Ứng phó ngay với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Việt Nam

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động ra sao đến dòng vốn FDI và chính sách thu hút FDI trên thế giới, đặc biệt với những nước đang phát triển, thưa bà?

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, gọi nôm na là “thuế tối thiểu toàn cầu” quy định, mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (800 triệu USD) trở lên. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam hiện nay là 20%, nhưng tất cả doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện về ngành nghề, địa bàn, quy mô vốn, lao động… được miễn, giảm thuế, với thời gian miễn thuế tối đa 4 năm, giảm thuế 9 năm, nên mức thuế thực tế bình quân chỉ còn 12,3%, thấp hơn 2,7% so với mức “sàn”, trong đó có nhiều doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế dưới 10%, thậm chí chỉ có 3-5%.

Theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về thuế tối thiểu toàn cầu, nếu doanh nghiệp FDI đáp ứng đủ điều kiện, không nộp thuế hoặc nộp thuế thấp hơn mức sàn 15% tại nước nhận đầu tư, thì nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ thu phần chênh lệch này. Như vậy, toàn bộ ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp FDI của nước nhận đầu tư sẽ rơi vào ngân khố quốc gia có công ty mẹ.

Để cạnh tranh trong thu hút FDI, hầu hết các nước đang phát triển “lao vào cuộc đua xuống đáy” bằng cách đua nhau giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thực hiện rất nhiều ưu đãi về thuế. Khi áp thuế tối thiểu, cuộc đua xuống đáy không còn nữa, dòng vốn FDI không còn chảy vào các nước đang phát triển, mà sẽ tìm hướng đầu tư mới.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, là một trong những nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới, nên khi dòng chảy bị nắn bởi thuế tối thiểu, thì chắc chắn sẽ chịu tác động.

Cụ thể, thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng thế nào đối với Việt Nam?

Ngay từ tháng 2/2023, Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), đã kết thúc nghiên cứu và công bố báo cáo “Đánh giá tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu trên các quốc gia và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… 

Trong 1.015 công ty con của các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện tại Việt Nam, thì 72 công ty có doanh thu trên 750 triệu EUR, tức là sẽ bị tác động bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện Việt Nam thu hút vốn FDI từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu đến từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Riêng nguồn vốn đến từ Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản (chưa tính Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan) chiếm trên 50% tổng vốn FDI của Việt Nam. Kể từ ngày 1/1/2024, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông chính thức áp thuế tối thiểu, Singapore và các đối tác đầu tư lớn khác sẽ thực hiện sau 1 năm. Khi các nhà đầu tư lớn áp thuế tối thiểu thì họ sẽ thu được 12.040-20.000 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng nghĩa toàn bộ ưu đãi của Việt Nam dành cho doanh nghiệp FDI thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ chảy ra nước khác.

Có thể nói, thuế tối thiểu toàn cầu tác động rất lớn đến chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam. Khi nguồn vốn tối quan trọng này bị giảm hoặc ngưng trệ sẽ tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế…

Có cách gì “né” được thuế tối thiểu không, thưa bà?

OECD đã khởi xướng Khuôn khổ hợp tác toàn diện nhằm ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) gồm 15 hành động nhằm thiết lập một hệ thống thuế quốc tế hiện đại và công bằng toàn cầu. Trong đó, thuế tối thiểu với mục tiêu phân chia quyền đánh thuế, phân bổ lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Có thể nói, BEPS là chính sách công bằng trong việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ nền kinh tế có thuế suất cao sang nền kinh tế có mức thuế suất thấp hơn.

Việt Nam là một trong 142 nền kinh tế tham gia BEPS. Tham gia BEPS, Việt Nam thể hiện quan điểm sẵn sàng với sân chơi thuế toàn cầu. Vấn đề bây giờ là phải chủ động đưa ra các chính sách để giữ chân và thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI.

Vậy theo bà, phải ưu đãi bằng cách nào để hấp dẫn FDI, đồng thời không vi phạm quy định của OECD, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng?

Thực tế, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là thỏi nam châm hấp dẫn FDI. Bằng chứng là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU… có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp rất cao, nhưng lại là những nước thu hút vốn FDI nhiều nhất.

Các nền kinh tế cạnh tranh xuống đáy bằng thuế suất thấp là do có nhiều yếu tố bất lợi như chính trị không ổn định, hạ tầng yếu kém, chi phí sản xuất và logistics cao, năng suất lao động thấp, thị trường nhỏ, tham gia ít hiệp định thương mại tự do, nguồn nhân lực chất lượng thấp, cơ chế chính sách nhiêu khê, phiền hà…

Để hấp dẫn FDI, đồng thời bảo đảm quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, trước mắt, Chính phủ phải đàm phán riêng với từng doanh nghiệp sẽ bị áp thuế tối thiểu trong năm tới để tìm ra giải pháp hài hòa “hai bên cùng thắng”. Đồng thời phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch… Toàn bộ cơ chế, chính sách này tất cả doanh nghiệp đều được hưởng bình đẳng và vẫn tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của OECD.