Vẫn sốt ruột với đầu tư công

Có hàng ngàn dự án đầu tư công chậm tiến độ trong thời gian qua. Trong ảnh: Tuyến đường sắt thí điểm, đoạn Nhổn – ga Hà Nội

Lo kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí

Có tới 52 dự án được “điểm mặt, chỉ tên” trong Danh mục Một số dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả giai đoạn 2016-2021, ban hành kèm theo Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, mà Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa gửi các đại biểu Quốc hội.

Trong số đó, có thể kể đến các dự án như Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (cùng trên địa bàn tỉnh Hà Nam), hay Dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, huyện M’Drak, Đắk Lắk…

Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng là dự án đã được ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội nhắc đến rất nhiều. Dự án này, chỉ vì vướng giải phóng, đền bù mặt bằng, mà bao nhiêu năm không xong.

Trong khi đó, hai dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2 cũng đã được Chính phủ nhấn mạnh trong Báo cáo về tình hình đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch 2023, vừa được gửi Quốc hội. Theo đó, cả hai dự án trọng điểm này của ngành y tế đều đang vướng mắc về hợp đồng, đơn giá gốc để điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu. Dự án phải dừng thi công nhiều năm, số vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án từ các năm 2017-2018 phải kéo dài sang năm 2022.

Còn với Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, dù được Chính phủ triển khai phê duyệt từ năm 1997, với tổng diện tích khoảng 300 ha, trong đó khoảng 110 ha thuộc TP. Đà Nẵng và khoảng 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam, nhưng đến nay, mới chỉ triển khai được một phần tại Đà Nẵng. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến 25 năm qua, Dự án chưa thể hoàn tất.

Theo thông tin từ ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ riêng phần đền bù, giải phóng mặt bằng trên khu đất thuộc tỉnh Quảng Nam đã cần tới 4.164 tỷ đồng. Ngân khoản này là quá lớn, nên mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan tới Dự án.

Chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, khiến Chính phủ rất sốt ruột trong thời gian qua, mà quan trọng hơn, còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, gây lãng phí lớn.

Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết, có hàng ngàn dự án đầu tư công chậm tiến độ trong thời gian qua. Trong số đó, đáng chú ý có nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia, như Tuyến đường sắt thí điểm, đoạn Nhổn – ga Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; Tuyến đường sắt số 1: Bến Thành – Suối Tiên; Tuyến đường sắt số 2: Bến Thành – Tham Lương…

“Nhiều dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Dự án nhóm B nhưng kéo dài quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm, dự án bố trí thiếu vốn ngân sách địa phương…”, báo cáo nêu rõ. 

Không chỉ chậm, theo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội, tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, hàng trăm dự án đã có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án và năm 2021 là 185 dự án. Thậm chí, có rất nhiều dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự.

Đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng và hiệu quả

Thông tin về các dự án chậm tiến độ, có thất thoát lãng phí cho thấy, đầu tư công vẫn đang có những tồn tại cần xử lý, dù thực tế, lĩnh vực này đã có nhiều cải thiện tích cực trong thời gian qua.

Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội đã nhấn mạnh, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từng bước được triển khai chặt chẽ hơn. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được khởi công.

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, năm 2021 có 1.962 Dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Con số của năm 2020 là 1.867 dự án; năm 2019 là 1.878 dự án; năm 2018 là 1.778 dự án…

Quan trọng hơn, hiệu quả đầu tư công được cải thiện. Một bằng chứng là, Hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần. Theo đó, ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1, thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011-2015 và điều này cho thấy hiệu quả đầu tư đang tăng dần.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, trong báo cáo vừa phát đi hôm 22/10, cũng cho biết, những năm gần đây, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm; giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện… Đặc biệt, nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, như cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, đoạn La Sơn – Túy Loan, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2…

Những nhận định trên tương đồng với báo cáo mà Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình đầu tư công. Tuy vậy, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả.

“Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng ‘vốn chờ dự án đủ thủ tục’, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Chưa kể, theo Bộ trưởng, còn tình trạng chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì lại vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án…

Đây là những nguyên nhân không chỉ khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng, mà còn dẫn đến thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả ở một số dự án đầu tư công.

Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra những nguyên nhân này. Thủ tướng Chính phủ, trong Chỉ thị mới đây về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đã nhấn mạnh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải nâng cao kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, cũng như phải chuẩn bị thật tốt các dự án, thủ tục, điều kiện cần thiết, để không chỉ sớm giải ngân được dự án, mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư công.