành lập ban chỉ đạo triển khai dự án, thỏa thuận hướng tuyến, xây dựng đề cương thiết kế định hướng đảm bảo thống nhất đồng bộ, hiệu quả. Thời gian đến, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đi khảo sát thực tế để cùng với địa phương thống nhất nội dung phát sinh trong quá trình triển khai dự án cao tốc.

Bộ Giao thông – Vận tải muốn làm rõ thêm nhiều nội dung về siêu cảng Cần Giờ 

Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND TP.HCM; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Cục Hàng hải Việt Nam liên quan đến đề xuất đầu tư bến cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Phối cảnh cảng Cần Giờ.
Phối cảnh cảng Cần Giờ.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến phân bổ lượng hàng, luồng hàng, tuyến vận tải hàng hải của khu vực và cả nước; tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu bến cảng đã đầu tư tại TP.HCM như khu bến Cát Lái, Hiệp Phước; khu vực Cái Mép – Thị Vải (cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu) và khu bến cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Các đơn vị liên quan cũng sẽ phải đánh giá lợi ích của quốc gia khi đầu tư khu bến cảng trung chuyển Cần Giờ; lợi ích của doanh nghiệp liên danh với Tập đoàn MSC; lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan (logistics, vận tải, phát triển đội tàu…).

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP (VIMC), khu bến Cần Giờ được khai thác với 80% lượng hàng trung chuyển đưa từ các quốc gia trong khu vực sang và 20% lượng hàng tại Việt Nam.

Đối với vấn đề này, Bộ GTVT đề nghị làm rõ 80% lượng hàng trung chuyển tài Singapore sang là hàng của các quốc gia nào để xem xét tính khả thi của nguồn hàng này và 20% lượng hàng từ khu bến nào tại Việt Nam đến khu bến Cần Giờ. Nhà đầu tư cần có cam kết đảm bảo khai thác đúng tỷ lệ về lượng hàng nêu trên, không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động các khu bến cảng, cảng biển lân cận.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT muốn UBND TP. HCM và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo nhà đầu tư làm rõ về kế hoạch thành lập liên danh; khả năng huy động nguồn vốn trong liên danh để đầu tư khu bến Cần Giờ.

Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan của TP.HCM và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình Thành phố chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên; tiếp tục tăng cường tổ chức giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải tại khu vực.

Vào cuối tháng 6/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD.

Đây là dự án do liên danh VIMC – Công ty CP Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới – Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất.

Được biết, trong báo cáo gửi Bộ GTVT về đề xuất chủ trương đầu tư khu bến trung chuyển container tại huyện Cần Giờ, TP.HCM hôm 5/7, VIMC khẳng định, dưới “con mắt nhà nghề”, MSC/TIL đánh giá rất cao vị trí dự kiến xây dựng bến cảng trung chuyển Cần Giờ (vị trí cù lao Phú Lợi), cũng như cơ hội đưa cảng biển tương lai này trở thành một đầu mối giao thương quốc tế lớn trong khu vực.

Khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000DWT (24.000 Teus) hoạt động tuyến Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ nên có điều kiện hình thành cảng container trung chuyển quốc tế tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước.

Theo ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT VIMC, với năng lực, kinh nghiệm, khả năng mang lại các chân hàng trung chuyển quốc tế, MSC/TIL sẽ không chỉ giúp TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính – kinh tế quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải nhờ hiệu ứng lan tỏa trong ngành hàng hải như đã diễn ra tại Rotterdam – Hà Lan; Antwerp/Zeebrudge – Bỉ.

Đối với ngành hàng hải trong nước, Dự án còn giúp định vị Việt Nam trên bản đồ hàng hải với vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; kết nối hiệu quả hơn các cảng biển trong nước, trực tiếp mang lại lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.

Hải Phòng dừng dự án đường Lạch Tray – Hồ Đông sau 15 năm triển khai

Theo kết luận số 388/TB-UBND của Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng về Dự án tuyến đường trục chính có mặt cắt ngang rộng 100m Lạch Tray – Hồ Đông và Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Lạch Tray thì, Thành phố hủy bỏ Quy hoạch chi tiết 1/1000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Lạch Tray – Hồ Đông và điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 các quận Hải An, Ngô Quyền trong phạm vi Dự án khu đô thị mới Lạch Tray – Hồ Đông theo hướng giữ nguyên các khu dân cư hiện trạng có mật độ cao và dừng thực hiện Dự án Khu đô thị Lạch Tray – Hồ Đông.

Dừng Dự án khu đô thị mới Lạch Tray - Hồ Đông
Dừng dự án khu đô thị mới Lạch Tray – Hồ Đông

Đồng thời, dừng vĩnh viễn dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính có mặt cắt ngang 100m Lạch Tray – Hồ Đông và đầu tư dự án mới thay thế cho dự án cũ theo hướng giảm quy mô mặt cắt tuyến đường; xem xét, tính toán hoàn trả số tiền Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư Phát triển đô thị đã đầu tư.

Dự án đường Lạch Tray – Hồ Đông được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 25/9/2007 (đến nay là 15 năm), do Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư Phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Quy mô xây dựng đường trục chính có mặt cắt 100m. Điểm đầu từ đường Đông Khê 2 đến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo quy hoạch là đường đô thị cấp 2, tổng chiều dài 5.761,45m và các công trình trên tuyến.

Dự án này có tổng mức đầu tư 4.384,565 tỷ đồng, diện tích sử dụng 107,18ha đất, gồm tuyến đường trục chính 60,64ha, 2 khu tái định cư 46,54ha, thời gian thực hiện dự án từ 2008-2018. Cùng với đó, năm 2010, UBND TP. Hải Phòng cũng quyết định phê duyệt dự án khu đô thị hai bên đường với tổng mức trên 3.000 tỷ đồng.

Dự án đường Lạch Tray – Hồ Đông đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng được 23,39ha đất của tuyến đường và 17,75ha đất của khu tái định cư. Tuyến đường trục đã thi công đến lớp bên tông nhựa thô khoảng 942m trên địa bàn quận Hải An và khoảng 135m trên địa bàn quận Ngô Quyền. Sau 15 năm, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, đến nay khối lượng triển khai dự án đường Lạch Tray – Hồ Đông thực hiện mới được khoảng 359 tỷ đồng. Diện tích giải phóng mặt bằng xong chủ yếu là tuyến đường trục, khu đô thị hầu như chưa triển khai, do nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu.

Do triển khai chậm, khu vực đã giải phóng mặt bằng và làm nền đường trở thành điểm tập kết rác thải. Khu vực này đã trở thành nơi tập lái xe, tập thể thao. Một số khu đất nông nghiệp đã thu hồi nhưng chưa sử dụng được tận dụng để trồng rau. Tuyến đường triển khai chậm này đã làm ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân thuộc địa bàn 2 quận Hải An và Ngô Quyền nằm trong vùng quy hoạch.

Như vậy, nếu tiếp tục triển khai dự án với quy mô mặt cắt 100m, thì tổng mức đầu tư dự kiến tăng 8.100 tỷ đồng (tăng 1,85 lần). Trong khi đó, nguồn vốn trung hạn của thành phố đã dự kiến phân bổ hết cho các dự án do HĐND thành phố phê duyệt, triển khai trong giai đoạn 2021-2025, nên việc điều chỉnh, giữ nguyên quy mô dự án này sẽ không khả thi về nguồn vốn và có ảnh hưởng lớn đến khu vực dân cư vùng quy hoạch…

Mặt khác, chủ đầu tư thực hiện dự án hiện nay đang trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, nên không thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công. Dự án đã quá thời gian thực hiện được phê duyệt 4 năm. Đặc biệt, dự án vướng giải phóng mặt bằng và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư khó khăn. Do đó, dự án khó có thể tái khởi công lại. Còn nếu chọn được phương án khả thi, đến năm 2024, dự án mới xem xét lại được vì khả năng cân đối nguồn lực.

Vì vậy, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã có Thông báo số 242-TB/TU ngày 11/6/2021 và UBND TP Hải Phòng có Thông báo số 272/TB-UBND ngày 27/5/2022, giao cho các ngành, trong đó có Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất trình tự, thủ tục dừng thực hiện dự án đường Lạch Tray – Hồ Đông và nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường có mặt cắt nhỏ hơn (35m).

Theo dự kiến về nguồn ngân sách thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.Hải Phòng xin ý kiến Ban Thường vụ Thành uỷ đồng ý chủ trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2024 và triển khai dự án tuyến đường trục mặt cắt 35m trong giai đoạn trung hạn 2026-2030.

Đối với diện tích đất đã được thu hồi để đầu tư tuyến đường 100m và diện tích thu hồi để xây dựng khu tái định cư 41,14ha, đề nghị UBND Thành phố tạm thời giao UBND quận Hải An và Ngô Quyền quản lý.

Phú Yên: Giao địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam

UBND tỉnh Phú Yên vừa giao chủ đầu tư tiểu Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn trên địa phận tỉnh Phú cho UBND thị xã Sông Cầu và UBND huyện Tuy An.

UBND tỉnh Phú Yên trong một lần làm việc trực tuyến Ban Quản lý Dự án 85 liên quan đến Dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.
UBND tỉnh Phú Yên trong một lần làm việc trực tuyến Ban Quản lý dự án 85 liên quan đến dự án cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh.

Chính quyền các địa phương này tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật phù hợp theo khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh.

Theo Quyết định số 908 ngày 13/7/2022 của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh có tổng chiều dài tuyến khoảng 61,7 km (không bao gồm 5,1 km đoạn qua hầm Cù Mông), điểm đầu tại Km0 + 200 (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), điểm cuối tại Km66 + 965,91 (thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Dự án này do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 14.802 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã bao gồm dự phòng) đoạn qua tỉnh Phú Yên là 458 tỷ đồng.

Harvest Waste B.V muốn đầu tư dự án xử lý rác tại Sóc Trăng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam vừa ký văn bản số 1675/UBND-NV thống nhất chủ trương cho phép liên doanh các nhà đầu tư đứng đầu là Harvest Waste B.V được nghiên cứu đầu tư Dự án xử lý rác thải thành năng lượng.

Một nhà máy xử lý rác thành điện rác của Tập đoàn Harvest Waste tại Hà Lan. Ảnh: Havest Waste
Một nhà máy xử lý rác thành điện rác của Tập đoàn Harvest Waste tại Hà Lan. Ảnh: Havest Waste

Theo đó, Liên doanh Harvest Waste B.V, Pacific Group và Alpha Investment được nghiên cứu, khảo sát dự án xử lý rác thải thành năng lượng tại ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Việc nghiên cứu và khảo sát lập dự án sẽ do doanh nghiệp chi trả chi phí và tuân thủ theo các quy định về đấu thầu và các quy định về đầu tư của Việt Nam.

Ông Evert Lichtenbelt, Chủ tịch Tập đoàn Harvest Waste B.V (Hà Lan) cho biết, Sóc Trăng là điểm đến đầu tiên của tập đoàn khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, ông mong muốn tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới của Hà Lan. 

Liên doanh các nhà đầu tư đặt mục tiêu phát triển một dự án kiểu mẫu về xử lý rác thải thế hệ mới tại Đồng bằng sông Cửu Long với các tiêu chí không có mùi hôi, không phát thải ô nhiễm (chỉ thải ra hơi nước) và đưa chi phí xử lý rác về mức thấp nhất có thể nhờ công nghệ mới.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có một nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung với công suất xử lý hơn 160 tấn/ca/ngày, với công nghệ chôn lấp và ủ phân vi sinh.

Giao đầu mối triển khai Dự án thành phần cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1056/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Dự án 6 làm chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan của bước nghiên cứu tiền khả thi đã thực hiện và tận dụng tối đa trong quá trình nghiên cứu, khẩn trương lập và hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng và pháp luật về tiến độ, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 về việc phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tại Quyết định số 17, 2/3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được Thủ tướng giao cho 2 địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện vai trò là cơ quan chủ quản.

Cụ thể, Dự án thành phần 1 (Km0+00 – Km32+) có tổng mức đầu tư dự kiến 5.632 tỷ đồng được giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa; Dự án thành phần 3 (Km69+500 – Km117+866) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng được giao cho UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần 3 (Km69+500 – Km117 +866) trị giá 9.818 tỷ đồng được cho Bộ GTVT quản lý do đoạn tuyến này nằm trên ranh giới 2 tỉnh và phức tạp về địa chất, địa hình.

Đối với UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản, Thủ tướng yêu cầu bố trí vốn đầu tư (kể cả trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư) để hoàn thành dự án đúng tiến độ; bảo đảm đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý hoặc có biện pháp tăng cường bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện các dự án, dự án thành phần đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi, đồng bộ.

Bí thư Quảng Trị: Cần quan tâm yếu tố khác biệt tại dự án Cảng hàng không 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, Dự án cảng hàng không tỉnh này đang vào giai đoạn sắp thống nhất để thông qua báo cáo khả thi.

Tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ thống nhất thông qua báo cáo khả thi về Dự án Cảng hàng không Quảng Trị trong tháng 8 này. Ảnh phối cảnh Dự án
Tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ thống nhất thông qua báo cáo khả thi về Dự án Cảng hàng không Quảng Trị trong tháng 8 này. Ảnh phối cảnh dự án

Cụ thể, ông Võ Văn Hưng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, về các bước thực hiện dự án, hiện nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T lập đã hoàn thiện theo ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương. 

Theo quy định, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì việc thẩm định, thẩm tra, lựa chọn đơn vị thẩm tra thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương.

Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh làm việc với Hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương để lựa chọn cơ quan thẩm tra có năng lực về chuyên môn ngành giao thông vận tải thẩm tra độc lập, đảm bảo theo quy định.

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không Quảng Trị và vướng mắc khó khăn của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này.

Đại diện Công Ty cổ phần Tập đoàn T&T cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tập trung triển khai, nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, dự án Cảng hàng không Quảng Trị đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo đó, dự án được triển khai xây dựng tại xã Gio Quang và xã Gio Mai huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Công suất theo quy hoạch đến năm 2030 đạt 1 triệu khách/năm và 3.100 tấn hàng hoá/năm, đảm bảo công suất theo dự báo khai thác của Cảnh hàng không đạt khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hoá vào năm 2042. Tổng mức đầu tư dự kiến 5.822,9 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là: 2.913,6 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 2.909,3 tỷ đồng.

Đối với dự án Cảng hàng không Quảng Trị, nhà đầu tư đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị sớm tổ chức triển khai khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư và bên cho vay; làm việc với các bộ ngành trung ương để thống nhất việc cho phép tỉnh trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai thủ tục thành lập hội đồng thẩm định liên ngành song song với việc khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư để rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, tầm quan trọng của Cảng hàng không đối với sự phát triển chung của tỉnh, nên trong quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến yếu tố tạo sự khác biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Trong đó, quan trọng nhất là khâu quy hoạch, cần rà soát tổng thể quy hoạch để nhà đầu tư thấy có lợi khi triển khai đầu tư thực hiện dự án. Quá trình làm báo cáo đối với dự án cần quan tâm đến tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư.

Bí thư tỉnh này cũng cho hay, về tiến độ, thống nhất trong tháng 8/2022 sẽ thông qua báo cáo khả thi về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, sau đó thực hiện các bước tiếp theo như chọn nhà đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng; Phấn đấu khởi công dự án trong quý I/2023.

Trong giải phóng mặt bằng, hiện nay tỉnh đang triển khai đồng bộ các dự án và gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, trước tình hình đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong thực hiện giải phóng mặt bằng, nên thành lập cơ quan chỉ đạo riêng về giải phóng mặt bằng cho các dự án của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đánh giá cao về báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan tư vấn, đồng thời đề nghị, đối với các yêu cầu đặt ra của tỉnh, các đơn vị tư vấn cùng nhà tài trợ cần tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo để tỉnh triển khai những bước tiếp theo trong thực hiện dự án quan trọng này.

Chủ tịch Quảng Bình kiểm tra, đốc thúc tiến độ các dự án trọng điểm

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa có chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn gồm dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình, dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan.

Sau khi nắm bắt tình hình triển khai thi công và các khó khăn, vướng mắc trong thực các dự án của Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu chủ đầu tư kịp thời báo cáo với Bộ Công Thương cũng như phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đúng cam kết của tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

Tại công trường dự ánn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn đi qua địa bàn huyện Quảng Trạch, ông Trần Thắng ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ngành liên quan và địa phương trong thực hiện dự án. Theo đó, đến nay, công tác giao nhận mốc GPMB với chiều dài 25,3 km tại thực địa trên địa bàn Quảng Trạch đã hoàn thành xong 100%; công tác trích đo, thu hồi đất đạt 100%, công tác kiểm kê, điểm đếm đạt 82,11%. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Quảng Trạch và các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong điển khai thực hiện các hạng mục của Dự án, bảo đảm đến ngày 20/11/2022 bàn giao được 70% mặt bằng, kiên quyết không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án trọng điểm Quốc gia, đoạn đi qua tỉnh.

Tại dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra thực địa tại gói thầu số XL-04 thuộc dự án thành phần 1 Đường ven biển do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, Công ty Hải Đăng và Công ty Cầu đường 10 thi công. Ông Thắng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, sau khi đi vào hoạt động sẽ phát huy khả năng liên kết thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, kết nối giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, qua đó giúp khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Bình. 

Ninh Thuận phê duyệt Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt  Đề án Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu của đề án là xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh.

Đề án cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; cảng và dịch vụ cảng; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu tỉnh Ninh Thuận đề ra đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về tốc độ tăng trưởng bình quân (GRDP); là đến năm 2025, tỷ trọng của vùng này chiếm khoảng 28- 29% GRDP của tỉnh Ninh Thuận, con số này đến năm 2030 là 50-51%.

Để thực hiện đề án, tỉnh Ninh Thuận xác định nhiệm vụ trọng tâm về phát triển các ngành kinh tế như đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Dự án Điện gió, điện mặt trời đang triển khai; thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII; nhất là hình thành tổ hợp Trung tâm điện khí LNG.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam để phát triển các ngành lắp ráp điện tử, tin học, các ngành nghề công nghệ cao; sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

Đối với Khu công nghiệp Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, tỉnh Ninh Thuận định hướng phát triển các nhóm ngành công nghiệp sản xuất thiết bị phục vụ các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng; công nghệ cơ khí, chế tạo; phát triển công nghiệp các ngành chế biến muối và sản phẩm sau muối, hóa dược thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường…; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 70%.

Về phát triển đô thị, tỉnh Ninh Thuận hình thành Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị phía Đông – Tây Quốc lộ 1A, Khu đô thị mới Phước Diêm; các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná theo hướng hiện đại; với tam giác phát triển là Phước Nam – Cà Ná – Sơn Hải.

Trong đó, tỉnh Ninh Thuận tập trung ưu tiên phát triển Khu đô thị Cà Ná, tạo động lực phát triển trong định hướng phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu là tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường liên thông, kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường nối từ cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển Cà Ná; sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Cà Ná có trọng tải đến 300.000 DWT; nâng cấp các tuyến đường Văn Lâm – Sơn Hải, QL1A – Phước Hà – Ma Nới; đường nối từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná.

Để thực hiện đề án này, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư vùng trọng điểm phía Nam là khoảng  70-80 ngàn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 40-45 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 30-35 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.126 tỷ đồng (chiếm 6,4%), nguồn vốn huy động các thành phần kinh tế và xã hội hóa 74.574 tỷ đồng (chiếm 93,6%).

Thái Bình di dời các cơ sở sản xuất, cơ quan, điểm dân cư ven sông Trà Lý

Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý thuộc địa bàn TP. Thái Bình có tổng diện tích thực hiện giai đoạn 1 là gần 25 ha. Trong đó, bao gồm các diện tích: đất khu dân cư hiện có; đất trụ sở cơ quan; đất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất kinh doanh ngoài đê, đất bãi sông và một số diện tích đất khác.

Diện tích thực hiện di dời trong giai đoạn 1 của Đề án là gần 25 ha.
Diện tích thực hiện di dời trong giai đoạn 1 của Đề án là gần 25 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh trong quá trình thực hiện, cần lấy quyền lợi của người dân, doanh nghiệp là chính và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, vận dụng mọi cơ chế, chính sách theo hướng có lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tuyệt đối không được gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong quá trình di chuyển.

Thành phố thường xuyên đôn đốc, nắm bắt tiến độ thực hiện đề án để tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh; triển khai ngay việc kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng như lên phương án tạm giao đất cho các hộ dân đã đồng thuận, bàn giao mặt bằng trong thực hiện Dự án.

Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh phối hợp cùng các sở, ngành khẩn trương xác định diện tích đất và vị trí di chuyển cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thời hạn sử dụng đất, các ngành công an và quân đội sớm bố trí diện tích đất và vị trí di chuyển các trụ sở của đơn vị nằm trong diện phải di chuyển, nắm chắc tình hình ở cơ sở, phối hợp với thành phố trong bảo đảm an ninh chính trị cũng như triển khai các công việc trong thực hiện đề án.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao thành viên Ban Chỉ đạo và một số sở, ban, ngành chức năng tiến hành khảo sát thực tế để bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước trong diện phải di chuyển một cách hợp lý, khoa học, phát huy hiệu quả, công năng sử dụng của trụ sở làm việc.

Sở tài chính tham mưu cho tỉnh các giải pháp bảo đảm tài sản công trong quá trình di chuyển trụ sở; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí trong thực hiện việc di chuyển và kinh phí sửa chữa các trụ sở, nơi làm việc cho các cơ quan nhà nước thuộc diện di chuyển.

Khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vào ngày 30/4/2023

Ngày 5/8, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua kế hoạch đầu tư Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I.

Trong kế hoạch thực hiện đã được thông qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất trước Tết Nguyên đán 2023 sẽ chi trả xong tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân có đất bị thu hồi làm dự án. Sau đó tiến hành khởi công dự án vào ngày 30/4/2023.

Thời gian hoàn thành đưa vào khai thác ngày là ngày 30/6/2025, trong đó thời gian thi công là 27 tháng.

Thời gian  hoàn thành quyết toán khối lượng là ngày 31/12/2025. Đến hết quý I/2026 hoàn thành quyết toán công trình.

Dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài 19,5 km; trong đó, đoạn đi qua địa bàn thị xã Phú Mỹ dài 15,5 km, đoạn đi qua thành phố Bà Rịa dài 4 km. Dự án được xây dựng với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp.

Theo tính toán tổng mức đầu tư là 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.333 tỷ đồng. Dự án này có nguồn vốn ngân sách Trung ương là 4.520 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương là 670 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 59 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km sẽ được phân chia thành 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đầu tư. Dự án thành phần 2 có chiều dài khoảng 18,2 km sẽ do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm đầu tư.

Còn dự án thành phần 3 có chiều dài 19,5 km nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đầu tư.

Toàn dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 14.270 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 – 2030 là 3.567 tỷ đồng.

Chủ tịch Quảng Ngãi ấn định ngày giao mặt bằng thi công các dự án ở Lý Sơn

Ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Đặng Văn Minh đi kiểm tra tiến độ thực hiện các Dự án: Trung tâm y tế Quân – Dân y kết hợp huyện Lý Sơn; Đường cơ động phía Đông Nam đảo Lý Sơn và Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2).

Ông Đặng Văn Minh cho hay, huyện Lý Sơn cần khai thác các nguồn lực của địa phương, kêu gọi các doanh nghiệp thật sự mạnh, có thể làm thay đổi được Lý Sơn trong tương lai.

Về các dự án đang triển khai thực hiện vừa đi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đối với Dự án Đường cơ động, quá trình triển khai có nhiều khó khăn, dẫn đến chậm trễ.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu huyện Lý Sơn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tích cực hơn nữa, chỉ đạo sâu sát, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức thi công.

Ngoài ra, ông Minh yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, với trách nhiệm là chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công sớm đối với những đoạn đã được bàn giao mặt bằng.

Ông Minh yêu cầu, chậm nhất đến 30/8/2022, huyện Lý Sơn bàn giao toàn bộ mặt bằng cho cho chủ đầu tư từ đó, chủ đầu tư lên kế hoạch cụ thể tiến độ thi công và tiến độ giải ngân vốn từ nay đến 31/12/2022.

Đối với dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2), Chủ tịch UBND tỉnh phê bình UBND huyện Lý Sơn trong việc chậm giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, dẫn đến chậm trễ trong việc thực hiện dự án.

“Chậm nhất trước ngày 15/8/2022, huyện Lý Sơn phải bàn giao toàn bộ mặt bằng nằm trong dự án mà người dân lấn chiếm cho Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh). Chủ đầu tư khẩn trương tổ chức thi công hoàn thiện dự án để kết thúc trước 31/12/2022”, ông Minh yêu cầu.

Đối với Dự án Trung tâm Y tế Quân- Dân y, tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần làm việc với Trung ương và được sự quan tâm của Trung ương tiếp tục bố trí vốn để triển khai dự án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến thời điểm này dự án bị chậm tiến độ.

“Đây là dự án cực kỳ quan trọng để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn huyện, do đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Đến thời điểm này, qua kiểm tra cho thấy việc triển khai thực hiện của huyện Lý Sơn đối với dự án này chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra”, ông Minh nói.

Ông Minh yêu cầu UBND huyện Lý Sơn khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức di dời Trung tâm Y tế Quân- Dân y hiện đang hoạt động đến địa điểm mới, để bàn giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng lập kế hoạch tiến độ thi công cụ thể cho từng mốc thời gian, đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4/2023.

Được biết, Dự án Trung tâm Y tế Quân- Dân y huyện Lý Sơn được khởi công từ ngày 10/10/2021, có tổng mức đầu tư là 287 tỉ đồng.

Quảng Nam: Phê duyệt hơn 1.840 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E

Ngày 5/8, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ Giao thông – Vận tải đã có Quyết định số 1070/QĐ – BGTVT về phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km 15 + 270 – Km89 +700, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 – Km89+700, tỉnh Quảng Nam, điểm đầu khoảng Km15+270, Quốc lộ 14E tại vị trí giao cắt với đường sắt Bắc – Nam và điểm cuối khoảng Km89+700, Quốc lộ 14E tại nút giao Quốc lộ 14E với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (ngã ba Làng Hồi).

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.848 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiến độ thực hiện dự kiến từ 2021 đến 2025. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 70km đi qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn.

Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 – Km89+700 đảm bảo quy mô tối thiểu đường cấp IV để từng bước hoàn thiện Quốc lộ 14E theo quy hoạch; rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan đến các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ …

Dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.

Liên quan đến các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 6/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc về nghiên cứu đầu tư các tuyến đường: Tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam; Tuyến đường cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam.

Theo đó,  Chính phủ thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai tuyến đường Tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam; Tuyến đường cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam. 

Việc kết nối giao thông tốt sẽ tạo điều kiện cho các vùng phía Tây Quảng Nam và Kon Tum phát triển kinh tế, thông thương hàng hóa với các nước Lào, Campuchia và Thái Lan, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng phía Tây Trường Sơn.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các mặt, trong đó khảo sát kỹ địa hình để lựa chọn hướng tuyến phù hợp, trên nguyên tắc thẳng nhất và ngắn nhất có thể, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng.

Trên cơ sở quy mô và tính chất của các tuyến đường, Bộ Giao thông – Vận tải và UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, thống nhất về nội dung quy hoạch đối với tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam và phối hợp với tỉnh Kon Tum để thống nhất hướng tuyến đường kết nối Kon Tum – Quảng Ngãi – Quảng Nam, từ đó thực hiện phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai đầu tư.