Ủy ban Tài chính – Ngân sách vẫn lo ngại tiến độ giải ngân của Chương trình phục hồi

Nhất trí với kiến nghị của Chính phủ về danh mục 45 dự án đã đủ điều kiện giao kế hoạch vốn, với tổng số vốn là 13.369,468 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội vẫn lo ngại tiến độ.

“Việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn”, tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh chuyển tải ý kiến Ủy ban tới các đại biểu Quốc hội.

Đây là phần nội dung của Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách báo cáo trước Quốc hội.

,
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo Quốc hội chiều 23/5.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhắc đến trách nhiệm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư trình phân bổ. Ủy ban này cho rằng, Chính phủ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm, không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến “trước ngày 31/3/2023” theo quy định tại Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội.

“Tờ trình của Chính phủ chỉ mới đề cập đến tình hình khó khăn, nguyên nhân chung dẫn đến không thể kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023, chưa đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư và phương án phân bổ vốn theo quy định tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội dẫn đến chậm trễ. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng trên và báo cáo Quốc hội”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh báo cáo với Quốc hội.

Về các đề xuất cụ thể, Ủy ban đề nghị Chính phủ hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.

Cụ thể, Ủy ban kiến nghị  Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án được phân bổ vốn, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43.

Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương, Chính phủ rà soát để bảo đảm tính khả thi và chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng cam kết;

Về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phân bổ nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh  giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.

Đặc biệt, một số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc Chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi. Đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến 2024, 2025.

Liên quan đến kiến nghị điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43 và Luật Đầu tư công.

“Trường hợp cấp bách, Chính phủ rà soát, tổng hợp phương án điều hòa cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội:

+ Đối với 45 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đề nghị Chính phủ đề nghị rà soát kỹ danh mục dự án, bảo đảm thời hạn hoàn thành các dự án theo quy định của Nghị quyết số 43; bảo đảm tính khả thi và chỉ đạo các địa phương bố trí vốn NSĐP để thực hiện dự án theo đúng cam kết.

+ Đối với số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 782,217 tỷ đồng: đề nghị không phân bổ tiếp theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội; bao gồm cả số vốn 273 tỷ đồng dự kiến bố trí Dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận