Vĩnh Long: Nhận diện PCI để điều hành tốt hơn

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tiếp đối tác Nhật Bản
Năm 2022, Vĩnh Long thu hút gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư 

Doanh nghiệp vẫn đặt niềm tin

Theo Báo cáo PCI năm 2022 vừa công bố, tỉnh Vĩnh Long xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 64,40 điểm. So với năm 2021, điểm số PCI năm 2022 của Vĩnh Long chỉ giảm 1,03 điểm (65,43 điểm), nhưng về thứ hạng giảm tới 17 bậc. Đây là năm mà thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua.

Kết quả này được xem là khá bất ngờ khi Vĩnh Long là một trong những địa phương có bề dày thành tích PCI của cả nước. Qua 18 năm công bố PCI, Vĩnh Long có đến 12 năm trong top 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước; trong đó có tới 3 năm xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố.

Mặc dù thứ hạng bị giảm sâu so với năm 2021, nhưng PCI năm 20202 của Vĩnh Long cũng có những điểm sáng nhất định, với 3 chỉ số thành phần tăng điểm hơn năm trước. Cụ thể, chỉ số Tính năng động chính quyền  đạt 6,53 điểm, tăng 0,13 điểm (năm 2021 là 6,40 điểm); Đào tạo lao động  đạt 5,54 điểm, tăng 0,94 điểm (năm 2021 là 4,60 điểm); Thiết chế pháp lý đạt 7,49 điểm, tăng 0,26 điểm (năm 2021 là 7,23 điểm).

Bên cạnh đó, so với năm 2021, có 2 chỉ số thành phần trong PCI năm 2022 của tỉnh Vĩnh Long tăng hạng, đó là: Tính năng động chính quyền tăng 11 bậc, hạng 44/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 hạng 55/63 tỉnh, thành phố); Đào tạo lao động tăng 30 bậc, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 hạng 60/63 tỉnh, thành phố).

Phấn đấu năm 2023, PCI tỉnh Vĩnh Long thuộc top 20 của cả nước

Trong năm 2023, tỉnh triển khai tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn thực hiện Bộ tiêu chí Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Vĩnh Long để làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc chuyên môn của Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Phấn đấu năm 2023, PCI tỉnh Vĩnh Long thuộc top 20 của cả nước, và top 5 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Võ Quốc Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long

Theo bảng tổng hợp các chỉ tiêu cấu thành chỉ số PCI 2022 được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực của địa phương trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian so với quy định khi giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong chỉ số Gia nhập thị trường, 100% doanh nghiệp đồng ý là thủ tục tại bộ phận “Một cửa” được niêm yết công khai (so với năm 2021 là 72%); tỷ lệ doanh nghiệp phải sửa đổi bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ 2 lần trở lên đã giảm từ 26% (năm 2021) còn 3% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động đã giảm từ 6% (năm 2021) còn 3% (năm 2022); không có doanh nghiệp nào phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động; tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã giảm từ 16% (năm 2021) còn 3% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký doanh nghiệp đã giảm từ 19% (năm 2021) còn 3% (năm 2022);

Về chỉ số Chi phí thời gian, có 80% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục giấy tờ đơn giản, so với năm 2021 tỷ lệ này là 78%; tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến từ 52% (năm 2021) tăng lên 67% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp cho biết, nội dung làm việc của các đoàn thanh tra, kiểm tra bị trùng lắp giảm từ 28% (năm 2021) còn 6% (năm 2022).

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đánh giá tích cực về sự am hiểu chuyên môn, thái độ làm việc nhiệt tình, thân thiện của cán bộ bộ phận “Một cửa”. Cụ thể, có 60% doanh nghiệp đồng ý là cán bộ tại bộ phận “Một cửa” am hiểu chuyên môn (năm 2021 tỷ lệ này là 44%); 63% doanh nghiệp đồng ý cán bộ tại bộ phận “Một cửa” nhiệt tình, thân thiện (năm 2021 tỷ lệ này là 56%); có 93% doanh nghiệp đồng ý là thủ tục được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ (năm 2021 tỷ lệ này là 78%).

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao về tính năng động, sáng tạo của chính quyền trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Điều này được thể hiện khi có nhiều chỉ tiêu được cải thiện tốt qua khảo sát doanh nghiệp, như: 64% doanh nghiệp cho biết, “thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực” (năm 2021 tỷ lệ này là 60%); chỉ có 15% doanh nghiệp đồng ý cho rằng, phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương: “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì” (năm 2021 là 34%); 90% doanh nghiệp cho rằng, UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2021 là 86%); 82% doanh nghiệp đồng ý UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh (năm 2021 là 77%); 86% doanh nghiệp cho rằng vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp (năm 2021 là 77%); tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng rằng lãnh đạo địa phương đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của mình tăng từ 76% (năm 2021) lên 81% (năm 2022).

Tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn trong bối cảnh chung của cả nước. Tuy nhiên, tại Vĩnh Long, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện một số chỉ tiêu thành phần này theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn. Chỉ số này có tất cả 14 chỉ tiêu; trong đó, có 9/14 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với năm 2021.

Qua khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh tăng từ 49% (năm 2021) lên 53% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch đã giảm từ 31% (năm 2021) xuống còn 20% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm giảm từ 5% (năm 2021) còn 4% (năm 2022).

Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định đã giảm từ 83% (năm 2021) còn 60% (năm 2022); các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian giảm từ 13% (năm 2021) còn 0% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục đã tăng từ 4% (năm 2021) lên 82% (năm 2022); tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm từ 78% (năm 2021) còn 42% (năm 2022)…

Mặc dù kết quả khảo sát điều tra PCI 2022 cho thấy doanh nghiệp cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần giảm điểm số hoặc giảm thứ hạng, nhưng về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trương đầu tư, kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long. Trong năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, với 430 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 49% so cùng kỳ. Đồng thời, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 40 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư; qua đó, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 9.681 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2021.

 

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tiếp đối tác Nhật Bản
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tiếp đối tác Nhật Bản

Tập trung cải thiện PCI

Để khắc phục, cải thiện điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã và thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung, nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 1/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Từng sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xây dựng kế hoạch thực hiện để khắc phục, cải thiện những chỉ số bị giảm hạng; và đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa những chỉ số đạt tốt trong năm 2022.

Chấn chỉnh và nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi ở cấp sở ngành, huyện thị đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính địa phương; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc cho ý kiến giải quyết những đề nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý.

Đồng thời, nghiên cứu đổi mới phương thức xúc tiến, mời gọi đầu tư; giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp; cung cấp thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai triển khai thực hiện các dự án đầu tư; … Tăng cường sự phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư.